Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 THAO THỨC (20) -2019-

 THAO THỨC (21) -2020-
 THAO THỨC (22) -2021-

 

 

TÌM MỘT LỐI SỐNG
TRONG HOÀN CẢNH CÁCH LY

 

 

1.

Xưa, trước giờ tự nguyện trao nộp mình cho một cảnh cách ly đầy bi thảm, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha cho các môn đệ của Ngài còn ở lại:

Cha ơi, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ họ mà tin vào con

Để tất cả nên một

Như, lạy Cha, Cha ở trong con

Và con ở trong Cha,

Để họ cũng ở trong chúng ta

Như vậy, thế gian sẽ tin rằng

Cha đã sai con.” (Ga 17, 20-21)

2.

Như vậy, Chúa Giêsu đã cầu cho tôi, và cho chúng ta, để chính trong cách ly, tôi và các môn đệ Chúa càng cần phải nên một một cách tha thiết. Nên một với Chúa và nên một với nhau.

Chúa Giêsu đã dùng những từ rất thân thương:

Con ở trong họ và

Cha ở trong con,

để họ cũng hoàn toàn nên một.” (Ga 17,23)

3.

Có nghĩa là chính trong hoàn cảnh cách ly, sự hiệp nhất giữa các môn đệ Chúa càng phải “hoàn toàn nên một”.

4.

Hiểu ý Chúa là như vậy, nên mấy ngày nay, tôi cầu nguyện rất nhiều cho sự hiệp nhất giữa nội bộ Hội Thánh tại Việt Nam nói chung và tại địa phương của tôi nói riêng.

5.

Khi cầu nguyện như vậy, tôi được Chúa cho cảm nghiệm thấy tình nghĩa trong nội bộ Hội Thánh lúc này là điều phải quan tâm đặc biệt, sao cho cụ thể, sao cho thiết thực, sao cho quảng đại, để thành dấu chỉ truyền giáo.

6.

Chúa Giêsu đã coi sự hiệp nhất như một dấu chỉ: “Như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17,23)

7.

Càng cầu nguyện theo ý Chúa như trên, tôi càng nhận ra rằng: Dấu chỉ của lòng Chúa thương xót, chính là sự chúng ta yêu thương nhau, xót thương nhau, nhất là trong hoàn cảnh phải cách ly.

8.

Yêu thương nhau, xót thương nhau, trong hoàn cảnh cách ly, thi phải vô vị lợi.

Đó mới là dấu chỉ thực có sức làm chứng cho sự mình gắn bó với Chúa.

9.

Nói tới đây, tự nhiên tôi nhớ tới người bạn thân thiết của tôi là Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận.

Ngài đã phải sống cách ly một thời gian dài.

Theo những gì Ngài đã tâm sự với tôi sau khi được tự do, thì Ngài gặp đau xót nhiều sau đó, vì ngài lại bị cách ly một cách nào đó trong nội bộ Hội Thánh tại Việt Nam. Chẳng nơi nào muốn đón nhận Ngài vào hộ khẩu của mình.

10.

Bị cách ly trong nội bộ và do chính nội bộ, cho dù bằng những cách tử tế nhất mà nhiều người đã chịu, thì đó cũng vẫn là cách ly đau đớn.

11.

Nếu hôm nay, trong tình hình cách ly giữa xã hội đang tăng tốc, mà cảnh cách ly trong nội bộ Hội Thánh lại vượt xa hơn, thì còn đâu là dư âm của lời nguyện xưa của Chúa Giêsu về sự hiệp nhất.

12.

Rất may là cảnh đó không xảy ra nhiều. Hiện nay lời cầu cho sự hiệp nhất vẫn tha thiết, cũng như chứng nhân hiệp nhất vẫn hoạt động mạnh.

Chúng ta cần để ý đến tình hình đó, để biết tìm ra một lối sống trong cảnh cách ly hiện giờ.

13.

Đừng vô cảm, đừng vô tâm trong cảnh cách ly.

Nhưng cảnh cách ly càng khắc nghiệt, thì càng cần phải yêu thương và khiêm nhường.

14.

Nếu mọi người xa tránh và cách ly tôi, vì coi tôi là kẻ tội lỗi, thì tôi xin vâng. Nhưng, xin hãy thương câu nguyện cho tôi. Đối với tôi, hiệp nhất là vâng lời bề trên, và trân trọng đối với bất cứ nâng đỡ nào của cộng đoàn và của bất cứ ai dành cho tôi.

15.

Lúc này hơn bao giờ hết,

Tôi đang nhìn thấy từng đoàn thiên thần từ đất lên trời, và từ trời xuống đất giữa chúng ta.

Các Ngài lên trời, để mang những việc lành của chúng ta dâng lên Thiên Chúa. Các Ngài xuống đất, để mang những phúc lành của Chúa cho chúng ta.

Các thiên thần lên xuống trong tiếng hát cầu nguyện Thiên Chúa cho chúng ta.

16.

Thế là trong cảnh cách ly thê thảm, tôi đã tìm được một lối sống.

Xin cảm tạ Chúa.

Xin thân ái gửi tới anh chị em tâm tình hiệp nhất yêu thương.

Long Xuyên, ngày 01.04.2020