Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

MỘT CÁI NHÌN VỀ CÁC TÔNG ĐỒ

 

Trong tháng 10 này, các giám mục tại Việt Nam được quan tâm một cách đặc biệt. Bởi vì Đại hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được tổ chức vào một thời điểm quan trọng có nhiều vấn đề bức xúc trong Đạo ngoài Đời. Nhiều cái nhìn khác nhau sẽ làm nảy sinh ra nhiều tính toán khác nhau.

Tình thế rất phức tạp. Suy đoán dễ sai lầm. Vì thế, nên bình tĩnh dựa vào một nền tảng chắc chắn, để nhìn và để ước mơ nơi các người kế vị các thánh tông đồ.

Nền tảng chắc chắn sẽ tìm trong Phúc Âm. Ở đây, xin trích Phúc Âm thánh Marcô.

"Rồi Chúa Giêsu lên núi, và gọi đến Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.

"Người lập Nhóm Mười Hai. Để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng với quyền trừ quỷ" (Mc 3,13-15).

 Cách chọn nhóm Mười Hai

Chúa Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai cách nào?

Thưa một cách trang trọng.

Trang trọng trước hết ở chỗ Chúa Giêsu tách 12 người Chúa chọn ra khỏi đám đông. Phúc Âm tả đám đông đó thế này: "Từ miền Galilê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giuđê, từ Giêrusalem, từ xứ Samaria, từ vùng bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xiđon, người ta lũ lượt đến với Người" (Mc 3,7-8).

Đám đông như vừa kể được hiểu là rất nhiệt tình, từ khắp nơi, gồm nhiều khác biệt. Đám đông ấy rất xô bồ. Họ là một số nhiều phức tạp. Có thể số đông ấy là mấy ngàn người. Từ đám đông ấy, Chúa tách ra 12 người. Chúa tách ra một nhóm rất nhỏ. Họ là "những kẻ Người muốn" (Mc 3,13). Họ được tách ra từ đám đông và trước mặt đám đông. Đó là một cử chỉ trang trọng.

Trang trọng đó được thêm lên bởi một cử chỉ trang trọng khác, đó là Người gọi tên từng người được chọn "Và các ông đến với Người" (Mc 3,13). Các ông đến với Chúa, tức là các ông bước ra khỏi đám đông, đến với Chúa và đứng ở cạnh bên Chúa.

 Mục đích Chúa chọn Nhóm Mười Hai

Chúa Giêsu chọn Nhóm Mười Hai đó, vì mục đích gì?

Phúc Âm nói rõ vì hai mục đích:

- "để các ông ở với Người".

- "để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ" (Mc 3,14).

Mục đích thứ nhất là "để các ông ở với Người". Ở với Chúa không chỉ là hiệp thông với Chúa bằng trí khôn, mà là sống thân mật bên cạnh Người. Như những người bạn, như những người đồng hành, như những người chia sẻ mọi thăng trầm cuộc sống của Chúa, như những người cảm thông được mọi ý định của Chúa.

"Ở với Chúa" một cách thân mật như thế sẽ không chỉ nhấn mạnh đến những gì Chúa dạy, mà còn quan tâm đến nếp sống thường ngày của Chúa. Như cách Người sống khó nghèo, cách Người nguyện cầu tín thác, cách Người phục vụ với tấm lòng hiền lành khiêm nhường, yêu thương tha thứ.

Tất cả cuộc sống "ở với Chúa" sẽ là một kinh nghiệm bản thân, riêng tư, sống động. Chính kinh nghiệm ấy sẽ được các tông đồ rao giảng.

Mục đích thứ hai là để "Người sai các ông đi rao giảng" (Mc 3,14).

Mục đích thứ hai này gồm hai chi tiết, đó là "để được sai đi" và "đi rao giảng".

Được Chúa sai đi có nghĩa là sáng kiến việc đi rao giảng là do chính Chúa. Chúa sai đi đâu, đi lúc nào, cách nào, phải do chính Chúa.

Rao giảng chủ yếu là rao giảng Đức Kitô, là Đấng mà các ngài đã có kinh nghiệm bản thân. Rao giảng về Nước Thiên Chúa, mà các ngài đã cảm nhận một cách sâu sắc trong suốt đời mình.

Rao giảng Đức Kitô như thế chính là làm chứng về Đức Kitô. Làm chứng bằng kinh nghiệm bản thân của mình.

Làm chứng về Đức Kitô một cách đích thực như thế sẽ kèm theo "việc trừ quỷ" (Mc 3,14).

Việc trừ quỷ, mà Phúc Âm thánh Marcô ghi liền với việc rao giảng, phải hiểu là mọi phấn đấu để xua đuổi tội lỗi.

Các tông đồ Chúa Giêsu gắn liền việc rao giảng với việc phấn đấu chống lại mọi sự ác.

 Nhìn vào các Đấng kế vị Nhóm Mười Hai

Trên đây là một thoáng nhìn về Nhóm Mười Hai được Chúa Giêsu thiết lập. Nhóm Mười Hai này được gọi là 12 tông đồ. Kế vị các tông đồ là các giám mục. Các ngài hiệp thông chặt chẽ với Đức Giáo Hoàng, là Đấng đại diện Chúa Giêsu. Các ngài được chọn một cách đặc biệt, để làm việc theo những chức vụ được cắt đặt. Dù với chức vụ nào, các giám mục vẫn luôn muốn mình là những người làm chứng về Đức Kitô và cho Đức Kitô.

Chứng của các ngài chủ yếu rút ra từ Phúc Âm và kinh nghiệm được sống với Chúa Giêsu. Rao giảng của các ngài luôn tập trung vào Đức Kitô. Sự kết hợp với Chúa Giêsu trên thánh giá chính là sức mạnh đẩy lùi tội lỗi và góp phần làm cho Nước Thiên Chúa được lan rộng vào các tâm hồn. Các ngài thành thực nói như thánh Phaolô: "Ước chi tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Gl 6,11).

Làm chứng về Đức Kitô trong những hoàn cảnh thuận lợi vẫn không luôn dễ dàng. Làm chứng về Đức Kitô trong những hoàn cảnh bi đát càng rất khó khăn và đòi nhiều khiêm tốn.

Xưa, trước khi bước vào con đường tử nạn, Đức Kitô đã sợ hãi, toát mồ hôi máu ra. Người đã cầu nguyện thảm thiết với Đức Chúa Cha: "Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự. Xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mc 14,36).

Chúa Giêsu đã là như thế. Các tông đồ của Người nhiều khi cũng sẽ phải nguyện cầu như vậy. Các ngài cũng sẽ làm chứng về Đức Kitô bằng sự từ bỏ mình dấn thân vào mầu nhiệm thập giá.

Xin hãy cầu nguyện nhiều cho các ngài. Xin hãy cùng các ngài nói lời tín thác: "Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46). Theo gương Chúa Giêsu, các ngài muốn sống và chết như một của lễ bình an và khiêm nhường trong công trình cứu độ của Chúa Giêsu.

Long Xuyên, ngày 30/9/2010