Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Chúa Ðề Cao Yêu Thương Bác Ái

Thứ năm tuần X QN; Mt 5,20-26

Khi đọc xong bài Phúc Âm hôm nay, tôi thấy Chúa Giêsu đã đề cao sự thương yêu người ta một cách khác thường. Chúa đề cao ở hai chỗ này:

Một là khi Chúa nói về những hình phạt sẽ dành cho những kẻ có thái độ, lời nói xúc phạm đến kẻ khác. Chúa nói: “Ai phẫn nộ với kẻ khác sẽ bị luận phạt trước tòa án. Ai cho kẻ khác là ngốc sẽ bị luận phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là khùng sẽ bị luận phạt bởi lửa địa ngục”.

Tôi nghĩ: Những tội mà Chúa mới kể ra như phẫn nộ với anh em, như cho người khác là khùng, là ngốc, đều là những tội không đến nỗi quá nặng. Thế mà Chúa Giêsu đã kể ra những hình phạt tôi cho là quá nặng. Ðúng là Chúa Giêsu muốn đề cao sự thương yêu đối với kẻ khác.

Rồi tiếp đó, ở một chỗ khác, Chúa Giêsu lại đề cao đức bác ái yêu thương một cách lạ lùng. Chúa nói: “Khi con dâng của lễ nơi bàn thờ, mà còn nhớ mình còn bất hòa với ai, thì con hãy bỏ của lễ trước bàn thờ, trở về làm hòa với kẻ đó, rồi hãy trở lại dâng lễ sau”.

Theo tôi nghĩ thì việc dâng lễ nơi bàn thờ là việc rất trọng làm cho Chúa, thế mà Chúa Giêsu còn coi việc làm hòa với kẻ khác còn quan trọng hơn là dâng của lễ cho Chúa. Ðúng là Chúa Giêsu muốn đề cao sự yêu thương bác ái đối với kẻ khác.

Tôi thấy sự đề cao này có vẻ quá đáng. Ấy là theo ý của tôi. Nhưng sự quá đáng này, đúng là một sự lựa chọn của Chúa Giêsu. Nếu không phải Chúa Giêsu đã đưa chủ trương như vậy, nếu chủ trương đó do người khác, hoặc do tôi đưa ra, thì sẽ bị phê phán rất là gay gắt. Nhưng đây là chủ trương của Chúa. Lời Chúa rất rõ. Chủ trương rất rõ, và nó không phải là một lựa chọn lẻ loi. Nó là một sự lựa chọn gắn liền với một chuỗi lựa chọn khác suốt cuộc đời của Chúa Kitô để nói lên con đường mà Chúa Kitô đã chọn và muốn dạy chúng ta.

Thật vậy, để đề cao sự yêu thương bác ái đối với kẻ khác, Chúa Giêsu đã từ giã thiên đàng, và có thể nói: Ngài đã từ giã Chúa Cha, để xuống thế làm người, sống giữa nhân loại.

Rồi để đề cao sự yêu thương bác ái đối với kẻ khác, nhất là đối với những kẻ nghèo túng, Chúa Giêsu đã từ giã Ðức Mẹ, từ giã nếp nhà ấm cúng, để đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó.

Rồi nhất là, để đề cao đức bác ái đối với người khác, Chúa Giêsu đã từ bỏ chính mạng sống mình như chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ hai: “Khi chúng ta chưa biết Người, chưa mến Người, thì Người đã thương mến chúng ta trước và đã nộp mình chịu chết cho chúng ta”. Ðó là một lựa chọn con đường Ngài đi, và là một lựa chọn rất dứt khoát, rất quyết liệt, để dạy chúng ta con đường phải đi.

