Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

TĨNH LẶNG

 

Nên thánh là một lời mời gọi gởi tới mọi người tin theo Chúa.

Rất mừng là nhiều người Công giáo Việt Nam đang lắng nghe và đáp lại.

Càng rất mừng là nhiều người đã ý thức việc nên thánh trong thời điểm này là việc rất quan trọng.

Càng hết sức mừng là việc rất quan trọng đó đang được thực hiện bằng nhiều cách. Trong tâm tình đó, tôi xin được chia sẻ vài mong ước của tôi dịp xuân mới. Những mong ước này có nền tảng Kinh Thánh và tính cách thời sự.

 1/ Tĩnh mạc cầu nguyện với Chúa

Sách Thánh luôn kêu gọi con người đến nơi tĩnh mạc, để cầu nguyện.

Nơi tĩnh mạc cầu nguyện có thể là căn phòng đóng kín. Chúa Giêsu dạy: "Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh" (Mt 6,6).

Nơi tĩnh mạc cầu nguyện có thể là sa mạc. Phúc Âm thánh Luca kể: "Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về, và được Thánh Thần dẫn vào hoang địa, ở đó 40 ngày, chịu quỷ cám dỗ" (Lc 4,1-2). Phúc Âm thánh Matthêu thêm: "Người ăn chay ròng rã 40 đêm ngày" (Mt 4,1-2).

Nơi tĩnh mạc cầu nguyện có thể là ngọn núi. Phúc Âm thánh Luca kể: "Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu đi lên núi cầu nguyện. Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa" (Lc 6,12).

Nơi tĩnh mạc có thể là khu đất vườn rộng. Phúc Âm thánh Marcô viết: "Sau đó, Đức Kitô và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghétsemani. Người nói với các ông: anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện" (Mc 14,32).

Tất cả những nơi trên đây đều là chốn tĩnh mạc xét theo địa lý. Có nghĩa là môi trường địa lý tĩnh mạc phải được coi là một điều kiện quan trọng cho việc cầu nguyện.

Nhưng điều kiện quan trọng hơn cho việc cầu nguyện chính là sự tĩnh mạc nội tâm. Sự tĩnh mạc nội tâm này mô tả qua việc tiên tri Elia gặp Chúa trên núi Khôrép.

"Chúa nói với Elia rằng: Hãy ra ngoài hang và đứng trên núi trước mặt Chúa. Kìa Đức Chúa đang đi qua. Gió to bão lớn xé núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Chúa. Nhưng Đức Chúa không ở trong gió bão. Sau đó là động đất. Nhưng Đức Chúa không ở trong động đất. Sau động đất là lửa. Nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Elia lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông: Elia, ngươi làm gì ở đây?" (1 V 19,11-13).

Chuyện trên đây cho thấy: Chúa đến với Elia và nói với ông trong tiếng gió nhẹ. Tiên tri đang ở trên núi tĩnh mạc, nhưng ngài còn phải có một nội tâm tĩnh mạc, mới gặp được Chúa và nghe được Chúa, vì tiếng Chúa nhỏ nhẹ phát ra từ cõi tĩnh mạc bao la sâu lắng.

Thời nào, sự tĩnh mạc địa lý và nội tâm cũng vẫn cần cho việc cầu nguyện. Thời nay xem ra càng cần hơn. Bởi vì thế giới hiện nay đang quay cuồng trong muôn vàn thứ náo động. Nếu những người công giáo nói chung và những người lãnh đạo cộng đoàn tín hữu nói riêng lại tự mình xa lánh cõi tĩnh mạc, để lao mình vào những luồng náo động thế tục, thì việc cầu nguyện không tránh được sa sút. Tai hại sẽ khôn lường.

Một việc thiêng liêng khác cũng rất cần tĩnh mạc, đó là suy tư về tình hình phần rỗi.

 2/ Tĩnh mạc suy tư

Phần rỗi của mỗi người là rất quan trọng. Phần rỗi của gia đình mình, của Giáo Hội mình phải là mối quan tâm thường xuyên của ta. Tình hình của những phần rỗi đó hiện nay ra sao? Hiểu biết những tình hình đó là vấn đề sống còn của ta. Nhất là trong những thời điểm Chúa mời gọi cách riêng, như dịp bị thử thách. Phúc Âm nêu lên một gương mẫu. Đó là hai môn đệ trên đường Emmau.

Hai môn đệ đã trông chờ ở Chúa Giêsu một cuộc cứu độ vinh quang hoành tráng. Nhưng Chúa Giêsu đã tự nộp mình chịu khổ hình, để lại cho các môn đệ một nỗi buồn sầu thất vọng lớn lao. Hai trong các môn đệ đó đã đi về Emmau trong tâm trạng xuống tinh thần ghê gớm. Chính lúc đó, Chúa Giêsu hiện đến dưới hình một người đi đường. Ngài lại gần hai môn đệ. Ngài không nói ngay cho các ông con đường cứu độ của Ngài. Nhưng Ngài hỏi han, chia sẻ, dựa trên Kinh Thánh, giúp các môn đệ tự khám phá ra sự thật. Chúa vừa soi sáng trí khôn họ, vừa đốt nóng trái tim họ. Sau một thời gian đồng hành, Chúa mới cho hai môn đệ nhận ra Chúa và chương trình cứu độ của Chúa (x. Lc 24,13-35).

Hai môn đệ đã sống một thời gian tĩnh lặng bên Chúa, đã lắng nghe được ý Chúa, đã đón nhận được lửa tình yêu Chúa. Chính trong những giây phút tĩnh lặng sâu xa, mà các ngài đã nhìn thấy con đường phần rỗi. Con đường đó là phải trải qua thử thách, là phải bám chặt vào ơn thánh Chúa, là phải đón nhận chính Chúa Giêsu, là phải kết hợp mật thiết với Người.

Hiện nay, thời gian tĩnh lặng trên đường Emmau xem ra ít còn tìm thấy. Chất nặng, ồn ào, náo động đang muốn trở thành chủ trương. Tệ hơn nữa, nhiều khi người ta lại tục hoá những nơi và thời gian cầu nguyện suy gẫm. Nếu lòng đạo vì thế sẽ suy tàn, thì trách nhiệm về ai?

ù

Có những tĩnh lặng mang giá trị thiêng liêng cao quý. Có những tĩnh lặng để ta gặp lại chính mình, để ta gặp gỡ Chúa, để ta đón nhận được tình yêu cao cả. Có những tĩnh lặng đưa ta đến hạnh phúc thực sự vững bền.

Xin cầu chúc cho nhau sang năm Canh Dần được những tĩnh lặng như thế.

Long Xuyên, ngày 4/1/2010