Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Trở Về Với Ðức Kitô
Và Phúc Âm Người

Khi nghe có một thánh lễ Ngân Khánh giáo xứ, Ngân Khánh nhà thờ, nhiều người đã ngạc nhiên coi đây là chuyện không bình thường. Riêng tôi, sau khi nghe cha xứ trình bày những lý do tổ chức và cách tổ chức lễ Ngân Khánh, tôi đã vui vẻ đồng ý, Bởi vì, tôi cho đây là một sáng kiến tốt, có khả năng khơi dậy nguồn hứng thú mới cho sinh hoạt giáo xứ, mà cũng có khả năng giáo dục tinh thần biết ơn. Tôi suy nghĩ như vậy, bởi vì tôi nhìn thấy tình hình phức tạp của Hội Thánh Công Giáo trong thế giới hôm nay.

Chắc anh chị em đã thấy trong thế giới hôm nay, nền văn minh vật chất, với các phong trào tự do hưởng thụ càng ngày càng có sức mạnh, đa dạng, và đầy hấp dẫn. Trong thế giới hôm nay, trong não trạng con người, nhất là con người giới trẻ, đang bị lôi cuốn đến một đời sống tự do: Tự do suy nghĩ, tự do tình cảm, tự do hưởng thụ. Trong một tình hình như vậy, nhiều nơi Giáo Hội tuy là đủ mạnh về cơ chế, về tổ chức, về quyền bính, nhưng không đủ mạnh về tinh thần, về sức sống nội tâm, nên đang đi xuống trầm trọng, cam chịu những mất mát to lớn.

Ðể đưa ra một vài ví dụ tiêu biểu, tôi xin kể ra đây vắn tắt một, hai tình hình suy thoái, rút ra từ một tờ báo Công Giáo Pháp mà tôi mới nhận được chiều hôm qua, và đêm vừa rồi tôi đã đọc rất kỹ.

Tình hình suy thoái thứ nhất về đức tin, lòng đạo là tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Ba Lan.

Ba Lan là một nước hầu như toàn tòng Công Giáo. Cách đây hai năm thì đầy uy tín. Nhưng bây giờ, việc giữ đạo đang xuống dốc. Theo thống kê, thì số người Ba Lan bây giờ đi lễ Chúa Nhật chỉ còn 50%. Số những người Ba Lan tán thành với hoạt động của các Ðức Giám Mục, linh mục của mình cũng đã giảm xuống. Năm 1989, thời còn đang đấu tranh với chế độ Cộng Sản, thì số người ủng hộ các Giám Mục, linh mục là 90%. Bây giờ, số ủng hộ các đức cha và các cha trong nước chỉ còn 28%.

Hơn nữa, nhiều tệ đoan xã hội đang đua nhau mọc lên: Xì ke, đĩ điếm, chơi bời. Người ta nói rằng: Giáo Hội Ba Lan trong thời chống Cộng thì tỏ ra rất mạnh. Nhưng trong thời tiếp xúc với thế giới tự do, phải đối phó với các vấn đề đặt ra thì lại tỏ ra quá yếu. Vì thế, mà có một sự suy thoái về uy tín. Hội Thánh Công Giáo Ba Lan không còn hấp dẫn nữa. Lý do là vì xã hội chuyển mình sang một nếp sống mới. Còn Hội Thánh vẫn còn loay hoay với cơ chế cũ, với khuôn khổ cũ, với phong cách cũ. Vì thế mà dân chúng bỏ đi. Ðó là tình hình suy thoái thứ nhất, tôi đọc được đêm rồi.

Tình hình suy thoái thứ hai cũng rút ra từ tờ báo Công Giáo đó, là tình hình Công Giáo tại Brasil.

