Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Cầu Nguyện

Ga 17,20-26

Trước đây, có một thời, tôi vẫn nghĩ rằng: Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa. Và việc nâng tâm hồn lên với Chúa là điều quan trọng duy nhất, và căn bản nhất trong việc cầu nguyện. Nhưng khi suy gẫm bài Phúc Âm hôm nay, tôi thấy Chúa Giêsu, khi cầu nguyện, ngoài việc tâm hồn Người được nâng lên với Chúa Cha, và việc nâng tâm hồn lên ấy được coi là quan trọng, thì Chúa Kitô còn thực hiện việc quan trọng khác, đó là Ngài mở tâm hồn mình ra về phía kẻ khác.

Như trong lời cầu hiệp nhất hôm nay (bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe), sự Chúa Kitô mở tâm hồn mình về phía kẻ khác, đã tỏ hiện một cách rõ rệt, rất nổi. Chúa Kitô nhớ tới những kẻ đã tin Ngài. Chúa Giêsu xót thương họ. Chúa Giêsu cầu nguyện cho họ được hiệp nhất với nhau. Cũng vậy, khi cầu nguyện trên cây Thánh Giá, Chúa Giêsu, ngoài việc nâng tâm hồn mình lên Chúa Cha, thì Ngài đã mở tâm hồn mình về phía kẻ khác. Sự mở ra ấy cũng rất rõ, rất nổi. Ngài nhớ tới những kẻ làm khổ Ngài. Ngài xót thương họ. Ngài cầu xin ơn tha thứ cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết”.

Rồi khi dạy các tông đồ cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu cũng dạy: Ngoài việc nâng tâm hồn mình lên Thiên Chúa Cha ngự trên trời, thì còn phải mở tâm hồn mình ra về phía kẻ khác, những người chưa biết danh Chúa, những người chưa đón nhận Nước Chúa trị đến, và nhất là hãy mở tâm hồn mình về phía những kẻ bất hòa với mình, những kẻ mình đã làm mất lòng: Xin Cha tha cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Như vậy, khi cầu nguyện, Ðức Kitô đã làm hai việc song song: Một là nâng tâm hồn mình lên Chúa Cha. Hai là mở tâm hồn mình ra về phía kẻ khác. Cả hai việc ấy đều chuyên chở tình yêu: Nâng tâm hồn mình lên Chúa Cha để dâng cho Ngài tâm tình cảm mến, ngợi khen. Còn mở tâm hồn mình về phía kẻ khác, để chia sẻ tâm tình xót thương trìu mến.

Hiện nay trong Hội Thánh, cũng có một khuynh hướng cầu nguyện, bắt chước Ðức Kitô, là cầu nguyện vừa nâng tâm hồn mình lên, để thực hiện lòng mến Chúa, và vừa mở tâm hồn mình ra về phía anh em, để thực hiện lòng yêu người. Thí dụ cụ thể nhất trong sự cầu nguyện, với hai chiều hướng ấy là “Kinh Hòa Bình” của thánh Phanxicô mà chúng ta thường hát. Trong suốt chiều dài lời Kinh Hòa Bình, chúng ta thấy có những bước đi nhịp nhàng của trái tim cầu nguyện, vừa nhìn sang Chúa, vừa nhìn về phía anh em. Nhìn về Chúa với lòng tin yêu. Nhìn về phía anh em với tinh thần phục vụ. Hãy cầu nguyện bằng sự nâng tâm hồn lên với Chúa, và đồng thời bằng sự mở tâm hồn mình ra về phía anh em. Ðó là lời cầu nguyện thể hiện tinh thần sống đạo, vừa mến Chúa, vừa yêu người, và cũng là cách cầu nguyện thích hợp cho hoàn cảnh hôm nay.

