Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 THAO THỨC (20) -2019-

 THAO THỨC (21) -2020-
 THAO THỨC (22) -2021-

 

 

LẠY CHÚA, XIN XÓT THƯƠNG CON
VÌ CON ĐẾN,
ĐỂ XIN ƠN SÁM HỐI

 

 

1.

Tình hình hiện nay chuyển biến từng giờ. Khí hậu biến đổi. Bệnh dịch bùng phát, tệ nạn phát sinh, lòng người thay đổi. Bất an, bất ổn. Sống trong tình hình đó, tôi không thể không lo lắng. Một thứ lo lắng, mà Chúa dạy tôi phải để ý rất nhiều, đó là sám hối.

2.

Hãy sám hối tội lỗi của mình, của những người thân, của gia đình, của cộng đoàn, của cả Hội Thánh, của cả nhân loại.

3.

Điều, mà Chúa dạy tôi phải coi như một thứ tội, cần sám hối, đó là thiếu mến Chúa Giêsu. Bởi vì mến Chúa Giêsu, gắn bó với Người, đó là điều quan trọng nhất Chúa đòi hỏi nơi những người Chúa trao nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên của Chúa.

4.

Xưa, trước khi về trời, Chúa Giêsu đã hiện ra với các tông đồ trên bờ biển hồ Tibêria. Một lúc bất ngờ Chúa Gêsu đã hỏi thánh Phêrô:

Này, Simon, con ông Gioan, con có mến Thầy hơn các anh em này không ?”

Simon Phêrô đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.”

Đức Gêsu nói: “ Hãy chăm sóc chiên của Thầy.”

Chúa Giêsu lại hỏi: “Simon Phêrô, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không ?”

Simon Phêrô đáp: “ Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.”

Chúa Giêsu nói: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.”

Chúa Giêsu lại hỏi lần thứ ba: “Này, Simon Phêrô, con có yêu mến Thầy không ?”

Phêrô buồn vì Chúa hỏi ba lần một câu như vậy. Ông đáp: “Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến thầy.”

Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc đoàn chiên của Thầy”. (Ga 21, 14 – 18)

5.

Suy gẫm đoạn Phúc âm trên đây, tôi nhận ra điều Chúa Giêsu muốn nói hơn hết nơi tôi và nơi các người mục tử là hãy yêu mến và gắn bó với Chúa Giêsu một cách tuyệt đối.

6.

Nhận ra điều đó, tôi mới hiểu tại sao các thánh tông đồ Phêrô, Gioan, Phaolô đều đã nhấn mạnh đến việc yêu mến và gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu là điều căn bản cốt yếu nơi người môn đệ Chúa.

7.

Thế mà, nhiều khi tôi đã quên điều căn bản cốt yếu đó. Khi chính bản thân mình coi thường điều căn bản cốt yếu đó, thì có thể tôi đã rơi vào lỗi lầm này tới lầm lỗi kia.

8.

Rồi khi coi thường điều căn bản cốt yếu đó trong việc đào tạo và tuyển chọn những người được Hội Thánh trao ban sứ vụ, tôi sẽ làm cớ cho họ sống sai ơn gọi.

9.

Yêu mến Chúa Giêsu, gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, đó là điều tôi cần đặt ra cho tôi, như thể Chúa Giêsu đã đặt ra cho thánh Phêrô xưa.

10.

Được như vậy sẽ là một ơn trọng đại Chúa ban. Điều quan trọng cần đặt ra ở đây là chính chúng ta có đón nhận ơn sám hối như vừa trình bày không.

11.

Trong Phúc âm, Chúa Giêsu có lần đã nói rõ về ơn Chúa ban mà bị từ chối hoặc bị coi thường.

Kìa, người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả.”(Mt 13, 4-8)

12.

Tôi nghĩ, Chúa cũng đã và đang gieo những hạt giống sám hối. Nhưng nhiều hạt đã bị lòng người từ chối, vì là sỏi đá, vì là bụi gai, vì là vệ đường.

13.

Chỉ có những tấm lòng tốt mới đón nhận. Lòng tốt là những kẻ khiêm nhường.

Khiêm nhường thì mới đón nhận được ơn sám hối.

14.

Khiêm nhường thì phải cầu nguyện, nhìn mình có tội, cần được Chúa thứ tha. Chứ hễ nói đến sám hối là cứ đổ lỗi cho kẻ khác, còn mình thì vô tội. Đó không thể nào là sám hối được.

15.

Khiêm nhường thì phải đặt nặng cầu nguyện, xin ơn Chúa giúp. Chứ hễ nói đến sám hối là cứ tưởng phải nói cho nhiều, múa máy cho mạnh, hăm dọa cho khéo, coi sám hối là công của mình, như thế là sai.

16.

Hôm nay, tôi tha thiết nói với Chúa: Lạy Chúa, xin xót thương con. Vì con đến, để xin ơn sám hối.

Bởi vì, tôi nhận thấy, sám hối là cực kỳ quan trọng, nhưng sám hối cũng là việc không dễ chút nào.

17.

Xin Đức Mẹ Maria và thánh Giuse thương giúp chúng ta đón nhận ơn sám hối.

18.

Tình hình đang như bị satan trói vào xiềng xích chối từ sám hối. Biết như vậy chúng ta càng cần xin đón nhận ơn sám hối.

19.

Sám hối, mà Chúa muốn, là hãy đổi mới tấm lòng, đổi mới cái tâm. Đó là điều mà thánh Phaolô đã quả quyết trong bài ca Đức Mến:

Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.”

Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.”

Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1Cr13, 1-3)

20.

Xin ơn sám hối, như vừa trình bày đó là lời cầu cấp bách lúc này, để được cứu cho khỏi những khốn khó ở đời này và nhất là khỏi những cực khổ ở đời sau.

21.

Hãy xin ơn sám hối mỗi ngày, nhất là ban tối trước khi ngủ. Xin ơn sám hối, chúng ta sẽ được bình an. Bởi vì đó là điều đẹp thánh ý Chúa hơn hết. Sám hối là yếu tố rất cần để mình nên tốt hơn.

Long Xuyên, ngày 22.02.2020