Con đường chúng ta phải đi là những lời Chúa Giêsu nói về ngày phán xét chung: Chúng ta biết, rồi đến ngày phán xét chung:

Chúa phân biệt kẻ lành người dữ: Kẻ lành đứng bên hữu, kẻ dữ đứng bên tả. Kẻ lành lên thiên đàng, kẻ dữ xuống hỏa ngục. Và Chúa phân bố loại theo tiêu chuẩn đức bác ái đối với kẻ khác: Xưa Ta đói các con đã cho Ta ăn, nên Ta thưởng công trên thiên đàng. Xưa Ta khát các ngươi đã không cho Ta uống, nay Ta phạt các ngươi xuống hỏa ngục. Chúa lấy tiêu chuẩn đức bác ái với kẻ khác mà phân loại con người trong ngày tận thế. Ðây đúng là một lựa chọn dứt khoát quyết liệt, không mơ hồ tí nào cả.

Những lời Chúa nói trên đây khi đề cao đức bác ái yêu người đối với kẻ khác, rất cần được chúng ta quan tâm. Và một khi quan tâm rồi, chúng ta phải lựa chọn như là con đường sống đạo của chúng ta.

Thánh Antôn mà chúng ta mừng kính hôm nay (13/6/91), đã chọn con đường bác ái yêu thương đối với người khác.

Ðọc truyện của Ngài, tôi thấy Ngài rất yêu thương đối với những người chung quanh: Ngài cầu nguyện cho họ, làm phép lạ cho họ hầu như vô điều kiện, chỉ vì họ là con người cần được giúp đỡ. Xứ đạo chúng ta, họ đạo chúng ta, họ đạo Antôn cũng đã chọn con đường bác ái yêu thương đối với kẻ khác như con đường để sống đạo, để truyền đạo.

Rồi tôi cũng có cảm tưởng rằng: Chung quanh chúng ta đây những đồng bào không tôn giáo cũng đã quan tâm rất nhiều đến sự bác ái yêu thương đối với nhau, đối với kẻ khác. Và những đồng bào ấy đã bước được những bước đi vững bền trong sáng.

Như vậy chúng ta cũng nên tự hỏi mình: Con đường sống đạo của chúng ta có thực sự tập trung vào Ðức Kitô và tập trung vào con đường bác ái như Chúa đã dạy không?

Tôi nghĩ rằng: Chúng ta cần phải thuyết phục những người chưa có đạo, những người không hiểu đạo về chính nghĩa của đạo chúng ta bằng sự chúng ta sống trọn vẹn quyết liệt, dứt khoát tinh thần bác ái đối với nhau và đối với những người chung quanh.

Chúng ta không phải là những người thánh trọn lành. Dù chúng ta làm hết sức mình, chúng ta chắc chắn vẫn còn sơ sót lỗi lầm. Nhưng chúng ta phải dốc lòng, phải quyết tâm trở về với Chúa Kitô và con đường của Ngài đã chọn. Người đã chọn con đường bác ái để đến với ta. Người đã chỉ cho chúng ta con đường về trời, đó là bác ái đối với nhau, đối với kẻ khác.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta không còn con đường nào khác để lựa chọn. Nhất là hôm nay, nhìn về tương lai, tôi thấy sẽ có nhiều sự bất ngờ. Có những bất ngờ dễ chịu, và sẽ có những bất ngờ rất khó chịu. Cho nên cần phải chuẩn bị lòng mình, cộng đoàn mình bằng chính sự chuẩn bị của Chúa Kitô, là tâm hồm phải rất bác ái yêu thương đối với nhau, đối với những người thương mình, đối với những người không thương mình. chỉ có một con đường đó mới có thể dẫn đưa chúng ta về với Chúa trên thiên đàng, và có thể tỏa sáng Hội Thánh chúng ta giữa dân tộc, đa số ngoài Công Giáo.

Xin Chúa Thánh Thần là tình yêu Thiên Chúa ban ơn thêm sức cho chúng ta, đặc biệt là ban ơn bác ái cho chúng ta, đễ khi lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta thêm tình mến Chúa yêu người một cách đơn sơ trung thành, một cách bền vững và một cách quảng đại. Chỉ có tình yêu mới cứu độ chúng ta, bởi vì tình yêu chính là Thiên Chúa cứu độ. Amen.

Lễ thánh Antôn & Thêm Sức, Cồn Trên ngày 13/6/1991