Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

DÂNG HOA VÀ DÂNG MÌNH

 

Tháng 5 là tháng dâng hoa. Việc dâng hoa kính Đức Mẹ càng ngày càng lan rộng và đi vào chiều sâu.

Một trong những cách đi vào chiều sâu là dâng hoa đi đôi với việc dâng mình cho Chúa theo gương Đức Mẹ.

Đức Mẹ đã dâng mình thế nào? Ở đây xin phép chia sẻ một cách nhìn về sự Đức Mẹ dâng mình cho Chúa, để từ đó, chúng ta cũng bắt chước theo.

 1. Trước hết, Đức Mẹ dâng mình bằng cách đi vào đời nội tâm

Đi vào nội tâm là cầu nguyện trong sâu thẳm lòng mình. Chúa Giêsu dạy: "Khi cầu nguyện, các con hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha chúng con, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của chúng con, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ thưởng công cho các con" (Mt 6,6).

Đức Mẹ luôn cầu nguyện trong tâm hồn thanh vắng. Tâm hồn Mẹ là đền thờ, có Chúa ngự.

Đối với Đức Mẹ, cầu nguyện là khiêm tốn gặp gỡ Chúa trong lòng, là suy niệm lời Chúa, là lắng nghe ý Chúa, là yêu mến Chúa.

Cầu nguyện là ngoan ngoãn để Chúa biến đổi mình càng ngày càng nên giống hình ảnh Chúa.

Cầu nguyện là khiêm tốn đón nhận Chúa Thánh Thần, để Người dạy dỗ về ý nghĩa đời người nói chung và đời mình nói riêng.

Trong đời sống cầu nguyện, Đức Mẹ nhận ra hạnh phúc đời mình là được Thiên Chúa ban ơn biết yêu thương.

Không phải là một tình yêu chung chung, nhưng là một tình yêu thương xót.

Không phải là một tình yêu nâng mình lên, nhưng là một tình yêu hạ mình xuống, nhìn nhận mình hèn mọn, yếu đuối.

Không phải là một tình yêu cố gắng làm mọi sự mình muốn cho tình yêu, nhưng là một tình yêu cố gắng làm mọi sự Chúa muốn mình làm vì tình yêu.

Tình yêu của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Vì thế, hướng đi của Đức Mẹ là chính Đức Giêsu Kitô, như chính Người đã quả quyết: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6).

Với những gì Đức Mẹ đã cảm nhận được từ bên trong, Đức Mẹ coi việc gắn bó mật thiết với Chúa là ưu tiên đời mình. Nội tâm Đức Mẹ là một bài ca tụng Chúa: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa" (Lc 1,46).

Khi cùng với Đức Mẹ đi gặp Chúa trong nội tâm mình, chúng ta sẽ dần dần nếm được hạnh phúc được thuộc về Chúa. Hạnh phúc ấy lớn lao, độc đáo, không gì có thể sánh được.

Đi vào nội tâm, rồi sẽ ra đi, để vào đời thường, đó là chặng đường tiếp nối của việc Đức Mẹ dâng mình.

 2/ Dâng mình bằng cách đi vào đời thường

Đời thường của Đức Mẹ trước hết là sự chu toàn bổn phận Chúa trao cho.

Để chu toàn bổn phận nuôi dưỡng và bảo vệ Chúa Giêsu, Đức Mẹ đã phải vất vả trăm bề.

Thức khuya dậy sớm, tần tảo làm ăn, tắm nắng dầm mưa. Đức Mẹ làm tất cả và chịu đựng tất cả với lòng mến lớn lao.

Đời thường của Đức Mẹ là sống tiếp cận với thực tế đạo đời. Thực tế ấy có nhiều cái tốt, nhưng cũng có nhiều cái xấu. Đức Mẹ phản ứng lại cảnh hỗn độn đó một cách bình thản. Một đàng Đức Mẹ tin tưởng vào lòng thương xót Chúa, một đàng Đức Mẹ nhìn nhận sự hèn kém của mình, để rồi hết sức cầu nguyện cậy tin vào Chúa, đồng thời luôn yêu thương mọi người, kể cả những người tội lỗi. Cùng lúc, Đức Mẹ dùng mọi phương tiện có thể, để lấy sự thiện đẩy lùi sự ác.