Như anh chị em nếu theo dõi cũng đã biết, Brasil là một nước Công Giáo rất lớn tại Nam Mỹ. Thế nhưng, từ lần Ðức Giáo Hoàng đến Brasil năm 1980 đến bây giờ, số người Công Giáo bỏ Hội Thánh đã lên tới hơn một triệu, và số các giáo phái đã tăng lên gần tới hai trăm năm mươi. Tờ báo, khi nói về chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Brasil tháng rồi, đã kéo một hàng tít lớn: “Ðức Gioan Phaolô II không còn hấp dẫn nữa tại Brasil”. Có nhiều thành phố, người ta dự đoán ước chừng phải có tới một triệu người đến đón Ðức Thánh Cha. Nhưng thực tế, chỉ có độ một trăm ngàn người. Tại Brasil, thành phần đón Ðức Thánh Cha đông nhất lại là lực lượng cảnh sát trên mười ngàn người.

Khi Ðức Thánh Cha đến Brasil, chính quyền địa phương cho các trường học, công sở nghỉ việc, để đi dự lễ, nhưng giáo dân lại lợi dụng ngày nghỉ đó để đi tắm biển hơn là đi dự thánh lễ của Ðức Thánh Cha.

Theo tờ báo nói, sở dĩ có một sự suy thoái như vậy về đức tin, về lòng đạo tại Brasil, là vì Giáo Hội chưa đổi được tiếng nói của mình, thành ra quần chúng sinh nghi, mất miền tin và chạy sang các giáo phái khác.

Khi tôi đọc những tin này, tôi đã nghĩ rằng: Những chuyện suy thoái đang xảy ra tại các nước ấy cũng có thể sẽ xảy ra tại Giáo Hội Việt Nam chúng ta. Và tôi có cảm tưởng là đã có bắt đầu xảy ra ở nhiều nơi.

Chỉ mới hai năm nay, khi tình hình cởi mở được thực hiện, thì tôi thấy nhiều nơi đã xuống dốc về tinh thần đạo. Mặc dầu có những tổ chức bên ngoài, nhưng chỉ nặng về cái vỏ, còn bên trong thì rỗng.

Thêm vào đó, nhiều nơi đã phát hiện ra những hiện tượng tiêu cực mà trước đây không có, nhất là nơi giới trẻ: Cờ bạc, say sưa, gian tham, giả dối. Tất cả những cái đó đang báo hiệu cho tôi, và cho những người có trách nhiệm, phải có những sáng kiến chuẩn bị cho Giáo Hội mình. Bởi vì, sớm muộn, chúng ta sẽ đi vào một tình trạng cởi mở, và trong đó, chúng ta sẽ gặp thấy những trào lưu tự do không đi vào Ðất Nước chúng ta bằng những bước đi dè dặt như bây giờ, mà sẽ tràn mạnh vào như thác lũ. Nếu không chuẩn bị để có một tâm hồn đức tin, đức cậy vững chắc, tôi nghĩ khó mà tránh được những mất mát quan trọng.

Nhiều nơi, các cha cũng như anh chị em giáo dân, tu sĩ, đã ý thức điều đó, nên đã có nhiều sáng kiến. Sáng kiến đó có thể là tu sửa nhà thờ, cung thánh, sáng kiến ấy đã đem lại một số kết quả nhất định. Nhưng cái phấn khởi cũng rất mau tan. Qua cuộc lễ, mọi cái dần dần đã đi vào hững hờ.

Rồi có những sáng kiến khác là mở ra là những công việc từ thiện xã hội. Ðây cũng là một sáng kiến đem lại nhiều kết quả tốt, nhất là nhờ đó mà xây dựng được liên hệ đoàn kết giữa đời với đạo, giữa Công Giáo và các tôn giáo bạn. Ngay ở xứ đạo này, tôi cũng thấy anh chị em đã mở ra về phương diện đó, khi làm những chiếc cầu, khi sửa lại đường đi v.v... Tuy nhiên, phải nói rằng, nếu chúng ta không khôn ngoan, những sáng kiến ấy cũng có thể gây ra một số kết quả bất lợi cho chính mình và cho giáo đoàn của mình.

