Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

NHỮNG KHÓ KHĂN PHỨC TẠP
CẦN BIẾT TRONG VIỆC TRUYỀN GIÁO

 

Truyền giáo đang là đề tài được nói đến nhiều trong Hội Thánh Việt Nam hiện nay. Nói nhiều không có nghĩa là thực hiện nhiều. Bởi vì thực hiện việc truyền giáo là chuyện không dễ.

Đôi khi có những thông tin vẻ ra cảnh truyền giáo nơi này nơi kia là rất phấn khởi, nhiều người xin theo đạo, những người truyền giáo được đón tiếp nồng hậu, xây cất nhà thờ và các cơ sở tôn giáo được diễn tiến tốt đẹp, lễ lạy được tổ chức tưng bừng.

Những thông tin rực rỡ đó, tuy lạc quan, nhưng thiết tưởng nên đón nhận một cách thận trọng. Thận trọng nghĩa là kết quả tốt đẹp hôm nay chưa chắc sẽ còn tốt đẹp trong tương lai. Tốt đẹp dễ dãi của nơi này không thể là bằng chứng để khen người này chê chốn khác. Tốt đẹp ở bề mặt chưa chắc đã là tốt đẹp ở chiều sâu.

Dứt khoát không phải bi quan là điều tốt trong việc truyền giáo. Tất nhiên chúng ta luôn phải sống trong hy vọng. Nhưng hy vọng lành mạnh không miễn trừ cho chúng ta khỏi chính xác trong cái nhìn về thực tại truyền giáo. Ở đây chỉ xin đề cập tới thực tại truyền giáo thời Chúa Giêsu. Thực tại đó có rất nhiều khó khăn phức tạp.

Có thể nói là: Ba năm rao giảng của Chúa Giêsu là thời gian Chúa Giêsu truyền giáo. Người truyền giáo cho dân Israel. Việc truyền giáo của Người đã gặp nhiều khó khăn. Hiểu biết những khó khăn của Chúa Giêsu sẽ giúp cho chúng ta hiểu biết những khó khăn của chúng ta trên đường truyền giáo.

 1/ Đời truyền giáo của Chúa Giêsu gặp khó khăn phức tạp

Nhìn chung, chúng ta thấy khó khăn nặng nề nhất, mà Chúa Giêsu đã gặp trên đường truyền giáo, là tính cách phức tạp của những con người.

a) Những người cùng quê với Người vùng Nagiarét ban đầu đã rất phấn khởi khi nghe Người giảng. Nhưng dần dần họ đổi lòng đổi dạ. Họ đâm ra thắc mắc về Người. Rồi tỏ vẻ khinh dể Người. Sau cùng họ giận dữ, lôi Người ra khỏi thành, dẫn Người lên đỉnh núi, định xô Người xuống vực thẳm cho chết đi (x. Lc 4,16-29).

b) Nhóm người Pharisêu khi nghe Chúa Giêsu giảng và thấy Người làm nhiều phép lạ, thì bực tức. Họ bắt bẻ, tranh luận, khích bác. Họ đặt cho Người nhiều tên xấu xa, như người bị quỷ ám, tên tội lỗi. Họ kết án Người. Sau cùng họ tìm cách giết Người.

c) Dân chúng theo Chúa phải kể là rất đông. Nhưng Chúa Giêsu có lần đã nói thẳng, nói thật: "Dân này kính Ta bằng môi miệng, còn tâm hồn họ thì xa Ta" (Mc 7,6). Chúa Giêsu còn nói tới sự dân của Người đã loại trừ Người (x. Mc 12,10).

Và thực sự một số đông dân chúng đã loại trừ Người một cách tàn bạo, khi họ đồng thanh hô to trước dinh quan Philatô: "Hãy đóng đinh nó vào thập giá" (Mc 15,13-14).

d) Chính 12 tông đồ là những người được Chúa đào tạo cách riêng cũng đã có những lời nói, việc làm và thái độ làm cho Chúa Giêsu buồn, khiến Người phải mắng trách họ là chậm hiểu, chưa hiểu, không chịu hiểu (x. Mc 8,17.19.21).

Như vậy, nhóm người nào cũng phức tạp. Phức tạp nào cũng cản ngăn Tin Mừng. Cản ngăn nhiều cách. Cách ác độc nhất là loại trừ kẻ rao giảng Tin Mừng bằng việc đóng đinh Người trên thập giá.

Chúa Giêsu đã cho thấy tính cách phức tạp trong truyền giáo bằng đời của Người.

 2/ Lời Chúa cắt nghĩa thêm về những khó khăn phức tạp trong thực tại truyền giáo

Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn người gieo giống (x. Mc 4,3-9). Người gieo giống gặp nhiều thứ khó khăn trong chính cánh đồng, mà mình gieo giống.

Có ba khó khăn:

Khó khăn thứ nhất là lòng người như đất vệ đường. Hạt giống gieo trên đó, chưa kịp bám vào đất, thì đã bị Satan lấy đi. Biết bao người đón nhận Tin Mừng với ý muốn lợi dụng Tin Mừng như một phương tiện để gây uy tín và lợi ích cá nhân. Satan nhờ đó, mà cướp đi Tin Mừng.

Khó khăn thứ hai là lòng người như đất trộn nhiều sỏi đá. Hạt giống gieo vào đó, không ăn rễ sâu được, nên bị chết héo. Biết bao người đón nhận Tin Mừng một cách hời hợt. Họ chẳng bao giờ gắn bó sâu vào tình yêu Chúa, nhất là họ tránh mầu nhiệm thập giá.

Khó khăn thứ ba là lòng người như đất đầy cỏ và gai góc. Hạt giống gieo vào đó, bị ngột ngạt, mà chết dần. Biết bao người đón nhận Tin Mừng, rồi bỏ lãng quên, chỉ lo toan bận bịu với những quan tâm theo các lôi kéo trần thế.

Thiết tưởng ba loại lòng người trên đây chỉ là bức tranh mộc mạc cho bình dân nông thôn dễ hiểu. Chứ trên thực tế, lòng người mang nhiều khả năng tiêu cực khó mà tả cho hết. Có thứ âm thầm dồn nén. Có thứ bùng nổ. Tin Mừng bị chính những phức tạp của lòng người phá hoại.

 3/ Thực tại hôm nay

Thực tại truyền giáo hiện nay tại Việt Nam cũng không khác gì thời Chúa Giêsu.

Nếu thực tại được nhìn như một xã hội, thì xã hội truyền giáo hôm nay cũng gồm nhiều loại, nhiều nhóm, nhiều tầng lớp. Nói chung, loại nào, nhóm nào, tầng lớp nào cũng có những phức tạp trong việc đón nhận Tin Mừng.

Nếu thực tại được nhìn như một cách đồng, thì cánh đồng truyền giáo hôm nay cũng gồm nhiều loại đất. Nói chung, loại đất nào cũng có một số phức tạp, trong việc đón nhận Tin Mừng.

Điều nên nói thêm là chính những người đi truyền giáo hôm nay cũng không thiếu phức tạp. Đôi khi, có những người nói là nhà truyền giáo, lại tỏ ra phức tạp còn hơn những người, mà họ đến truyền giáo.

Một thoáng nhìn trên đây thúc giục chúng ta phải rất khiêm tốn trong việc truyền giáo hôm nay. Phải chăng, khiêm tốn chính là điều kiện đầu tiên phải được đào tạo nơi bất cứ ai muốn dấn thân vào sứ vụ truyền giáo.

Long Xuyên, ngày 12/8/2010