Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

VÀI CHỌN LỰA ƯU TIÊN

 

Đối với người tín hữu, cuộc sống là một chuyến đi. Chuyến đi nhắm tới một đích điểm. Đích điểm đó là về với Cha trên trời.

Trong chuyến đi dài là suốt cuộc sống, họ phải có những chọn lựa đúng, dẫn về đúng đích.

Lời Chúa giúp chúng ta chọn lựa đúng. Chuyến đi càng phức tạp, chúng ta càng cầu xin Chúa Thánh Thần giúp, để chúng ta biết tìm được ánh sáng từ Lời Chúa, hầu có thể chọn lựa khôn ngoan, thiết thực.

Tính cách khôn ngoan và thiết thực cho chuyến đi hôm nay đang được Chúa ban cho nhiều tâm hồn tín hữu trong Hội Thánh Việt Nam.

Dưới đây là một chia sẻ của họ về một số chọn lựa ưu tiên.

 1/ Lo cứu các linh hồn hơn cứu các quyền lợi trần thế của Hội Thánh

Kinh Tin Kính tuyên xưng rằng: "Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế". Ngôi Hai xuống thế, nhập thể, đã sống chết thế nào, để cứu các linh hồn? Thánh Phaolô viết:

"Người đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi chịu chết, chết trên cây thánh giá" (Pl 2,7-8).

Còn thánh Phêrô thì viết: "Anh em đã được cứu chuộc nhờ máu châu báu của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Kitô" (Pr 1,19).

Chính Chúa Giêsu khẳng định: "Tôi là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên" (Ga 10,11).

Nhìn lên Chúa Giêsu chịu treo trên thánh giá, chúng ta thấy Chúa coi việc cứu chúng ta và các linh hồn là một chọn lựa cao cả thế nào. Chúa hy sinh tất cả và hy sinh đến cùng, để cứu độ.

Tất nhiên, chúng ta nên và phải bảo vệ những quyền lợi trần thế của Hội Thánh địa phương.

Nhất là khi nơi ở và lối sống của những người trong Hội Thánh địa phương vẫn giữ được mức độ đơn sơ thanh thoát, hợp với bậc tu trì, thì các ngài vẫn có uy tín, việc các ngài bảo vệ những quyền lợi trần thế của Hội Thánh địa phương do nhu cầu lợi ích chung, sẽ được coi là trong sáng.

Cho dù được như vậy, việc cứu các linh hồn vẫn luôn phải đặt lên hàng ưu tiên, nếu hoàn cảnh bắt phải chọn lựa. Lịch sử Công giáo tại nhiều nước trên thế giới hiện nay làm chứng như vậy. Chúa Chúa Giêsu và các thánh tông đồ đã nêu gương sáng đó. Sau cùng, nếu gọi là thua, thì thua mà lại được lợi hơn gấp muôn ngàn lần.

Chúng ta càng hiểu điều đó, nếu chúng ta thấy, biết bao nhiêu linh hồn xung quanh ta đang bị ma quỷ lôi kéo vào chốn tối tăm. Họ kêu gọi chúng ta cứu họ. Chúng ta sẽ chỉ có thể cứu họ, bằng cách cộng tác với Chúa cứu thế, và dùng những phương tiện thiêng liêng, mà Chúa cứu thế đã dùng.

 2/ Lo cho đời sống bác ái hơn lo cho đời sống tổ chức cơ chế của Hội Thánh

"Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4,9). Trước khi về trời, Chúa Giêsu trối lại điều răn yêu thương: "Thầy ban cho chúng con một điều răn mới, là chúng con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương chúng con" (Ga 13,34).

Thánh Phaolô ca tụng đức ái bằng những chi tiết cụ thể:

"Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức ái, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la inh ỏi.

Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức ái, thì tôi cũng chẳng là gì.

Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi" (1 Cr 13,1-3).

Rồi, thánh Phaolô mô tả nội dung bác ái như sau:

"Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không vênh vang, không ghen tương, không tự đắc, không làm điều gì bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả" (1 Cr 13,4-7).

Đức ái quan trọng là như thế, phong phú là như vậy. Nhận thức đó khiến chúng ta hãy cố gắng sống đức ái theo Lời Chúa.

Đã hẳn lo cho Hội Thánh địa phương có một cơ chế với những phân công thích hợp là điều tốt. Nhưng quan tâm đó không được lấn lướt quan tâm về đời sống đức ái. Nhất là khi cơ chế lại theo phong trào, phát sinh ra nhiều thứ ban bệ, nhiều thứ tổ chức. Nếu thiếu tỉnh thức, đời sống cơ chế như thế sẽ dễ trở nên ồn ào, hình thức, đụng chạm. Khi nhiều người nhập vai các địa vị đạo đức một cách vụng về và trần tục, thì coi rất tội nghiệp. Lúc đó Hội Thánh địa phương sẽ vô tình tự tố cáo mình là thiếu những nhân chứng đáng tin cậy. Và đó là một tổn thất lớn tự mình gây nên.

Đề cập đến đức ái, người ta không thể không nghĩ tới bổn phận chúng ta đối với những người nghèo. Thái độ những người của Hội Thánh đối với các người nghèo được coi là yếu tố quan trọng trong việc làm chứng cho Chúa. Đây là một lãnh vực rất nhạy cảm hiện nay. Nếu chúng ta không tỉnh táo trong vấn đề người nghèo, chúng ta sẽ làm cho Hội Thánh vốn đắc thắng trong lãnh vực đức tin, lại trở thành thất bại trong lãnh vực đức ái. Mà nếu thất bại thực sự trong lãnh vực đức ái, thì Hội Thánh, dù với cơ chế mạnh đến đâu, cũng sẽ không thể loan báo Tin Mừng được một cách có hiệu quả, trên đất nước Việt Nam hôm nay.

ù

Hội Thánh Việt Nam đang đứng trước nhiều thách đố. Trả lời đúng, thì tương lai sẽ sáng sủa. Trả lời sai, thì tương lai sẽ mù mịt. Thiết tưởng, muốn trả lời đúng, chúng ta phải bám vào Chúa, vâng phục ý Chúa, thực thi ý Chúa. Hãy cầu nguyện, sám hối với niềm tin phó thác trọn vẹn, và hết sức khiêm nhường.

Long Xuyên, ngày 14/8/2010