Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Lương Tri Lương Tâm

Tôi xin phép được coi các thầy cô là những người trong gia đình. Bầu khí họp mặt đây là bầu khí gia đình. Buổi tọa đàm hôm nay mang tính cách gia đình. Vì thế những lời tôi nói bây giờ không phải là giảng dạy, mà chỉ là chia sẻ.

Tôi chia sẻ một điều mà tôi cho là quan trọng nhất trong đời học vấn của tôi.

Ðời học vấn của tôi khá dài. Từ tiểu học lên đại học. Từ trường trong nước đến trường ngoài nước. Trên con đường dài đó, tôi đã học kiến thức, tôi đã học đạo đức, tôi đã học nhân cách. Tất cả những gì tôi học, đã làm nên kho tàng vốn quí, giúp tôi lập thân và tiến thân.

Hôm nay, khi nhìn vào kho tàng vốn quí ấy, tôi thấy nhiều chữ nghĩa tôi học đã rơi rụng đi, nhiều hình ảnh đẹp tôi yêu mến cũng đã phai nhòa rồi. Nhưng cái còn mãi vững bền sống động, đó là lương tri và lương tâm của tôi đã được giáo dục trên con đường học vấn.

Hỏi một cách đơn giản, thì lương tri là khả năng tinh thần và biết lựa chọn điều lành và từ chối điều ác.

Những nhà giáo đầu tiên đã huấn luyện lương tri lương tâm tôi chính là cha mẹ tôi. Tiếp đó là các thầy cô ở trường.

Không thầy cô nào chuyên dạy tôi về lương tri và lương tâm. Như tất cả các giáo viên, giáo sư của tôi, khi dạy các môn khoa học của mình, đều đã uốn nắn lương tri và lương tâm tôi, khi các ngài đề cao điều lành, tôn trọng chân lý, và dấn thân làm điều tốt.

Nhờ có lương tri và lương tâm đã được rèn luyện, tôi mới có thể tự phát triển chính mình theo một lý tưởng đã chọn. Lương tri và lương tâm như hai cánh cửa tâm hồn. Mọi cái vô tâm hồn đều bị kiểm tra qua cửa đó, và được phân loại tốt xấu, phải trái, lành dữ, đúng sai, khôn dại. Cuộc sống là một cuộc chiến đấu triền miên giữa các lực lượng xây dựng và các lực lượng phá hoại trong bản thân và ngoài thế gian, nếu không có lương tri và lương tâm hướng dẫn, con người sẽ dễ đánh mất tự do tâm hồn, trở thành nô lệ những cái sai trái ác độc.

Cũng nhờ có lương tri và lương tâm đã được giáo huấn, tôi mới có thể xây dựng đời sống xã hội của tôi bằng các dây liên hệ hợp lý hợp tình. Sống là sống với. Nhưng người tôi sống với thì đông vô vàn. Họ thuộc các tầng lớp khác nhau, có những địa vị khác nhau, với những tính tình khác nhau. Nhưng điều tôi để ý đầu tiên nơi những người tôi sống với là lương tri và lương tâm của họ. Người có lương tri và lương tâm lành mạnh, bén nhạy là người đáng tin. Mức độ tín nhiệm và hợp tác tùy thuộc ở khâu đó.

Căn cứ vào những hậu quả của lương tri và lương tâm trong đời sống gia đình, xã hội, tôi thấy cái trọng lượng của mỗi người đều xuất phát từ tâm hồn, ở chỗ có lương tri và lương tâm tốt xấu, với trình độ cao thấp. Người có lương tri tốt, là người có thực chất người. Lương tri, lương tâm là những cái thiêng liêng vô hình. Nhưng chính những cái thiêng liêng vô hình ấy làm nên bầu khí văn minh, hòa bình, hạnh phúc các gia đình, quốc gia, quốc tế.

Thiết tưởng, cũng chính cái thiêng liêng vô hình ấy đang làm nên tinh thần nhà giáo Việt Nam, nơi những thầy cô chỉ vì lương tri tốt và lương tâm tốt, mà dấn thân vào nghề dạy học, trong một hoàn cảnh đầy khó khăn đủ thứ.

Cũng vì lương tri và lương tâm giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội, nên tôi muốn nói thêm ở đây một chút kinh nghiệm về quá trình phát triển lương tri và lương tâm, mà tôi đã trải qua.

Ngay từ nhỏ, cha mẹ tôi và thầy giáo trường làng đã in vào tâm hồn tôi chân ý sơ đẳng này: Người tốt là người hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, thầy dạy, ân nhân, và tạo hóa. Cách đền ơn hay nhất là chu toàn các bổn phận của mình.

Càng học lên, tôi càng thấy rõ có những bổn phận có thể chu toàn một cách tốt đẹp, nhờ điều kiện kiến thức và đạo đức. Người học thức có đạo đức, và người đạo đức có học thức, sẽ làm tốt bổn phận của mình, sinh nhiều kết quả hữu ích.

Trong ba năm học tại các đại học bên Thụy Sĩ và bên Cộng Hòa Liên Bang Ðức, tôi thấy các giáo sư của tôi, khi giảng về các hệ thống kiến thức thường nhấn mạnh đến khoa học, và khi giảng về các giá trị đạo đức thường đề cao đức khôn ngoan. Chính đại học Fribourg, Thụy Sĩ cũng đã chọn cho mình khẩu hiệu: “Khoa học và khôn ngoan”. Ðó là hướng giáo dục, đó là đặc điểm văn hóa của trường.

Những chặng đường học vấn trên đây đã giúp lương tri và lương tâm tôi phát triển. Kết quả là tôi thích gắn bó với những gì thuộc trách nhiệm của mình, thích mở rộng đào sâu kiến thức xây dựng đạo đức, để làm tốt mọi công việc bổn phận. Cố gắng làm việc bổn phận với tinh thần khoa học và khôn ngoan của người đi tìm chân lý khát khao chân lý và tôn trọng chân lý, nhất là chân lý Phúc Âm, và chân lý sống động chính là Ðức Kitô, Ðấng là Ðường, là Sự thật và là Sự Sống.

Những ưa thích trên đây đã trở thành những xác tín nội tâm, làm nên bầu trời nội tâm, thiết lập một nền văn minh nội tâm, với mục đích phục vụ tốt Quê Hương và Hội Thánh trong phạm vi trách nhiệm của mình. Từ nội tâm đó, tôi nhận định và chọn lựa những gì có liên quan đến bổn phận sống đời, sống đạo và loan báo Tin Mừng. Nếu gọi đó là những thao thức, thì những thao thức ấy đã phát xuất từ lương tri và lương tâm trách nhiệm đối với Chúa, đối với Hội Thánh, đối với Tổ Quốc đồng bào.

Tôi nghĩ rằng: Nếu sau bao năm học hành, hôm nay tôi chỉ còn giữ lại được bấy nhiêu, thì thiết tưởng đó cũng là một kết quả đáng kể, đền đáp phần nào công ơn các nhà giáo của tôi.

Và nếu sau buổi nói chuyện này, các thầy cô cũng coi sự huấn luyện lương tri và lương tâm là một đòi hỏi cấp bách trong việc chấn hưng nền đạo đức tại Việt Nam hôm nay, thì đó sẽ là điều tôi phải cám ơn các thầy các cô rất nhiều.

Nói chuyện với các thầy cô
nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11/1991