Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Cách Truyền Giáo Chúa Muốn

Lc 9,18-22

Trong bài Phúc Âm hôm nay, có một chi tiết khiến tôi thắc mắc, chi tiết đó là như thế này: “Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: Dư luận quần chúng coi Thầy là ai?. Thì có người nói là Êlia, Gioan Tẩy Giả. Rồi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ rằng: Còn các con, các con nghĩ Thầy là ai? Bấy giờ Simon Phêrô thưa: Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa”. Câu trả lời đó là rất đúng. Câu trả lời đó là một chân lý mạc khải. Câu trả lời đó tuyên xưng đức tin. Tôi nghĩ rằng một câu trúng như vậy, một câu tuyên xưng đức tin hay như vậy, thì nên để phổ biến càng sớm càng tốt, càng rộng càng hay. Thế nhưng Chúa Giêsu lại không nghĩ như tôi. Phúc Âm thuật lại là Chúa Giêsu cấm các môn đệ không được nói điều ấy với ai. Thật là khó hiểu?

Trường hợp khó hiểu như vậy cũng đã xảy ra nhiều lần trong Phúc Âm. Chẳng hạn khi Chúa Giêsu từ vùng Tirô sang vùng Siđôn, đến gần bờ biển Galilê, vào miền thập tỉnh, người ta đưa đến cho Chúa Giêsu một người câm điếc. Chúa chữa lành anh ta. Anh ta nghe được, nói được. Thấy vậy, dân chúng reo mừng hoan hô Chúa. Tôi nghĩ rằng đây là sự kiện hiếm hoi, làm sáng danh Chúa. Cứ để cho họ nói. Cứ để cho họ tuyên xưng tốt về Chúa, để uy tín của Chúa tăng lên. Ðây là một dịp bằng vàng để truyền giáo. Thế nhưng Chúa Giêsu không nghĩ như tôi. Chúa cấm người ta không được loan truyền điều Chúa mới làm: Ðó là phép lạ. Thế mới khó hiểu?

Rồi một trường hợp khác, khi Chúa Giêsu chữa lành nhạc mẫu ông Simon cho khỏi cơn sốt rét, thì người ta đưa đến cho Ngài một kẻ quỷ ám. Chúa truyền cho quỷ phải ra khỏi người đó. Quỷ ra và la lên rằng: Ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa. Tôi nghĩ rằng lời ma quỷ nói bấy giờ là rất đúng. Mà vì nó rất trúng nên nó sẽ gây uy tín cho Chúa Kitô. Theo tôi cứ để cho nó nói câu đó hoài hoài. Hơn thế nữa, còn phải bắt nó đi nhiều nơi xưng tụng Ðức Kitô là Ðấng Thánh của Thiên Chúa. Thế nhưng Chúa Giêsu không nghĩ như tôi. Chúa lại cấm thằng quỷ không được nói rằng: Ngài là Ðấng Thánh của Thiên Chúa. Thật là khó hiểu?

Mình có những chân lý tốt đẹp, mình làm những việc lành lớn lao, mình có phép lạ tày trời, tại sao lại không nói ra? Tại sao Chúa lại cấm phổ biến? Khó hiểu quá đi?

Nhưng suy nghĩ lại, tôi mới thấy cái lý do khiến Chúa Giêsu không muốn phổ biến những phép lạ, những chân lý mạc khải bấy giờ, không phải vì Ngài sợ người ta, mà chỉ vì Ngài thấy rằng: Truyền giáo không đúng cách, truyền giáo không đúng lúc, tuyên xưng đức tin không đúng chỗ, thì sẽ có hại cho đạo hơn có lợi cho đạo. Mà tôi thấy là như vậy.

Ðọc Phúc Âm tôi thấy Chúa Giêsu khi cấm người ta phổ biến những việc lành Chúa làm, hay tuyên xưng một chân lý mạc khải, thì vì có 3 cái bất lợi này mà Chúa muốn tránh.

Bất lợi thứ nhất đó là sẽ khơi lên những phong trào quần chúng, lôi kéo Ngài vào mục đích chính trị mà Ngài không muốn.

Ðiều này đã xảy ra trong dịp Chúa Giêsu làm cho bánh và cá hoá ra nhiều, để nuôi 5.000 người. Dân chúng thấy Chúa Giêsu làm phép lạ lớn lao như vậy thì tung hô Người và muốn tôn Người lên làm vua. Chúa Giêsu thấy quần chúng muốn nổi lên làm chính trị lấy danh nghĩa Ngài, nên Chúa tránh. Tránh không làm phép lạ và tránh luôn quần chúng. Ðó là cái hại thứ nhất mà Chúa muốn tránh.

Bất lợi thứ hai đó là Chúa Giêsu thấy: Nếu Chúa Giêsu làm phép lạ có nhiều uy tín, thì sợ quân Rôma lấy cớ đó mà tràn sang phá hoại đền thờ, thiêu hủy quê hương của Ngài.

Ðiều này trong Phúc Âm có nói ra: Khi Chúa Giêsu chữa cho ông Lazarô chết được sống lại, thì các thấy tư tế họp nhau lại và nói với nhau: “Nếu cứ để ông này làm phép lạ hoài như vậy, dân chúng sẽ lũ lượt kéo nhau đi theo Ngài, thì quân Rôma sẽ viện cớ để thiêu hủy thành thánh chúng ta”. Chúa Giêsu biết rõ cái đó và muốn tránh tai họa cho Ðền Thánh, cho Tổ Quốc của mình, nên trong nhiều dịp, mặc dầu là truyền giáo đúng là tốt, tuyên xưng đức tin đúng là cần, nhưng Chúa Giêsu cấm đừng có làm trong lúc đó, kẻo hại cho đạo, cho Ðất Nước của mình.

