Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

GẶP GỠ ĐỨC KITÔ

 

Tết là dịp chúng ta chúc nhau hạnh phúc. Lời chúc hạnh phúc nào cũng nên được trân trọng. Điều quan trọng là lời chúc hạnh phúc phải thực sự chân thành, đậm tình yêu dâng hiến.

Lời chúc hạnh phúc của tôi là gặp được Đức Kitô. Ai chưa gặp, thì mong sẽ gặp được Người. Ai đã gặp, nhưng chỉ gặp thoáng qua, thì mong sẽ gặp được Người một cách thân mật.

Lý do là vì Đức Kitô đem lại cho chúng ta hạnh phúc đích thực. Người là Đấng Cứu độ, là đường đi, là sự thực, là sự sống và là sự phục sinh của chúng ta.

Ở đây, xin được chia sẻ đôi chút về 3 điều:

- Bầu khí thuận lợi để gặp gỡ Đức Kitô.

- Những cảm nhận do sự gặp gỡ Đức Kitô.

- Trật tự từ cuộc gặp gỡ Đức Kitô.

 1. Bầu khí thuận lợi để gặp gỡ Đức Kitô

Đức Kitô, mà chúng ta tìm gặp, chính là Đức Kitô đã tỏ mình ra trong Kinh Thánh. Vì thế, Kinh Thánh là bầu khí đầu tiên giúp chúng ta gặp gỡ Đức Kitô. Đối với phần đông chúng ta, bầu khí Kinh Thánh có thể là việc chúng ta nghe Lời Chúa, cầu nguyện Lời Chúa, đọc Lời Chúa, học hỏi Lời Chúa, cách này cách khác, chung tại nhà thờ và trong gia đình, hoặc tư riêng một mình.

Cùng với bầu khí Kinh Thánh, sẽ là bầu khí yêu thương. Bầu khí yêu thương hệ tại ở sự chúng ta cố gắng nâng đỡ người khác, kính trọng người khác, làm nhẹ gánh nặng cho người khác, cảm thương nỗi khổ của người khác. Những ai để ý sống yêu thương và góp phần tạo ra bầu khí yêu thương sẽ dễ gặp được Đức Kitô.

Một bầu khí nữa được coi là rất thuận lợi để gặp Đức Kitô, đó là bầu khí khiêm nhường. Bầu khí khiêm nhường khởi đi từ sự chúng ta nhận mình là nghèo khó, tội lỗi, nên chân thành sám hối, khao khát gặp Chúa cứu độ. Hơn nữa, chúng ta tỉnh thức đợi chờ với tinh thần tĩnh lặng khẩn nguyện, xin Chúa xót thương. Chúng ta không ngại đứng bên, đứng giữa, đứng cuối lớp người tội lỗi, để cùng với họ, ôm hy vọng được gặp Chúa.

Bầu khí Kinh Thánh, bầu khí yêu thương, bầu khí khiêm nhường không luôn có sẵn. Ngay trong các cuộc lễ hoành tráng, những bầu khí đạo đức như thế vẫn có thể bị hạn chế, thậm chí còn bị tàn phá nặng nề. Vì thế, việc gây dựng bầu khí luôn sẽ phải là một phấn đấu, vừa cho bản thân mình, vừa cho cộng đoàn.

Kinh nghiệm cho thấy, ngay trong những hoàn cảnh rất khó khăn, bầu khí đạo đức vẫn hình thành đây đó. Nhờ vậy, biết bao người thiện chí đã dần dần gặp được Đức Kitô. Cuộc gặp gỡ Đức Kitô được cảm nghiệm như gặp được Đức Kitô đã được diễn tả trong Kinh Thánh. Người hiện diện một cách thiêng liêng ngay bên cạnh chúng ta. Người gần gũi, tuy một cách vô hình, nhưng như chạm vào đời ta. Chúng ta đón nhận được rất nhiều điều kỳ diệu từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô.

 2. Những cảm nhận do sự gặp gỡ Đức Kitô

Riêng tôi, điều gây ấn tượng nhất, mà tôi đón nhận được từ cuộc gặp gỡ Đức Kitô, là cảm thấy Đức Kitô trong lòng tôi chính là Đức Kitô cứu độ đã tỏ mình ra trong Phúc Âm. Người phán: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta. Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Các con hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường. Tâm hồn các con sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của Ta thì êm ái, gánh của Ta thì nhẹ nhàng" (Mt 11,28-30).