Theo tôi thấy thì hiện nay, Giáo Hội đang trải qua một cơn khủng hoảng về tinh thần cầu nguyện: Có nơi lơ là với sự cầu nguyện. Có người cầu nguyện chỉ bằng môi bằng miệng, không nâng tâm hồn mình lên với Chúa, mà cũng chẳng mở tâm hồn mình ra về phía anh em. Tâm hồn vẫn trơ trơ, ích kỷ, khép kín, mặc dầu đọc kinh, mà vẫn không cầu nguyện. Rồi có những người nâng tâm hồn mình lên với Chúa, nhưng lại khép kín về phía anh em, nhất là những người không thích hợp với mình. Hoặc là có những người cầu nguyện với tâm hồn cởi mở về phía anh em, nhưng lại không nâng tâm hồn mình lên với Chúa. Ðó là một tình hình thiếu sót trầm trọng.

Tới đây, tôi nhớ lại một hình ảnh xa xưa, về một thánh lễ ngày thường mà tôi đã nhìn thấy trong nhà thờ cũ của giáo xứ này. Hồi đó là trước giải phóng, tôi nghỉ đêm ở đây. Khoảng 4 giờ sáng có kẻng báo hiệu, rồi nhà thờ mở ra, có linh mục làm lễ, tôi đứng cuối nhà thờ quan sát thấy tối quá sức, vắng vẻ quá sức, mắt tôi chỉ nhìn thấy hai ngọn đèn dầu le lói trên bàn thờ, và tai tôi chỉ nghe được vài tiếng đọc kinh thưa thớt. Tôi chỉ còn cách nhìn Chúa Kitô trên bàn thờ, và nhìn anh chị em trong họ đạo bằng con mắt đức tin, tôi nhìn thấy Chúa Kitô trên bàn thờ vẫn âm thầm thương xót mọi người chúng ta. Chúa Kitô trong nhà tạm vẫn âm thầm chờ đợi mỗi người chúng ta.

Tôi coi đó là những hy vọng, và khi nhìn họ đạo chúng ta với đức tin, tôi vẫn tìm thấy những tâm hồn quảng đại, đang nâng tâm hồn mình lên với Chúa một cách âm thầm, và đang mở tâm hồn mình ra với tha nhân một cách âm thầm. Ðó cũng là những hy vọng, và những hy vọng đó dần dần lớn lên, phát triển. Ðêm nay, cũng trong bóng tối, cũng trong sự thinh lặng của đêm, tôi cũng chỉ dùng đức tin để nhìn Chúa Kitô trong nhà Chầu, và khi tôi đọc bài Phúc Âm (kinh cầu nguyện hợp nhất), tôi có cảm tưởng là Chúa Kitô trong nhà Chầu, cũng đang cầu nguyện Lời Kinh Hợp Nhất, và Ngài mong muốn có nhiều người chúng ta, cũng cùng với Người cầu xin ơn hiệp nhất. Những kinh nghiệm ấy dạy tôi rằng: Cầu nguyện phải có một đức tin thật mạnh, thật sâu sắc để nhìn thấy Chúa, để đọc được thánh ý Chúa trong những dấu chỉ, và cần có một đức tin làm cho mình thương mến anh em mình.

Anh chị em thân mến, tôi hy vọng rằng, Chúa Kitô đang ở giữa chúng ta, sẽ giúp cho chúng ta thêm đức tin, và giúp cho chúng ta biết cầu nguyện như Ngài đã cầu nguyện xưa: Nâng tâm hồn mình lên với Chúa và mở tâm hồn mình về phía anh em, để biết tha thứ cho nhau, để biết nâng đỡ nhau, để biết phục vụ nhau, để biết cùng nhau xây dựng ích chung của Hội Thánh, của địa phương.

Ðó là niềm tin mà nếu mỗi người chúng ta cùng tin như vậy, trong khi nhìn vào Ðức Kitô ở giữa chúng ta, thì buổi lễ hôm nay, sẽ là một bước tiến quan trọng trong xứ đạo chúng ta. Chúa rất quảng đại, Chúa rất rộng lượng. Chỉ cần chúng ta khiêm tốn và tin cậy để cầu nguyện.

Trong tâm tình đó, chúng ta tuyên xưng đức tin với con em chúng ta.

Lễ Thêm Sức, Kim Hoà kênh G1 sáng 27/02/1991