Rồi cũng có những sáng kiến khác như là học hỏi thánh kinh, mở lớp giáo lý. Ðây cũng là những sáng kiến gây nhiều hiệu quả tốt, nhưng nếu không đi vào chiều sâu bằng việc cầu nguyện, làm việc lành kèm theo, thì sự học thánh kinh, học giáo lý chỉ là một mớ lý thuyết suông. Học để nhớ. Nhớ để trả bài. Có thế thôi.

Không biến đổi được tâm hồn mình. Không đổi mới được xã hội mình. Tôi nghĩ rằng cái sáng kiến nên có và cần có lúc này là hãy làm hết sức mình để trở về với Ðức Kitô và Phúc Âm Người.

Trở về với Ðức Kitô và Phúc Âm Người, là hãy sống với Ðức Kitô và trong Ðức Kitô. Làm sao Ðức Kitô và tinh thần Ðức Kitô ở trong chúng ta. Chẳng hạn như chúng ta mừng lễ hôm nay, dâng thánh lễ này để tạ ơn, thì chúng ta kết hợp với đời sống chúng ta, nhất là những đau khổ hy sinh của chúng ta với hy sinh của Chúa Kitô trên bàn thờ. Phó thác, cậy trông, vui lòng vâng theo thánh ý Chúa Cha như Chúa Giêsu đã làm xưa trên thánh giá, để đền tội, để tạ ơn.

Tôi nhớ cách đây một năm hay hai năm không rõ, khi viếng nhà thờ này, tôi có đọc thấy một tấm bảng viết chữ “Trở về với Ðức Kitô và Phúc Âm của Người”. Tôi nghĩ rằng cha xứ của anh chị em cũng đã lấy điều đó làm khẩu hiệu, một hướng đi, để tu luyện mình, một khẩu hiệu để giúp nội tâm hoá đời sống đạo của mình. Hôm nay, tôi không còn thấy lời đó trên tấm bảng, nhưng tôi tin rằng câu đó đã in sâu vào anh chị em. Tôi mong rằng cũng nhờ cái khẩu hiệu “Trở về với Ðức Kitô và Phúc Âm của Người” mà chúng ta để ý, từ nay hãy đào sâu hơn lòng tin cậy, kính mến, tinh thần công bình bác ái, và đào luyện những tông đồ giáo dân, để mai này, khi tình thế đổi mới tăng lên, số tông đồ giáo dân ấy sẽ biết sống Phúc Âm, sẽ truyền bá Phúc Âm, sẽ bênh vực Phúc Âm với một tinh thần mà tôi gọi là ”Sự khôn ngoan của Chúa Thánh Linh”. Chúng ta thường đề cao đức tin, đức ái, nhưng trong một hoàn cảnh khó khăn phức tạp, chúng ta đừng quên đức khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.

Anh chị em thân mến,

Anh chị em sống, buôn bán, làm việc, thì thấy sự khôn ngoan là cần thiết. Cũng vậy, sống đạo bây giờ, truyền giáo bây giờ, cần phải rất khôn ngoan. Và khôn ngoan là khôn ngoan của Phúc Âm, chứ không phải khôn ngoan thế gian, khôn ngoan chính trị.

Trong thánh lễ hôm nay, tôi hợp ý với cha xứ, các cha, tu sĩ, anh chị em trong xứ và ngoài xứ, các ân nhân xa gần để tạ ơn Chúa và cũng như vài người đại diện đã nói: “Hôm nay không phải là ngày kết thúc, nhưng là ngày mở ra cho một giai đoạn mới”. Một giai đoạn chuẩn bị để đi vào một tương lai đầy phức tạp, trong đó có nhiều thử thách hơn, có nhiều cám dỗ hơn, có nhiều quyến rũ hơn. Cần phải rất mạnh trong tinh thần. Cần phải rất khôn ngoan trong phong cách, để giữ cho Hội Thánh mình, Giáo Hội mình có một chỗ đứng xứng đáng trong Quê Hương Việt Nam chúng ta. Amen.

Kỷ niệm 25 năm thành lập họ đạo Kênh Zêrô, ngày 14/11/1991