Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

BẦU KHÍ BÁC ÁI CỦA TRUYỀN GIÁO

 

Chúa nhật vừa qua (24-10-2010), mọi nơi trong Hội Thánh Việt Nam đều tổ chức lễ Truyền giáo một cách trọng thể. Dịp này, nhiều nơi Công giáo đã tự thuật. Với nhiều hình ảnh khác nhau, như một Hội Thánh chiến thắng, một Hội Thánh tự vệ, một Hội Thánh phát triển, một Hội Thánh bất khuất, một Hội Thánh của các thánh tử đạo, một Hội Thánh của Đức Mẹ La Vang.

Tự thuật là công khai. Nội bộ Công giáo nghe. Người ngoài Công giáo nghe. Các tôn giáo khác nghe. Các khuynh hướng chính trị cũng nghe. Tại một số nơi phản ứng nhận thấy là không mấy thuận lợi cho việc truyền giáo nói riêng và cho Hội Thánh Công giáo nói chung.

Đang khi đó, một bầu khí phấn khởi chan hoà đã được nhận thấy ở những nơi lễ Truyền giáo được tổ chức với những hình ảnh dễ đi vào lòng người. Đó là hình ảnh về Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót, và hình ảnh về người công giáo phục vụ bác ái.

Lễ Truyền giáo đã qua rồi. Nhưng công việc truyền giáo vẫn tiếp tục. Vì thế, xin suy nghĩ thêm về hai hình ảnh đã gây được nhiều ảnh hưởng tốt trong lễ truyền giáo. Mục đích là để gợi ý cho người truyền giáo thêm động lực và sáng kiến trên cuộc hành trình dài của sứ vụ loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay.

 1/ Hình ảnh vê Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót

Hình ảnh này được chính Chúa mạc khải trong Phúc Âm. Chúa là người Cha. "Cha chúng con ở trên trời, Đấng khiến mặt trời mọc lên cho những người lành và những kẻ dữ, Đấng làm mưa xuống cho những người công chính và những người tội lỗi" (Mt 5,45).

Thiên Chúa là "Đấng nhân hậu với cả những người vô ân và độc ác" (Lc 6,35).

Thiên Chúa là Đấng còn đi xa hơn lòng nhân hậu, khi dạy chúng ta rằng: "Thầy bảo anh em, đừng chống cự người ác. Nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa" (Mt 5,39).

Thiên Chúa Cha đã sai Con mình xuống thế làm Đấng cứu thế. Chúa Cứu thế đã hạ mình xuống đến bậc thấp nhất, chia sẻ thân phận khổ đau của con người, đã dâng mình chịu chết trên thánh giá, để đền tội cứu chuộc nhân loại.

Thiên Chúa là Đấng đã hứa: "Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho" (Mt 7,7).

Chúa Cứu thế là Đấng thực hiện lời ngôn sứ Isaia đã nói xưa: "Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa xức dầu cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha. Cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức" (Lc 4,18-19).

Trên đây, chỉ là vài nét về Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót rút ra từ Phúc Âm. Còn những chứng từ xưa rày về lòng thương xót Chúa thì vô kể. Những thánh ca ngợi khen Thiên Chúa tình yêu càng ngày càng phong phú.

Giới thiệu Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót chỉ là bước đầu của truyền giáo. Bước tiếp theo, là giúp người ta đến với Chúa tình yêu. Đến để cùng Chúa mà thương yêu mọi người.

Ngoài việc giới thiệu Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót, người truyền giáo còn giới thiệu người tin theo Chúa hôm nay.

 2/ Hình ảnh về người tin theo Chúa giàu lòng thương xót

Họ là người sống điều răn mới của Chúa Giêsu: "Thầy ban cho các con một điều răn mới, là chúng con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con" (Ga 15,12).

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong thông điệp "Thiên Chúa là bác ái" công bố ngày 25/12/2005, đã mô tả người môn đệ Chúa sống bác ái sẽ phải thế này:

Họ là những người đã được Chúa Kitô chinh phục bằng tình yêu, đã được Chúa Kitô đánh thức trong lòng họ tình yêu đối với tha nhân.

Họ là những người có thể nói như thánh Phaolô: "Tình yêu Đức Kitô thúc giục tôi" (2 Cr 5,14).

Họ là những người ý thức sâu xa rằng: Thiên Chúa đã ban tặng mình cho họ, đến chết vì họ. Ý thức đó đưa họ đến việc không còn sống cho mình, mà chỉ sống cho Chúa và với Chúa vì những kẻ khác.

Như thế, người tin theo Thiên Chúa giàu lòng thương xót luôn tìm nguồn bác ái nơi Thiên Chúa, để rồi họ yêu thương nhau trong nội bộ, và phục vụ mọi người với chính sự sống bác ái của Chúa, mà Chúa chia sẻ cho họ.

Sự sống bác ái đó không đồng nghĩa với việc làm việc từ thiện. Thánh Phaolô viết: "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có bác ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi" (1 Cr 13,3).

Sự sống bác ái không dừng lại ở những việc từ thiện, mà còn đi xa vào những lãnh vực sâu của con người và xã hội.

Sự sống bác ái của Chúa trong họ chính là hồn và là động lực của mọi lời nói, việc làm, thái độ và mọi chọn lựa trong mọi tương quan. Đến nỗi có thể nói: Khi họ yêu thương bác ái đối với người khác, thì họ không những yêu thương bác ái đối với người ấy, mà họ còn đã yêu thương bác ái đối với chính Chúa Giêsu (x. Mt 25,34).

 3/ Truyền giáo bằng bác ái là một thách đố

Một thoáng nhìn trên đây về truyền giáo bằng bác ái cho phép chúng ta nhận định thế này: Truyền giáo bằng con đường bác ái là một chọn lựa hay và đúng, nhưng mà khó. Khó nhất là vì chính người truyền giáo nhiều khi không có đủ sự sống bác ái trong bản thân mình.

Chúng ta chưa sống thực sự mật thiết với Chúa Giêsu. Chúng ta chưa cảm nghiệm được tâm tình yêu thương của Chúa. Chúng ta chưa chia sẻ được thực sự mầu nhiệm thánh giá trong tình yêu cứu độ của Chúa. Chúng ta chưa thực sự yêu thương người khác, như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Người truyền giáo đáng lẽ phải thường xuyên đào tạo chính mình để nên giống Chúa Kitô là tình yêu cứu độ, thì rất nhiều khi, chúng ta lại quá lo những việc bề ngoài, mà lơ là việc chăm lo đời sống nội tâm.

Một vị giáo sĩ chuyên về linh đạo mới nói với tôi: Ngài đi rất nhiều nơi trong một miền rộng lớn của Hội Thánh Việt Nam. Ngài tiếp xúc với rất nhiều người. Ngài thấy nhà thờ nhiều, cơ sở tu cũng nhiều. Nhưng mà hầu như không gặp được chân dung sống động của Chúa Kitô.

Nghe tâm sự đó, tôi rất buồn. Nhất là đúng lúc tôi đang lo và buồn, vì hiện tượng phân hoá và tục hoá tại nhiều nơi trong Hội Thánh Việt Nam. Nhưng, biết buồn biết lo cũng là một khởi đầu cho niềm hy vọng. Chứ tự đắc và vô cảm thì coi như không còn hy vọng. Hy vọng chính đáng nhất của người truyền giáo là: "Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời". Những nơi như thế vẫn là những niềm hy vọng của Tin Mừng.

Long Xuyên, ngày 24/10/2010