Đức Kitô, mà tôi được gặp trong lòng tôi, hay nhắc đi nhắc lại với tôi lời mà Người đã nói trên đây trong Phúc Âm. Tôi đón nhận Người. Tôi đem hết mọi gánh nặng của tôi đặt trước mặt Người. Những gánh nặng đó rất nhiều. Từ những đau đớn thể xác đến những đau đớn tâm hồn. Từ những yếu đuối, tính mê tật xấu đến những tội lỗi và những thiếu sót. Tất cả những gánh nặng đó của tôi đều được Người nhận lấy. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Nhẹ nhất là vì được Người an ủi. Có gánh nặng được cất đi. Có gánh nặng được bớt đi. Có gánh nặng được Người cùng chia sẻ.

Qua việc nhận lấy những gánh nặng của tôi, Đức Kitô đã diễn tả tình yêu của Người. Tôi cảm nhận được tình yêu của Người là vô biên, vô bờ. Tình yêu cao cả ấy lại rất hiền từ và khiêm nhường. Tình yêu ấy không ngừng cứu độ tôi, luôn luôn thánh hoá tôi. Nếu gọi đó là một cái ách, một gánh nặng, thì đúng là ách êm ái và gánh nhẹ nhàng.

 3. Trật tự từ cuộc gặp gỡ Đức Kitô

Từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, tôi thấy phải sắp xếp lại trật tự trong nội tâm tôi.

Trật tự đó là thế này:

Việc quan trọng nhất tôi phải thực hiện trong tôi là: Chính bản thân tôi phải luôn luôn trở về với Đức Kitô, luôn luôn tìm gặp gỡ Đức Kitô, luôn luôn ở lại với Đức Kitô, luôn luôn nghe lời Đức Kitô, luôn luôn đi theo Đức Kitô.

Đó là việc ưu tiên phải thực hiện trong mọi hoàn cảnh và trong mọi lãnh vực.

Lao mình vào việc truyền giáo và mục vụ, với các thứ hoạt động bận rộn bôn ba dễ làm cho tôi có ảo tưởng là tôi hy sinh cho Chúa. Nhưng khi hồi tâm, tôi thấy, nếu không quyết tâm giữ được thói quen trở về gặp gỡ Đức Kitô hằng ngày, lòng tôi sẽ dần dần mất quân bình. Sự mất quân bình nội tâm đó sẽ gây hại cho tôi và các linh hồn. Việc truyền giáo và mục vụ do đó, dù có lúc coi như náo nhiệt tươi vui, nhưng rồi sẽ tàn lụi mau chóng, nhất là khi gặp thử thách.

Trái lại, khi quyết tâm thực hiện việc trở về gặp gỡ Đức Kitô thường xuyên mọi ngày, tôi được bình an và tự do tâm hồn. Chúa hoạt động trong tôi. Tôi trở nên bé nhỏ ngoan ngoãn trong tay Người.

Nguy cơ lớn nhất hiện nay đang đe doạ những nhà làm truyền giáo và làm mục vụ tại Việt Nam là sự mất trật tự trong nội tâm. Coi việc chính là phụ. Coi việc phụ là chính. Do đó, nội tâm trở thành trống vắng và ngổn ngang lộn xộn.

Tôi thiết nghĩ rằng: Để đổi mới mục vụ và truyền giáo, việc ưu tiên nên chỉnh đốn là đời sống nội tâm. Một đời sống nội tâm luôn trở về gặp gỡ Đức Kitô chính là nền tảng và đầu nguồn của mọi hoạt động mục vụ và truyền giáo. Chính Đức Kitô là hạnh phúc cứu độ của ta.

Cùng với việc chia sẻ trên đây, tôi xin thân ái cầu chúc anh chị em, trong năm mới này, sẽ được gặp gỡ Đức Kitô một cách thường xuyên và mỗi ngày mỗi mật thiết hơn.

Long Xuyên, ngày 9/12/2010