Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

TÌNH YÊU GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

 

Theo truyền thống đạo Công giáo chúng ta, Thiên Chúa được trình bày và giới thiệu dưới nhiều hình ảnh, như:

Thiên Chúa là Đấng tự hữu,

Thiên Chúa là Đấng tạo thành,

Thiên Chúa là Chúa các đạo binh,

Thiên Chúa là Đấng phán xét, thưởng phạt,

Thiên Chúa là Đấng toàn năng.

vv...

Tất cả những hình ảnh đó đều đúng và đẹp. Tuy nhiên, nếu muốn chọn một hình ảnh nào thích hợp nhất cho thời đại này và cho Việt Nam hôm nay, thì thiết nghĩ hình ảnh đó sẽ là "Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót" (1 Ga 4,8; Ep 2.4)

Nhân loại thời nay rất cần tình yêu. Tương quan xã hội hiện nay kêu gọi lòng xót thương đối với những kẻ khổ đau, nghèo khó, bệnh tật, cô đơn.

Nói chung, thời đại này khát khao một Thiên Chúa là tình yêu thương xót. Để họ tôn thờ. Để họ tựa nương. Để họ tìm được ý nghĩa cuộc đời.

Chúng ta nên coi khát vọng trên đây là một dấu chỉ của thời đại. Từ nhìn nhận đó, chúng ta sẽ chấn chỉnh lại đời sống đạo của chúng ta, nhất là trong các lãnh vực như: cử hành đức tin, mục vụ, truyền giáo và đào tạo.

 1/ Lãnh vực cử hành đức tin

Cử hành đức tin gồm những hình thức chủ ý tuyên xưng đức tin, tạ ơn đức tin, quảng bá đức tin, nêu gương sáng đức tin.

Trong mọi hình thức cử hành thường có kinh đọc, bài hát, bài giảng, lời nguyện, lời tuyên xưng, lời tuyên hứa, cách sắp xếp, trật tự.

Tất cả mọi chi tiết đó đều nhắm vào một hướng chung, đó là giới thiệu Thiên Chúa của lòng tin. Chúng ta giới thiệu Thiên Chúa, mà chúng ta tin, dưới hình ảnh nào? Thiết nghĩ, sẽ rất hợp với dấu chỉ thời đại, nếu chúng ta giới thiệu Thiên Chúa, mà chúng ta tin, là Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót.

Những chứng từ chúng ta sẽ trình bày đều rút ra từ Phúc Âm, từ quá khứ lịch sử Hội Thánh, nhất là từ đời sống hiện tại của con cái Chúa. Đời sống cá nhân, đời sống cộng đoàn, tất cả đều mang dấu ấn tình yêu xót thương của Chúa. Dấu ấn về sự Chúa xót thương chúng ta. Dấu ấn về sự chúng ta thương yêu nhau. Dấu ấn về sự chúng ta xót thương những kẻ đau khổ, theo gương của Chúa.

Tuyên xưng đức tin bằng lời nói và bằng việc làm có thực chất tình yêu thương xót như thế sẽ được Chúa chấp nhận và dễ lôi kéo được lòng người.

 2/ Lãnh vực mục vụ

Mục vụ theo dấu chỉ của thời đại hiện nay là xây dựng những tương quan đậm đà tình yêu thương xót.

Hình ảnh đẹp của mục vụ tình yêu xót thương là hình ảnh người Samaritanô tích cực chăm sóc một nạn nhân nằm ở vệ đường (x. Lc 10,29-37).

Hình ảnh thuyết phục của mục vụ tình yêu xót thương là hình ảnh người cha đón nhận đứa con phung phá trở về (x. Lc 15,11-32).

Hình ảnh cảm động của mục vụ tình yêu xót thương là hình ảnh người chủ chiên đi tìm con chiên lạc (x. Lc 15,4-7).

Những hình ảnh sống động về mục vụ của tình yêu xót thương đang xuất hiện tại Việt Nam hôm nay là khá phong phú. Nơi nhiều nơi ít. Nếu so sánh những dạng công khai với những dạng âm thầm, chúng ta có thể quả quyết là dạng âm thầm khá mạnh và đem lại nhiều hiệu quả rất tốt.