Đời thường của Đức Mẹ là sống hợp tác đối thoại với những người xung quanh, trong tinh thần kính trọng, khiêm tốn, ôn hoà.

Đời thường của Đức Mẹ là nhẹ nhàng hoà nhập vào nền văn hoá của dân tộc mình. Đức Mẹ hay nhắc tới các bậc tổ tiên đã có công dựng Nước.

Đời thường của Đức Mẹ là sống ơn gọi "người tôi tớ Chúa" (Lc 1,38), phục vụ không ngơi nghỉ, với niềm tin vững vàng: "Đối với Chúa, không có gì là không có thể được" (Lc 1,37).

Đời thường của Đức Mẹ là luôn khiêm tốn vâng phục thánh ý Chúa. Nhưng Đức Mẹ không dừng lại ở đời thường. Đức Mẹ dâng mình cho Chúa ở chặng đường nối tiếp, đó là chặng đường hiến tế.

 3/ Dâng mình bằng cách đi vào đời hiến tế

Sự hiến tế của Đức Mẹ là sự Đức Mẹ chia sẻ những khổ đau của Chúa Giêsu trong suốt chương trình cứu chuộc loài người. Những đau khổ của Mẹ tập trung vào trái tim Mẹ. Như lời tiên tri Simeon đã nói với Đức Mẹ, ngày Đức Mẹ dâng Chúa Hài đồng trong đền thờ: "Còn chính Bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu trái tim Bà" (Lc 1,35).

Thực vậy, Đức Mẹ đau khổ, khi cùng với Chúa Giêsu, nhận vào mình thân phận con người tội lỗi.

Đức Mẹ đau khổ, khi cùng với Chúa Giêsu, sống cảnh nghèo của tầng lớp nghèo khổ. Nghèo của cải, nghèo tình thương, nghèo danh dự.

Đức Mẹ đau khổ, khi cùng với Chúa Giêsu, lủi thủi đi trốn tránh, sống nhờ vả ở đất khách quê người.

Đức Mẹ đau khổ, khi Chúa Giêsu, con mình, bị từ chối, bị săn đuổi, bị bắt bớ, bị kết án, bị giết chết một cách nhục nhã.

Trong mọi đau đớn, trái tim Mẹ vẫn giữ trọn niềm tin và tình yêu thương. Đau khổ vô tận, nhưng tin yêu vô bờ.

Hy tế của Đức Mẹ được tóm gọn vào sự từ bỏ mình một cách tuyệt đối, và phó thác mình nơi Chúa một cách trọn vẹn và khiêm tốn.

Hy tế ấy được thực hiện âm thầm. Của lễ là trái tim mình. Bàn thờ là trái tim mình. Và từ trái tim ấy sẽ chảy ra nguồn suối cứu độ.

ù

Trên đây là phác hoạ lộ trình dâng mình của Đức Mẹ. Lộ trình đó có thể là một gợi ý cho chúng ta. Dù bằng cách nào, chúng ta nhất định phải dâng mình cho Chúa theo gương Đức Mẹ.

Thực rất buồn, khi thấy một lễ trọng với quy tụ lớn, nhiều người có trách nhiệm chỉ biết hăng say diễn tả những ý hướng nặng về trần tục, mà như dứt khoát không muốn nâng tâm hồn mình và cộng đoàn lên dâng mình cho Chúa, là Cha giàu lòng thương xót, Đấng sẽ giải quyết mọi sự theo thánh ý Người.

Chúng ta đừng quên ngày 13 tháng 5, kỷ niệm Đức Mẹ bắt đầu hiện ra ở Fatima. Đức Mẹ cảnh báo nhiều điều khủng khiếp sẽ xảy ra, nếu người ta không sám hối trở về với Chúa, sống vâng phục thánh ý Chúa.

Đừng coi nhẹ những cảnh báo đó. Kẻo khi tình hình đã trở nên trầm trọng, mới thức tỉnh, thì sẽ quá muộn.

Long Xuyên ngày 8/5/2010