Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

NÂNG TÂM HỒN LÊN VỚI CHÚA

 

Nâng tâm hồn lên với Chúa, đó là một việc đạo đức rút ra từ Kinh Thánh, từ thánh lễ và từ linh đạo.

Việc đạo đức này vốn được nhiều người thực hiện trong Hội Thánh. Tại Việt Nam, nhiều nhóm cầu nguyện đã chọn việc đạo đức đó như hành trang, để biết tiếp tục hành hương trên cuộc đời chìm nổi.

Trong tinh thần hiệp thông, họ xin chia sẻ một số kinh nghiệm của họ về việc đạo đức đó.

 1/ Trút bỏ

Khi họ dùng đức tin và nhờ ơn Chúa Thánh Thần nâng tâm hồn mình lên với Chúa, họ cảm thấy dần dần một sự biến đổi sâu sắc xảy ra trong họ, đó là sự trút bỏ.

Họ trút bỏ các tội lỗi, nhất là các tội trọng và những tội nhẹ cố tình.

Họ trút bỏ các thứ đam mê, như mê tiền bạc, danh vọng, khoái lạc thấp hèn.

Họ trút bỏ tất cả những gì cản ngăn họ dấn thân yêu mến Chúa, để thuộc về Chúa một cách trọn vẹn.

Sự trút bỏ càng dựa vào ơn Chúa Thánh Thần, càng cho tâm hồn thấy cái tôi của mình đầy những bóng tối, những gánh nặng, do bao nhiêu thứ xấu xa chồng chất. Họ như bị chìm trong bãi bùn lầy. Họ được Chúa kéo lên.

Sự trút bỏ lúc ấy được thực hiện trong sự bình an của Chúa, một sự bình an đầy tâm tình cảm tạ khiêm tốn. Tuy trong bình an, việc trút bỏ vẫn đi đôi với sự ăn năn sám hối. Ăn năn sám hối này dâng trào lên lòng yêu mến và gắn bó thiết tha.

Tâm tình ăn năn và sám hối thường dừng lại ở những gì đã lỗi lầm thiếu sót trong trách nhiệm phục vụ, mà Chúa đã trao phó cho họ.

Lỗi lầm nhất là, khi thi hành trách nhiệm phục vụ, họ đã theo ý riêng mình hơn là thực thi ý Chúa.

Thiếu sót nhất là, khi làm việc bổn phận, họ chưa hết sức lo kết hợp mật thiết với Chúa như ngành cây với thân cây. Cũng là thiếu sót lớn, khi họ để mình trôi dạt trong cuộc sống ồn ào bên ngoài, mà lơ là đời sống nội tâm.

Những trút bỏ trên đây đã xảy ra không cùng một lúc. Khi thì nổi bật chi tiết này, khi thì nhấn mạnh đến chi tiết kia. Trút bỏ là công việc thường xuyên, bao quát từ bên trong nội tâm đến hoạt động bên ngoài.

Tuy được ơn Chúa, con người có những trút bỏ, vẫn phải phấn đấu một cách tỉnh táo cả bên trong lẫn bên ngoài. Ngoài sự trút bỏ cái tôi của con người cũ, việc nâng tâm hồn lên với Chúa còn giúp nhiều người biết vác thánh giá đời mình.

 2/ Vác thánh giá đời mình

Gọi là thánh giá đời mình tất cả những gì là nặng nhọc trong cuộc đời mình. Xin tạm kể ra một số gánh nặng rất dễ nhận ra:

Gánh nặng là những yếu đuối và những giới hạn của mình. Mình không muốn mang chúng vào mình, nhưng chúng cứ bám chặt lấy mình. Mình phải phấn đấu để vượt qua, hoặc để chịu đựng.

Gánh nặng là những bệnh tật, đau yếu, những thiếu thốn, những nghịch cảnh. Chúng cản trở, đôi khi tàn phá sự ổn định của mình vốn đã mong manh.

Gánh nặng là những khác biệt không thích hợp, gây khó chịu và đụng chạm trong đời sống chung.

Gánh nặng là những suy thoái về đạo đức xảy ra ở nơi này nơi nọ, trong đạo ngoài đời. Chúng đe doạ sự tồn vong của Hội Thánh và quê hương đất nước.

Gánh nặng là những mệt mỏi trên cuộc sống luôn phải tranh đấu cho sự thiện và đẩy lùi sự ác đến từ nhiều phía.

Gánh nặng là những vất vả để chu toàn bổn phận một người có trách nhiệm. Trách nhiệm gồm nhiều thứ, như: An ủi những kẻ buồn phiền, nâng đỡ những người yếu đuối, giải hoà những người tranh chấp, nuôi dưỡng những kẻ đói khát nhất là về mặt thiêng liêng, giải thoát những kẻ lầm lạc...

Gánh nặng là những đau khổ của người khác.

Đời sống nhiều khi đã là một gánh nặng, trách nhiệm lại là một gánh nặng khác thêm vào.

Vác tất cả những gánh nặng vừa kể trên chính là vác thánh giá đời mình.

Khi nâng tâm hồn lên với Chúa, người con Chúa khiêm tốn dâng lên Chúa những thánh giá lớn nhỏ của đời mình. Dần dần, họ cảm thấy mình được nhẹ nhàng. Đau đớn sẽ còn đó, mệt mỏi vẫn không giảm, nhưng họ thấy Chúa chia sẻ với họ. Họ thấy được giá trị của thánh giá đời họ trong chương trình cứu độ. Họ vác thánh giá với rất nhiều tình yêu như của lễ đền tội.

Nhờ nâng tâm hồn lên với Chúa, bao người đã vác được thánh giá đời mình một cách có ý nghĩa.

Sau cùng, nhờ nâng tâm hồn lên với Chúa, người con Chúa đã biết đường đi theo Chúa.

 3/ Đi theo Chúa

Đường đi theo Chúa là con đường vâng phục thánh ý Chúa, đón nhận thánh ý Chúa, thi hành thánh ý Chúa.

Khi người con Chúa nâng tâm hồn lên với Chúa, họ không trình bày nhu cầu bằng nhiều lời, nhưng chủ yếu là họ xin Chúa thương điều chỉnh lòng họ, sao cho hợp với ý Chúa, để họ có thể nhận biết được thánh ý Chúa, và có khả năng thực thi thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa chủ yếu tập trung vào đức ái.

Chúa mà họ được gặp, đã tỏ hiện là Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Lòng thương xót của Người được họ nhận ra ở sự Chúa yêu thương họ, cứu độ họ, kêu gọi họ, thánh hoá họ, nhất là trong mầu nhiệm thánh giá. Người làm tất cả theo thánh ý khôn ngoan của Người. Họ tín thác nơi Người. Họ cảm nhận chỉ Người là hạnh phúc thực của họ.

Như vậy, việc nâng tâm hồn lên với Chúa đã giúp bao người sống lời Chúa dạy: "Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình, mà theo Thầy" (Mt 16,24).

Việc nâng tâm hồn lên với Chúa được thực hiện thường xuyên. Có trường hợp trong một thời gian dài. Có trường hợp chỉ trong một thoáng vắn vỏi. Nhưng phải thành một thói quen. Thói quen ấy giúp ta thấy mình dưới thẳm sâu, và gặp Chúa yêu thương cứu chuộc ta trên thánh giá. Từ đó ta không ngừng trở về với Chúa bằng tất cả lòng khiêm nhường vâng phục và yêu mến.

Long Xuyên, ngày 12/9/2010