Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Linh Mục Giữa Thời Ðiểm Phức Tạp

Thứ bảy sau Chúa nhật VIII QN; Mc 11,27-33

Bài Phúc Âm lễ hôm nay thuật lại một cuộc đối thoại giữa các vị lãnh đạo tôn giáo và Chúa Giêsu. Vấn đề đối thoại là quyền bính.

Họ hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông lấy quyền nào mà làm điều đó”. Chúa Giêsu thấy vấn đề “quyền”, họ đặt ra rất nhiêu khê, không do lý thuyết phức tạp cho bằng lòng người rắc rối, nên Chúa đã không trả lời.

Tuy vậy, Chúa đã trả lời bằng các việc Chúa làm. Các việc Chúa làm không hề mang tính cách phô trương quyền bính, nhưng luôn luôn mang tính cách cứu độ, đầy vẻ khiêm nhường nhân ái, và từ bỏ mình. Chúa không nhìn đến quyền cứu độ của mình, nhưng để ý đến quyền những người cần được cứu độ.

Tinh thần phục vụ như thế của Chúa Giêsu đã là môi trường sống động đào tạo các tông đồ. Hơn nữa, để các tông đồ khỏi nhiễm lây não trạng quyền bính của các vị lãnh đạo thời ấy, Chúa Giêsu đã nói rõ quan điểm của mình về quyền bính. Chúa phán: “Các con biết các thủ lãnh các dân tộc thì thống trị họ, và những người làm lớn thì thi hành quyền bính trên họ, còn các con thì không được thế, trong các con, ai muốn làm lớn thì hãy phục vụ. Ai muốn đứng đầu thì hãy làm đầy tớ. Cũng như Con Người đến, không để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người!” (Mt 20,25-28).

Lời Chúa rất rõ, gương Chúa rất sáng. Nhưng khi Chúa đã về trời, và thời các tông đồ đã đi qua, thì dần dà não trạng quyền bính nơi giáo sĩ đã lại phát triển, có những thời, người ta ưa đề cao giáo sĩ ở các đặc quyền, như quyền tế lễ, quyền tha tội, quyền cai trị, quyền rao giảng lời Chúa. Rồi tự đặc quyền đi tới độc quyền.

Nay, sau Cộng Ðồng Vatican II, giáo sĩ được người ta đánh giá theo tinh thần phục vụ, chứ không theo quyền chức. Ðúng là đang có một sự trở về với Ðức Kitô và Phúc Âm của Người.

Ở đây, tôi thấy có một điều thiết tưởng cũng nên lưu ý, đó là tại Việt Nam hôm nay, hình ảnh kẻ có quyền, có chức đang bị lem luốc và hình ảnh kẻ phục vụ cũng đang bị xấu đi. Bởi vì đã có nhiều lạm dụng trong quyền chức, và đã có quá nhiều sai lầm trong phục vụ. Cũng trong tình hình đó, chức quyền và phục vụ của tôn giáo đang gặp nguy cơ tục hóa. Nguy cơ tục hóa đến từ nhiều phía, từ phía xã hội văn minh vật chất, từ phía những người được phục vụ, không ngừng đòi hỏi, từ phía chính chúng ta mang nhiều yếu đuối.

Một tình hình như vậy có thể phát triển rất mau, đưa tôn giáo đến chỗ biến chất, suy tàn. Tôi nghĩ rằng: Một tình hình như vậy không cho phép chúng ta đơn giản hơn chức linh mục. Kinh nghiệm cho thấy chức linh mục càng ngày càng bị tràn ngập bởi vô vàn cái phức tạp, từ những cái phức tạp đúng đắn đến những phức tạp vớ vẩn và nguy hại. Cũng vì quyền bính, cũng vì phục vụ.

Vì thế, tôi mong mỏi thành phần dân Chúa hãy ý thức rõ tình hình như vậy với trách nhiệm cao, để biết nâng đỡ linh mục, để biết giữ gìn cho linh mục.

Riêng tân linh mục Giuse, vì nhận thức được những phức tạp của chức vụ linh mục trong thời buổi này, nên đã chọn cho mình một hướng đi khiêm tốn, đó là hướng đến kẻ nghèo. Lựa chọn này rất tốt. Cái hướng đi tốt ấy xem như đơn giản, nhưng thực sự rất khó khăn và sẽ không tránh được nhiều phức tạp. Tôi biết chắc điều đó, nên tôi tha thiết cầu xin cho tân linh mục Giuse được luôn trung thành gắn bó với Chúa Giêsu. Tôi chỉ cầu xin dường ấy, và tôi mong anh chị em cầu nguyện nhiều cho tân linh mục, trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn luôn trở về với Ðức Kitô và Phúc Âm của Người. Amen.

Lễ Mở Tay tân linh mục Giuse Ngô Quang Kiệt, kênh 3a,
ngày 01/6/1991