Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Tiềm Năng Của Việc Truyền Giáo

Lễ thánh Marco 25/4/1991; Mc 16,15-20

Trong bài Phúc Âm hôm nay có lời Chúa nói với các môn đệ: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”. Ðây là một mệnh lệnh truyền giáo, mệnh lệnh này rất rõ ràng và dứt khoát.

Thú thật là mệnh lệnh truyền giáo này thường đã gây trong lòng tôi nhiều thao thức băn khoăn. Và những thao thức băn khoăn ấy có khi dâng cao đến nỗi nghẹn ngào, nhất là khi nhìn thấy những vùng đất mênh mông, dân cư đông đảo mà số người tin thờ Chúa chỉ là một số người nhỏ bé. Kinh nghiệm thường ngày cũng cho tôi thấy, việc truyền giáo không phải là một việc dễ dàng gì. Có nhiều khó khăn, có nhiều trở ngại: Trở ngại khó khăn chủ quan, trở ngại khó khăn khách quan, trở ngại khó khăn ngoài xã hội, trở ngại khó khăn trong nội bộ Hội Thánh, và trở ngại khó khăn trong chính bản thân mình. Những trở ngại khó khăn này như muốn làm tôi nản lòng, và như muốn dụ dỗ tôi đừng dành nhiều quan tâm đến việc truyền giáo. Thế nhưng khi tôi băn khoăn thao thức muốn nản lòng như vậy, thì Chúa lại đến cách này cách khác để khích lệ tôi và để kéo tôi lại vấn đề truyền giáo. Chẳng hạn, Chúa gợi cho tôi các hình ảnh của các tông đồ nói chung, thánh Marcô hôm nay nói riêng. Các Ngài đã sống trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn với nhiều thiếu thốn, với nhiều bắt bớ, với nhiều trở ngại. Thế mà các Ngài lại tìm cách rao giảng Tin Mừng và đã có nhiều hiệu quả tốt. Rồi lại mấy ngày hôm nay, tôi lại nhớ đến cha Madrignac, Ngài đã có công thành lập nhiều cộng đoàn đức tin ở vùng Hà Tiên này. Thời của Ngài sống cũng đầy khó khăn. Vùng Hà Tiên lúc ấy hầu như còn xa lạ với đức tin, Ngài lại là người ngoại quốc, thế mà Ngài đã xây dựng được nhiều họ đạo, với nhiều thánh đường, với nhiều cộng đoàn gắn bó, ở cả những nơi hẻo lánh xa xôi.

Rồi cũng trong mấy ngày này, tôi đã nhìn thấy tận mắt những bước phát triển đáng kính tại những địa điểm truyền giáo ở trong địa phận Long Xuyên này, từ Rạch Giá đến Hà Tiên, tôi đã ghé thăm Vàm Rầy, Kiên Lương, Thổ Sơn, Kinh I, Ðất Hứa, Rạch Ðùng và tất nhiên Hà Tiên đây.

Tất cả những địa điểm truyền giáo này, đã và đang có những bước tiến rất đáng phục: Có những cơ sở vật chất đẹp hơn trước. Có những con số người Công Giáo đông hơn trước. Có những sinh hoạt tôn giáo sầm uất hơn trước, và nhất là, tôi thấy số tân tòng tăng lên và số người ngoại đạo có thiện cảm với Hội Thánh cũng tăng lên.

Riêng Hà Tiên đây, giáo đoàn tuy nhỏ bé nhưng được ổn định, và có tiềm năng để vươn lên.

Tất cả những hình ảnh xưa và nay, với những thành quả tốt đẹp ấy, giúp cho tôi xác tín điều này, là việc truyền giáo vẫn có thể thực hiện được, bất cứ trong hoàn cảnh nào, dù với những địa điểm khó nào, dù với những thời điểm khó nào.

Ðiều quan trọng mà tôi nhận thấy trong vùng truyền giáo này là sự nhiệt thành của nhân sự: Có những linh mục, tu sĩ nhiệt tâm quên mình, giàu tinh thần phục vụ. Có những giáo dân giàu tinh thần cộng tác, và có cả những lương dân sẵn sàng giúp đỡ.

Một điều quan trọng khác tôi cũng nhận thấy trong vùng truyền giáo này, là tinh thần liên đới. Kẻ được Chúa sai đi truyền giáo nhận thức rằng: Mình được sai đi với nhiều người khác. Mình được Chúa sai đi, nhưng cũng có nhiều người khác Chúa sai đến với mình. Mình cho đi, nhưng mình cũng lãnh nhận. Mình cho đi Phúc Âm, nhưng mình cũng cần được Phúc Âm hóa. Tinh thần liên đới ấy rất cần cho sự hiệp thông của Hội Thánh truyền giáo.

Một điều quan trọng khác tôi cũng nhận thấy ở vùng truyền giáo này là sự khiêm tốn và phó thác cậy trông của nhân sự: Kẻ sai đi, chính là Ðức Kitô. Người được sai đi không trọng hơn Thầy: “Không có Cha, chúng con không làm được việc gì”. Nên dù làm hết sức mình, nhưng vẫn phải gắn bó cậy trông vào Ðấng đã sai mình là Ðức Kitô. Nói thiệt là khi nhìn địa phận Long Xuyên, nhất là khi đi thăm những vùng truyền giáo như tại đây, tôi rất vui mừng nhận thấy Chúa Thánh Thần đang ở giữa chúng ta. Chúa Thánh Thần đang hoạt động mạnh mẽ trong địa phận chúng ta. Chúa Thánh Thần đang dùng nhiều dụng cụ nhỏ bé của Người, để rao giảng Tin Mừng trong những địa điểm mà Chúa sai đến.

Anh chị em thân mến,

Khuya đêm nay, trong cái thinh lặng của đất trời, tôi nghe thấy những tiếng chuông chùa đâu đó, và những tiếng chuông chùa ấy lại gợi tôi nhớ đến Chúa. Trước mặt Chúa, tôi đã nhớ tới những người đã có công làm nên lịch sử Hà Tiên này. Trước mặt Chúa, tôi đã nhớ tới mọi người đang sống trên đất Hà Tiên này hôm nay. Và trước mặt Chúa, tôi đã cầu nguyện rất nhiều cho tương lai đất Hà Tiên này. Tương lai là điều ta không rõ. Nhưng vẫn có thể có những bất ngờ. Có những bất ngờ dễ chịu và có thể có những bất ngờ khó chịu.

Vì thế, trong thánh lễ này, tôi xin Chúa Thánh Thần đổi mới tâm hồn chúng ta, đổi mới tâm hồn các con em chúng ta chịu phép Thêm Sức, để mỗi người chúng ta trở nên một ngọn đèn sáng đầy tình mến Chúa thương người, để dù trong hoàn cảnh dễ dàng, dù trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta vẫn một niềm trung tín mến Chúa đến cùng, thương yêu mọi người như Chúa đã thương ta.

Tôi tin rằng, nếu chúng ta trung thành với Chúa và với Phúc Âm của Người, thì việc truyền giáo tự nó sẽ phát triển như Chúa đã muốn, như Chúa đã truyền dạy với chúng ta.

Lạy Chúa Kitô, xin Chúa gìn giữ chúng con trong giới luật của Chúa Amen.

Lễ Thêm Sức, Hà Tiên ngày 25/4/1991