Bất lợi thứ ba: Ðó là nếu Chúa Giêsu phổ biến quá sớm uy tín của mình, Ngài sẽ bị trục trặc, sẽ bị bắt sớm, và do đó Ngài không còn thời giờ để huấn luyện các môn đệ của mình.

Trên đây là những lý do khiến Chúa Giêsu không muốn cho người ta phổ biến những chân lý Phúc Âm và những phép lạ của Ngài.

Những suy nghĩ trên đây cho phép tôi nhận định rằng: Tuyên xưng đức tin là việc tốt, truyền giáo là việc tốt, nhưng cần phải làm những việc đó đúng cách đúng thời. Bởi vì nếu không biết đúng cách, đúng thời, thì sợ rằng sẽ có hại cho đạo hơn là có lợi cho đạo. Hay ít ra chúng ta biết truyền giáo đúng lúc đúng cách, thì cũng sẽ tránh được những thiệt hại lớn cho Hội Thánh chúng ta.

Tôi biết anh chị em ở đây, dưới quyền hướng dẫn của cha cố và sự giúp đỡ của cha phó, các thầy, các sơ. Tất cả đều có một tinh thần muốn tuyên xưng đức tin, muốn truyền bá đức tin cho những người ngoài Công Giáo. Thiện chí đó là rất tốt. Nhưng phải làm cách nào đây cho hữu hiệu hơn?

Tôi nghĩ cách tốt nhất là chúng ta hãy sống tốt. Hãy sống tốt với gia đình, với xóm ngõ, trong họ đạo và với người chung quanh, bất cứ là lương hay giáo. Một cách mà bây giờ tôi nghĩ hữu hiệu nhất để tuyên xưng đức tin, để truyền bá đạo Chúa, đó là có lòng từ thiện và bác ái.

Chiều hôm qua, tôi đọc một số báo và tạp chí, như tờ Thanh Niên, tờ Lao Ðộng, tờ Tuổi Trẻ, thì thấy có những mẫu tin nói về mẹ Têrêsa Calcutta đi Hà Nội, thăm Hà Sơn Bình để tìm đất làm nhà nuôi trẻ mồ côi. Tôi thấy một nữ tu già mà được báo chí Việt Nam trân trọng như vậy, còn hơn là một nhà chính trị. Mà nữ tu Têrêsa chỉ là một người làm từ thiện bác ái, không hề giảng đạo.

Rồi tối hôm qua, khi theo dõi chương trình truyền hình Cần Thơ, tôi thấy có chiếu hình mẹ Têrêsa đang nói chuyện với thủ tướng Campuchia. Bà nữ tu già, còm lưng, gầy ốm, chỉ nói chuyện về những kẻ nghèo, về bác ái, thế mà được chiếu trên truyền hình cả nước, đề cao một tấm gương yêu thương bác ái. Những tin tức, những hình ảnh mà tôi lượm được chiều hôm qua, càng làm cho tôi thêm xác tín rằng: Cách tuyên xưng đức tin hiệu quả nhất thời nay, cách truyền giáo có sức lôi cuốn nhất thời nay, đó là: Hãy có lòng yêu thương bác ái, nhất là đối với những người ngoài Công Giáo, những người nghèo túng, cô đơn, mồ côi, bệnh tật.

Tôi mong rằng trong hoàn cảnh của anh chị em, ngoài việc tuyên xưng đức tin trong lễ này, thì trong mọi sinh hoạt họ đạo, chúng ta đừng quên làm những việc từ thiện bác ái, và sống cởi mở với những người lương dân quanh chúng ta, và cả trong nội bộ Giáo Hội chúng ta. Chứ nếu chúng ta chỉ tuyên xưng đức tin một cách trọng thể, trong những lễ lạc của chúng ta, trong nhà thờ của chúng ta, mà chúng ta không có một cử chỉ bác ái đối với người ngoài nhất là người nghèo, thì tôi thấy việc truyền giáo và tuyên xưng đức tin sẽ không có hiệu quả.

Hãy sống bác ái.

Người có bác ái cũng giống như một bông hoa đẹp. Bông hoa không nói gì cả, bông hoa không tuyên xưng gì cả, nhưng nó là một bông hoa đẹp, tuy không nói, nhưng người ta cũng thấy được cái đẹp của nó, cái hương thơm của nó.

Mỗi người Công Giáo chúng ta, mỗi giáo đoàn Công Giáo chúng ta, hãy là những đóa hoa, hãy là những bó hoa tươi, đẹp, thơm, do tinh thần bác ái cởi mở chan hòa. Và nếu được như vậy, đạo chúng ta sẽ mở ra, và đức tin ấy mới là đức tin truyền giáo thực sự.

Xin Chúa Thánh Thần ban ơn khôn ngoan cho chúng ta, để chúng ta biết chọn cách mà tuyên xưng đức tin, biết chọn cách để mà truyền giáo trong hoàn cảnh rất phức tạp hiện nay.

Lễ Thêm Sức, kinh H ngày 6/10/1991