Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 THAO THỨC (20) -2019-

 THAO THỨC (21) -2020-
 THAO THỨC (22) -2021-

 

 

ĐỨC MẸ GIÚP TÔI THA THỨ

 

 

1.

Hồi tôi còn là sinh viên du học tại Thụy Sĩ, ở Đại học Fribourg, một hôm, trong một hội nghị quốc tế tổ chức ở Đại học, vị thuyết trình đã nói: “Rất nhiều lần, tôi đã không xin Chúa cứu tôi cho khỏi những kẻ thù, mà là cho khỏi những người thân. Bởi vì chính những người thân lại làm khổ tôi nhiều nhất. Tha thứ cho những người thân là việc tất nhiên phải làm, nhưng đau đớn lắm.”

2.

Những lời bộc lộ trên của vị thuyết trình đó làm tôi ngạc nhiên. Nhưng dần dần tôi thấy là đúng. Tha thứ cho những người thân nhiều khi gây đau đớn sâu xa cho bản thân tôi, nhất là khi những người thân đó vẫn dửng dưng tiếp tục làm khổ tôi như chuyện bình thường.

Nỗi khổ của tôi trong những trường hợp như vậy thật là rùng rợn.

3.

Tôi đem nỗi khổ đó đến Đức Mẹ, xin Mẹ thương cứu tôi. Đức Mẹ đã nhận lời. Mẹ đã cứu tôi.

4.

Trước hết, Mẹ giúp tôi tha thứ cho họ một cách thực tình. Không những không oán hận gì họ, mà còn cầu xin Chúa thương ban cho họ được mọi ơn phần xác phần hồn theo lòng thương xót của Chúa. Tôi cũng cầu xin cho họ được ơn tha thứ cho tôi.

5.

Thêm vào đó, Mẹ giúp tôi biến những nỗi khổ tôi chịu do họ gây nên, thành của lễ đền tội. Tôi nhận mình là kẻ tội lỗi, rất đáng phải phạt. Nên khi bị những người thân làm khổ, tôi coi đó là hình phạt Chúa gửi đến cho tôi. Tôi đón nhận trong đau đớn và phó thác. Chỉ mong những người thân đang làm khổ tôi sớm gặp được Chúa, mà trở về với Chúa thực tình.

6.

Mấy ngày nay, Đức Mẹ hay nhắc cho tôi nhớ đoạn Phúc âm về sự tha thứ:

Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Đức Giêsu đáp: Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 21-22)

7.

Tôi hiểu Chúa dạy phải tha thứ luôn luôn, tha thứ mãi mãi, nhất là cách tha thứ phải thực sự yêu thương và khiêm nhường.

8.

Tới đây, tôi sực nhớ tới những vị đã nêu gương sáng cho tôi về sự tha thứ cho những người thân.

9.

Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình có lần đã than thở với tôi thế này: “Tối nào, tôi thấy ngày đó tôi chưa bị chửi, thì tôi ngủ không được. Tôi bị chửi dữ lắm, do nội bộ. Nhưng tôi tha thứ hết, và tôi được bình an.”

10.

Đức Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận tâm sự với tôi: “Tại Việt Nam có một thời gian dài, tôi bị ruồng bỏ, chối từ, do chính nội bộ. Nhưng tôi tha thứ hết, và tôi luôn sống trong hy vọng bình an”.

11.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trả lời câu hỏi của tôi: “Đức Thánh Cha có đau khổ không?”. Ngài nói: “Tôi đau khổ nhiều lắm, nhất là do chính nội bộ giáo phận Rôma của tôi. Tôi nói gì, họ cũng chống đối. Nhưng tôi tha thứ hết, và tôi luôn sống trong yêu thương tha thiết”.

12.

Qua những gương sáng trên đây, tôi hiểu chuyện bị những người thân làm khổ là chuyện thời sự đớn đau vốn xảy ra, cho cả những bậc đạo đức, nhưng các vị đó đã vượt qua được nhờ ơn Chúa. Đặc biệt, tôi nhớ lại lời tiên tri Simêon đã nói về một lưỡi gươm sẽ đâm vào trái tim Đức Mẹ (Lc 2, 25), thì lưỡi gươm đó vẫn tiếp tục đâm vào trái tim các con của Mẹ trong mọi thời, mọi nơi.

13.

Tôi biết mình không được như các vị đạo đức. Nên tôi hết lòng cậy tin vào Đức Mẹ. Xin Mẹ thương giúp tôi.

14.

Đức Mẹ đã thương giúp tôi. Mẹ giúp tôi trực tiếp và gián tiếp qua những tấm lòng thương lo cho tôi. Tôi không sao tả ra được sự Mẹ đã và đang giúp tôi tha thứ, nhất là tha thứ cho những người thân.

15.

Tôi biết điều này thực rõ. Tha thứ cho những kẻ khác là điều tôi cần thực hiện trong việc giữ đạo. Lúc thứ tha là khi được tha thứ.

16.

Biết sống tha thứ, đó là một ơn rất trọng Chúa thương ban. Chứ tự sức mình, chúng ta khó có thể thực hiện được. Hồn thì tha thứ, nhưng xác thì không chịu nổi.

17.

Khi tha thứ thực tình, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc, nhất là đó chính là dấu chỉ chúng ta sẽ được Chúa tha thứ.

Tha thứ vẫn là việc đạo đức đòi tôi cần thực hiện mọi lúc, dưới sự hướng dẫn của Đức Mẹ, trong tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện.

18.

Xưa, khi Đức Mẹ đứng dưới chân Thánh giá Chúa Giêsu, Mẹ đã nghe con mình nói với Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ lầm không biết” (Lc 23,34). Nay, Mẹ cũng ở bên tôi và Mẹ giục tôi hãy cùng với Chúa Giêsu nói lại lời đó: “Xin Cha tha cho họ, vì họ lầm không biết”. Thế là sự tha thứ của tôi dành cho họ cũng là sự thông phần vào sự tha thứ của chính Chúa. Và khi tôi tha thứ là lúc tôi được thứ tha.

Tôi tha thứ. và xin mọi người cũng hãy tha thứ cho tôi. p>Long Xuyên, ngày 15.09.2020