Âm thầm giúp đỡ những người nghèo khổ. Âm thầm nâng đỡ những người thất vọng. Âm thầm chia sẻ nỗi lòng của những cuộc đời bị bỏ rơi. Biết bao chi tiết âm thầm như thế của mục vụ tình yêu xót thương đang làm cho nhiều nơi của Hội Thánh Việt Nam trở thành một mùa xuân thiêng liêng đầy hứa hẹn.

 3/ Lãnh vực rao giảng Tin Mừng

Lãnh vực rao giảng Tin Mừng ám chỉ lãnh vực truyền giáo. Việc truyền giáo được thực hiện bằng nhiều cách. Một trong những cách đang được nói tới nhiều hiện nay là phát triển con người và xã hội.

Trong việc phát triển con người và xã hội, nhiều môn đệ Chúa đã để ý đặc biệt đến việc xây dựng những tương quan tình yêu thương xót đối với những tầng lớp nghèo khổ. Những tương quan đó được thực hiện trên nền tảng Lời Chúa:

"Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu cho tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó.
Người đã sai tôi đi công bố Tin Mừng
cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt
trả lại tự do người bị áp bức.
Công bố một năm hồng ân của Chúa
" (Lc 4,18-19).

Kinh nghiệm cho thấy: Liên đới với những người nghèo khổ, cứu giúp những người bất hạnh, nâng cao đời sống tầng lớp thấp kém, xây dựng tương quan tình yêu với mọi người, tất cả những từ thiện bác ái như thế đối với con người đã chứng tỏ được sức mạnh của Tin Mừng.

Lúc đó, lãnh vực rao giảng Tin Mừng là rất rộng. Khả năng rao giảng Tin Mừng là rất bất ngờ. Nhiều người quê mùa lại có một cái tâm giàu tình thương xót hơn nhiều người học cao chức trọng.

 4/ Chiều sâu của các việc bác ái

Khi thấy các hình thức tình yêu thương xót phát triển trong các lãnh vực truyền giáo, mục vụ và cử hành đức tin, chúng ta có lý do để mừng. Nhưng, đó mới là những hiện tượng. Cần đi vào chiều sâu, để sự vui mừng của chúng ta được vững bền.

Chiều sâu của những hình thức tình yêu thương xót, sẽ là thế này: Giá trị của những việc chúng ta làm tuỳ thuộc rất nhiều ở ơn thánh Chúa kèm theo những việc đó. Hơn nữa, giá trị đó còn tuỳ thuộc rất nhiều ở sự Chúa Giêsu sống trong ta và hành động trong ta và qua ta.

Chiều sâu như thế đòi hỏi chúng ta phải có một nền tu đức chiêm niệm đi đôi với nền tu đức hoạt động.

Thiếu chiều sâu của chiêm niệm, nhiều biểu dương hoành tráng về đức tin đã trở thành những lễ hội, nhiều việc từ thiện đã trở thành những cạnh tranh, nhiều tương quan xã hội đã trở thành những thành tích của nền văn hoá thế tục, hoặc phương tiện xây dựng lợi ích tư riêng.

Nhìn ngắm Chúa, lắng nghe Chúa, tỉnh thức đón Chúa, hít thở sự sống của Chúa, bắt chước Chúa. Tất cả những việc đó sẽ được thực hiện thường xuyên. Sự sống mật thiết với Chúa như vậy sẽ làm nên chiều sâu cần thiết cho mọi lãnh vực mang tên "tình yêu xót thương" của chúng ta.

Như vậy, vấn đề quan trọng đặt ra cho Hội Thánh Việt Nam chúng ta là đào tạo những người làm chứng cho Chúa giàu tình yêu thương xót. Đào tạo chiều sâu và chiều rộng. Thiết tưởng đào tạo này nên có chỗ trong mọi chương trình giáo lý và tu đức.

Long Xuyên, ngày 14/7/2010