Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Thánh Ý Chúa Cha

Luca 10,21-24

Có lần đọc kinh Lạy Cha, đến câu: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Tôi ngẫm nghĩ trong lòng rằng: Ý Cha là gì để tôi thực hiện ý Cha dưới đất cũng như trên trời?

Tôi suy nghĩ hồi lâu, và tự nhiên tôi nhớ tới lời Chúa phán trong bài Phúc Âm hôm nay. Chúa Giêsu nói: “Thánh ý Chúa Cha là Chúa Cha đã trao mọi sự cho Chúa Con, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Chúa Con”.

Tôi nghe tiếng Chúa trả lời tôi trong lòng như vậy, tôi cảm thấy bình an, khoan khoái, vui mừng. Vì điều mà tôi băn khoăn tìm kiếm đã thấy rõ. Tôi tìm thánh ý Chúa Cha để thực hiện, thì hôm nay Chúa đã nói rõ: Thánh ý Chúa Cha, là hãy qua Ðức Kitô, mà đến với Chúa Cha. Ðiều này, rất rõ ràng, rất dứt khoát, đó là thánh ý Chúa. Cho nên, chính Ðức Kitô đã có lần khẳng định: “Ta là đường, Ta là sự thật, Ta là sự sống”. Có nghĩa là nếu ai không đi con đường Ðức Kitô đã đi, người đó sẽ không tới được Ðức Chúa Cha.

Nếu ai không học hỏi sự thật mà Ðức Kitô đã giảng dạy, người đó sẽ lầm lạc. Nếu ai không có sự sống mà Ðức Kitô đã sống, người đó sẽ không tham dự vào đời sống hạnh phúc trường sinh.

Các thánh tông đồ xưa, sống bên cạnh Ðức Kitô đã nhận thức rất rõ điều đó, nên khi Ðức Kitô về trời, các Ngài đã tập trung tất cả công việc rao giảng Tin Mừng vào Ðức Kitô. Các Ngài kể lại lời Ðức Kitô đã giảng. Các Ngài thuật lại các việc Ðức Kitô đã làm. Các Ngài tả lại cuộc sống của Ðức Kitô, cuộc khổ nạn và sự sống lại của Ðức Kitô.

Và theo giáo lý các thánh tông đồ, chính Ðức Kitô là Tin Mừng, chính Ðức Kitô là Tin Mừng cứu độ. Sau thời các thánh tông đồ, Giáo Hội sơ khai vẫn tập trung lòng đạo vào Ðức Kitô. Giáo lý, phục vụ đều tập trung và đề cao Ðức Kitô: “Chỉ có Người là Chúa, chỉ có Người là Thánh, chỉ có Người là Ðấng tối cao.... Chính nhờ Người, với Người, và trong Người, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều qui về Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần”.

Ðời sống đạo hồi đó, vì thế mà rất trong sáng, rất đơn sơ. Nhưng khi các thánh tông đồ đã qua đời rồi, thì dần dần, người ta đưa vào đời sống tôn giáo những lời về Chúa với nhiều màu sắc khác nhau, quá nhiều đến nỗi, ở nhiều nơi, những lời về Chúa lấn át những lời của Chúa.

Rồi người ta lại đưa vào đời sống đạo, những việc đạo đức mô phỏng việc đạo đức của Ðức Kitô, đưa quá nhiều với nhiều màu sắc, đến nỗi những việc đạo đức mô phỏng việc đạo đức của Ðức Kitô, che mờ đi chính việc của Ðức Kitô.

Rồi người ta lại đưa vào đạo những đời sống gương mẫu bắt chước Ðức Kitô, nhưng quá nhiều, và nhiều màu sắc, đến nỗi những cái bắt chước đó, lại làm biến dạng đi chính dung mạo Ðức Kitô.

Rồi người ta có thói quen đề cao những vị đại diện Ðức Kitô, các người trung gian của Ðức Kitô quá nhiều với nhiều màu sắc, đến nỗi những dung mạo đó che khuất dung mạo thực sự của Ðức Kitô.

Tình trạng đó đã dẫn Hội Thánh đến những chỗ suy yếu. Suy yếu về mặt đức tin, suy yếu về mặt truyền giáo. Nhiều nơi bỏ đạo. Nhiều nơi không còn có thể truyền giáo được nữa, bởi vì không qua Ðức Kitô mà đến với Chúa Cha.

Nhận thấy tình trạng này, Công Ðồng Vatican II đã nhắc nhở cho mọi tín hữu: Hãy tập trung lòng đạo vào Ðức Kitô. Tập trung vào Ðức Kitô trong tu đức. Tập trung vào Ðức Kitô trong giáo lý. Tập trung vào Ðức Kitô trong việc truyền giáo. Tập trung vào Ðức Kitô trong các tiêu chuẩn phán đoán nhận định. Những lời nhắn nhủ của Công Ðồng Vatican II chẳng qua chỉ là nhắc nhở lại thánh ý Chúa Cha, là muốn phải qua Ðức Kitô, để đến với Người, cũng chẳng qua là chỉ nhắc lại lời Ðức Kitô đã khẳng định: Ta là đường, là sự thật, và là sự sống. Công Ðồng Vatican II đã qua mấy chục năm nay rồi, thế nhưng nhiều nơi, nhiều người vẫn chưa tập trung lòng đạo vào Ðức Kitô. Ðến nỗi, mới rồi Ðức Cha Matagrin, Tổng Giám Mục Grenobe đã đưa ra nhận xét này, là trong Giáo Hội Việt Nam, còn nhiều người tin Chúa, nhưng ít người là Kitô hữu. Kitô hữu là có Ðức Kitô trong mình, là gắn bó với Ðức Kitô, gắn bó với giáo lý Ðức Kitô, là trung thành với Ðức Kitô. Ðức Kitô là trung tâm điểm của đời mình, nhiều người tin Chúa, nhưng ít người là Kitô hữu. Ðó là một sơ xuất đáng buồn và đang gây tai hại trong việc truyền giáo và sống đạo.

Anh chị em thân mến,

Hãy tập trung vào Ðức Kitô. Ðó là thánh ý Chúa Cha, mà bài Phúc Âm hôm nay đã nói lên một cách rõ rệt: Tập trung vào Ðức Kitô, đó là điều chính Chúa Kitô đã dạy. Tập trung vào Ðức Kitô, đó là giáo lý các thánh tông đồ. Tập trung vào Ðức Kitô, đó là lối sống đạo Giáo Hội sơ khai. Chỉ có con đường đó, ta mới có thể sống đạo một cách đúng đắn, và đó là con đường mà ta có thể dùng, và phải dùng để truyền giáo.

Nhiều nơi, đời sống đạo quá tản mác, nhiều người không còn phân biệt được cái gì là chính, cái gì là phụ trong đạo nữa. Hãy trở về tập trung vào Ðức Kitô. Hôm nay, tôi nhắc lại điều đó và mong rằng lời nhắn nhủ này sẽ có công hiệu trong mỗi người anh chị em, và anh chị em khi thực hiện thánh ý Chúa Cha về điều này, sẽ cảm thấy hạnh phúc lớn lao, hạnh phúc mà Phúc Âm hôm nay nói, là đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, hạnh phúc mà Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm hôm nay: Nhiều tiên tri, nhiều vua muốn xem, muốn thấy, mà không thấy, không xem được.

Nếu chúng ta muốn và nếu chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần giúp đỡ, chúng ta sẽ gặp được Ðức Kitô, khi chúng ta chọn Người, theo Người như trung tâm điểm đời ta. Amen.

Lễ Thêm Sức, Long Bình kênh G2 ngày 26/02/1991