YÊU THƯƠNG VÀ KHIÊM NHƯỜNG
LÀ DẤU CHỈ CỦA ƠN CỨU ĐỘ
1.
Lúc này hơn bao giờ hết, tôi cầu nguyện rất nhiều, có thể nói là tôi cầu nguyện liên lỉ, không ngơi.
Điều tôi cầu xin Chúa nhiều nhất là: Tôi và mọi người gặp được Đấng Cứu Độ.
Bằng nhiều cách, Đức Mẹ cho tôi biết là Đấng Cứu Độ đang đến, Người ở giữa nhân loại.
2.
Tôi hỏi Mẹ: Nhờ dấu chỉ nào tôi nhận ra Đấng Cứu Độ, Đức Mẹ trả lời: Yêu thương và khiêm nhường.
3.
Ở đâu có yêu thương và khiêm nhường, ở đó có Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ. Bài ca đức mến nói rõ điều đó. (x.1Cr13,13)
4.
Người nào sống yêu thương và khiêm nhường, thì có dấu chỉ Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ ở trong họ. Tôi đang thấy nhiều người như thế tại Việt Nam hôm nay. Họ đúng là môn đệ của Đức Kitô, Đấng “hiền lành và khiêm nhường”. (Mt 11,29)
5.
Nơi nào cầu nguyện mà có yêu thương và khiêm nhường thực sự, thì sẽ gặp được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ.
Nếu không, thì dù cầu nguyện nhiều, cầu nguyện lâu, cầu nguyện long trọng đến mấy, cũng sẽ không gặp được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ.
6.
Bây giờ thì tôi xác tín: Yêu thương và khiêm nhường là những dấu chỉ của ơn Cứu Độ. Hai dấu chỉ đó được nói đến nhiều lần trong Phúc âm.
7.
Do vậy, tôi cũng xác tín: Yêu thương và khiêm nhường là những vẻ đẹp tâm linh có giá trị làm chứng cho Chúa.
8.
Cũng do vậy, tôi xác tín. Yêu thương và khiêm nhường là những sức mạnh thiêng liêng giữ vai trò quan trọng trong tu đức, mục vụ, nhất là trong truyền giáo.
9.
Đặc biệt trong tình hình hiện nay đang bùng phát dịch Corona, mà cách chống lại nó là cách ly, xa tránh, đóng cửa biên giới, con người dễ bị nghi ngờ, dễ bị tổn thương, thì yêu thương và khiêm nhường sẽ được coi là thuốc thiêng có sức cứu độ về mặt đạo đức.
10.
Hiện nay, đang sinh ra một khủng hoảng khác, đó là con người trở thành một thứ virút phải tránh xa, đó là loại người kiêu căng, loại người ghen tương, hận thù, trục lợi.
11.
Đang khi đó, lại có những người sống yêu thương và khiêm nhường thực sự. Một cách thiêng liêng, họ đang cầm tay nhau, truyền sang nhau lửa yêu thương và khiêm nhường.
Chúa ở giữa họ, Đức Mẹ ở bên họ.
Họ đang là những chứng nhân của Chúa giữa tình hình phức tạp hiện nay. Với yêu thương và khiêm nhường, họ đã và đang nâng đỡ tôi. Xin cám ơn họ hết lòng.
12.
Nhưng, chính vì thế mà họ bị quỷ Satan chống phá dữ dội. Satan dùng chính những người trong nội bộ Hội Thánh để chống phá.
13.
Xưa, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện. Người Pharisêu đứng gần bàn thờ, đã cầu nguyện mà kiêu căng, khinh bỉ kẻ khác. Còn người thu thuế đứng cuối nhà thờ, chỉ đấm ngực xin Chúa xót thương. Kết quả là người Pharisêu đứng gần bàn thờ cầu nguyện đã bị Chúa ruồng bỏ, không nhận được ơn cứu độ. (x. Lc 18, 9-14)
14.
Với dụ ngôn trên đây, Chúa Giêsu đang cảnh báo những người tự hào là cầu nguyện gần bàn thờ, mà thiếu khiêm nhường và yêu thương.
Tôi thực sự lo cho tình hình hiện nay, với những phong trào cầu nguyện như thế. Biết đâu tôi cũng có lúc nào đó hiệp thông tích cực với những phong trào cầu nguyện đó. Bởi vì tôi cũng là kẻ nhẹ dạ.
15.
Những ngày nay tôi cảm thấy rất rõ Đức Mẹ và Thánh Giuse luôn cầm lấy tay tôi, để truyền sang tôi sự sống đầy yêu thương và khiêm nhường của các Ngài.
Nhờ vậy, tôi gặp gặp được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ tôi.
16.
Với tâm thức đó, tôi ở tư thế sẵn sàng. Bất cứ sự chết đến với tôi lúc nào, tôi cũng sẽ gặp được Chúa Giêsu. Người sẽ thấy tôi mang trong mình yêu thường và khiêm nhường, như những dấu chỉ của kẻ thuộc về Người. Yêu thương và khiêm nhường nơi tôi là của Đức Mẹ và Thánh Giuse.
17.
Trong tâm thức đó, tôi cũng vui, vì được nắm tay nhiều người khác. Tuy họ xa, nhưng lại rất gần, tất cả chúng tôi cùng nắm tay nhau đi về vời Chúa trong yêu thương và khiêm nhường. Riêng tôi, tuy là kẻ tội lỗi, yếu đuối, hèn mọn, vẫn được thương yêu đặc biệt.
18.
Trong tâm thức đó, tôi coi cuộc sống hiện nay như một cuộc hành hương đi về Trời, có rất nhiều người cùng đi với nhau, nhất là có Đức Mẹ, Thánh Giuse. Đặc biệt là có Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót, ở bên cạnh chúng tôi.
Chúa Cha, Chúa Thánh Thần, và cả thiên đàng đang đợi chúng tôi.
Đến muôn đời, con cảm tạ ơn Chúa.
Long Xuyên, ngày 20.03.2020