Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

KHIÊM NHƯỜNG TRONG TRUYỀN GIÁO

 

Truyền giáo là một lo toan của Hội Thánh Việt Nam hiện nay. Lo toan đó có vẻ lớn lao, nhất là khi được phát động với những khẩu hiệu, như một chiến dịch, như một phong trào. Bề ngoài coi thì sôi nổi, nhưng nếu không tỉnh táo, bên trong sẽ mang theo nhiều nguy hiểm, mà không hay biết.

Để tránh phần nào những nguy hiểm làm cho việc truyền giáo trở thành hời hợt, ở đây xin phép đề cập tới một điều kiện cần, đó là sự khiêm nhường.

Trước hết, phải khiêm nhường trước mặt Chúa.

1/ Khiêm nhường đối với Thiên Chúa

Trong Phúc Âm thánh Mátthêu, Chúa Giêsu phán: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về" (Mt 9,37).

Cánh đồng mà Chúa Giêsu nói ở đây ám chỉ những con người trong một vùng rộng lớn. Những con người này cần được cứu rỗi. Cứu rỗi là một công trình siêu nhiên. Phải nhờ ơn Chúa mới làm được. Vì thế, mà phải cầu nguyện, xin ơn với Chúa.

Cầu nguyện là điều Chúa Giêsu truyền dạy chúng ta phải nhấn mạnh trong việc truyền giáo. Phải cầu nguyện một cách khiêm nhường, với ý thức rằng: Công việc truyền giáo là công việc của thánh ý Chúa. Chỉ khi chúng ta làm đúng những gì thánh ý Chúa muốn ta làm cho những người nơi đó, thì mới là truyền giáo đích thực.

Một điều thánh ý Chúa đòi là chúng ta phải là người Chúa sai đi. Người được Chúa sai đi thì luôn phải gắn bó với Đấng sai mình, coi việc thi hành thánh ý Chúa là lương thực của mình. Chúa Giêsu phán: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy" (Ga 4,34).

Phúc Âm cho thấy: Biết được đúng thánh ý Chúa là điều không dễ. Thực thi thánh ý Chúa mà mình đã biết cũng chẳng dễ dàng gì.

Thời Chúa Giêsu, những người Pharisêu, những người thông luật, cả đến các thượng tế cũng đã nhiều lần hiểu sai và làm sai thánh ý Chúa.

Đám đông cũng vậy. Chính các tông đồ Chúa trong nhiều trường hợp cũng đã không hiểu đúng ý Chúa, và đã làm sai ý Chúa.

Chúa Giêsu quả quyết: Bất cứ việc gì, dù bề ngoài được gọi là việc đạo đức, nếu làm sai ý Chúa, đều không được Chúa chấp nhận. Mà nếu không được Chúa chấp nhận, thì không được công phúc, có khi còn bị phạt.

Thời Giáo Hội sơ khai, trong những thư gởi các giáo đoàn, nhiều thánh tông đồ đã cảnh cáo về những việc làm sai ý Chúa, và về những người dạy sai giáo lý của Chúa.

Lịch sử truyền giáo suốt các thời kỳ của Giáo Hội đã ghi lại nhiều thành quả tốt, nhưng đồng thời cũng để lại không ít những sai lầm, mà hiện nay phải sám hối.

Tất cả đều chứng tỏ rằng: công việc truyền giáo phải luôn đi theo một định hướng do Chúa muốn. Định hướng đó là công cuộc cứu độ. Phải hợp tác với Chúa. Phải được Chúa sai đi. Phải nhân danh sự sai đi của Chúa. Nghĩa là phải rất khiêm nhường đối với Chúa.

Ngoài ra, còn phải khiêm nhường đối với những người khác.

2/ Khiêm nhường đối với mọi người khác

Trong Phúc Âm thánh Gioan, Chúa Giêsu phán: "Thầy sai anh em đi gặt những gì anh em không phải vất vả và làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả. Còn anh em, anh em được hưởng kết quả công lao của họ" (Ga 4,38).

Với những lời trên đây, Chúa Giêsu khuyên những người làm việc truyền giáo phải khiêm nhường đối với những người khác.

Trước hết, họ phải khiêm nhường đối với những người truyền giáo đi trước họ.

Truyền giáo là một công trình dài, do nhiều người kế tiếp nhau. Những người đi trước có thể là những nhà truyền giáo hoạt động, và cũng có thể là những người có đạo sống âm thầm. Sẽ không là nói quá, nếu cũng kể cả đến những nền văn hoá tốt và những người tốt, mặc dù họ chưa nhận được đức tin công giáo. Tóm lại, người truyền giáo được sai vào một thoáng của lịch sử dài. Lịch sử dài đó đã được tưới gội bởi biết bao mồ hôi, nước mắt của mọi thứ người, để có một hiện tại cho truyền giáo hôm nay.

Họ phải khiêm nhường đối với những người đi trước. Mà cũng phải khiêm nhường đối với những người đang truyền giáo xung quanh họ.

Công cuộc cứu độ trong truyền giáo là một công cuộc được Chúa trao cho nhiều người. Mỗi người đảm trách một việc nhất định, tại một nơi nhất định, trong một thời gian nhất định. Có người là Matta, phải vất vả với nhiều việc. Có người là Maria ngồi nghe Chúa dạy dỗ, cầu nguyện, lo đời sống nội tâm.

Trong truyền giáo, Chúa dùng những con người mà Chúa muốn. Xưa những người tai tiếng, như người đàn bà Samaria có 5 đời chồng, như Saolô hăng hái bắt đạo, họ cũng được Chúa gọi để đi truyền giáo. Nay cũng vậy, chúng ta phải trân trọng và biết ơn họ.

Nếu chúng ta được hưởng thành công nào, thì hãy khiêm nhường tự nhủ: tôi được hưởng kết quả công lao của nhiều người khác, tôi phải biết ơn họ.

Thiết tưởng, chúng ta cũng nên khiêm nhường đối với những người mà chúng ta được sai đến truyền giáo. Cảm ơn họ đã chấp nhận chúng ta. Biết ơn họ đã cộng tác với chúng ta. Nhớ ơn họ đã nâng đỡ chúng ta.

ù

Để kết, chúng ta xin Chúa thương giúp chúng ta luôn biết sống khiêm nhường trong truyền giáo. Nhiều khi Chúa dùng những giải pháp khiêm nhường để giải quyết những vấn đề hết sức phức tạp và khó khăn. Chúa thương kẻ khiêm nhường và chống lại kẻ kiêu căng.

Cúi xin Đức Mẹ Maria là người mẹ hiền từ khiêm tốn luôn đào tạo giáo dục chúng ta, để chúng ta biết sống khiêm nhường thực sự trước mặt Chúa và trước mặt mọi người.

Long Xuyên, ngày 8/9/2010