Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Bén Nhạy Trong Tôn Giáo

Lc 1,39-56

Ðọc Phúc Âm, tôi thấy có nhiều người rất bén nhạy với các vấn đề tôn giáo, hễ có chút gì xảy ra liên quan đến tôn giáo, là họ nắm bắt được ngay. Người thì bén nhạy với vấn đề này, người thì bén nhạy với vấn đề kia. Có nhiều thứ bén nhạy khác nhau, nên giá trị của mỗi thứ bén nhạy ấy cũng khác nhau. Thí dụ với Pharisêu nổi tiếng rất bén nhạy trước vấn đề giữ được hình thức như kiêng việc ngày Sabbat, rửa tay trước khi ăn cơm, nạp thuế cho nhà thờ. Hễ ai sơ suất chút gì về việc giữ những luật đó thì họ lên án ngay.

Giới Pharisêu cũng rất nổi tiếng về các bén nhạy của họ trước những cái may mắn của người khác. Họ thấy Chúa Giêsu được người ta kính trọng, họ gặp thấy những bệnh nhân được Chúa chữa khỏi, không những họ không mừng mà họ còn buồn bực. Cách nhạy bén của Pharisêu, mặc dầu mang hình thức tôn giáo, nhưng đúng là một sự nhạy bén hẹp hòi, ích kỷ, cũng may là trong tôn giáo lúc ấy cũng có một sự nhạy bén khác. Tôi muốn nói đến sự bén nhạy nơi Ðức Mẹ Maria, mà Phúc Âm hôm nay đã kể lại khi vừa nhận được tin bà Isave đã già mà được chịu thai, Ðức Mẹ rất bén nhạy với tin mừng đó, đã lên đường đi viếng bà Isave, ở tại nhà bà ấy ba tháng để giúp đỡ.

Hơn nữa, tuy Ðức Mẹ lúc ấy chỉ là một phụ nữ rất trẻ, nhưng rất bén nhạy với hạnh phúc của dân tộc mình. Trong Phúc Âm hôm nay, ta nghe Ðức Mẹ nói: “Chúa chăm sóc Israel, tôi tớ Chúa. Bởi nhớ lại lòng thương xót Người, như Chúa đã hứa với tổ phụ chúng tôi Abraham và dòng dõi Người cho đến muôn đời”. Một người phụ nữ trẻ mà đã bén nhạy đến dân tộc mình, từ tổ phụ cho đến tương lai sau này của dân tộc mình. Ðúng là một người rất bén nhạy đến hạnh phúc người khác.

Hơn nữa, Ðức Mẹ còn rất bén nhạy với hạnh phúc tất cả những người thuộc về Nước Trời. Trong bài Phúc Âm chúng ta nghe Mẹ nói: “Lòng thương xót Chúa trải qua từ đời nọ đến đời kia, dành cho những ai kính sợ Chúa”.

Ðến đây, chúng ta lại thấy: Ðang khi người Pharisêu bén nhạy trước những vấn đề lặt vặt, hẹp hòi, hình thức, thì Ðức Mẹ lại rất bén nhạy với những vấn đề cao hơn, rộng hơn, đó là những hạnh phúc của đồng bào mình, đó là mở mang Nước Trời, đó là sự chia sẻ hạnh phúc với những người thân. Rồi đang khi cách bén nhạy của người Pharisêu làm bực bội trước may mắn của người khác, thì Ðức Mẹ lại tỏ ra vui mừng khi thấy dân mình, Nước Trời, bạn bè mình được hạnh phúc.

Như vậy, chúng ta thấy, có những cách bén nhạy tôn giáo khác nhau, tuy mang hình thức tôn giáo, nhưng có thứ bén nhạy tốt có thứ bén nhạy xấu. Lý do tốt là vì bén nhạy ấy mang tinh thần liên đới, có tinh thần trách nhiệm bác ái. Còn thứ bén nhạy xấu, lý do là không có tinh thần liên đới, thiếu tinh thần trách nhiệm bác ái đối với người khác. Ðiều mà tôi thiết nghĩ phải nhắc lại ở đây, chính là hậu quả sau cùng của cái tốt ấy, của cái xấu ấy.

Hậu quả tốt xấu của sự bén nhạy tôn giáo sẽ thấy trước tòa phán xét. Phúc Âm cho thấy: Chúa Giêsu sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn tinh thần liên đới, tinh thần trách nhiệm bác ái mà thưởng, mà phạt. Ai có tinh thần liên đới, tinh thần trách nhiệm bác ái giống như người Samaria năm xưa, đã bén nhạy trước nạn nhân bị cướp đánh, kẻ ấy sẽ được Chúa xếp vào loại tốt, được lên thiên đàng. Còn những ai thiếu tinh thần liên đới, thiếu tinh thần trách nhiệm bác ái giống như người phú hộ trước cảnh đau khổ của người bần cùng ăn mày Lagiarô, kẻ ấy sẽ bị Chúa kết án là xấu, phải sa hỏa ngục. Kẻ nào có tinh thần liên đới, có tinh thần trách nhiệm bác ái, cho kẻ khó ăn, cho kẻ rách mặc, cho kẻ bần cùng được an ủi, thì Chúa xếp vào bên hữu Chúa, được lên thiên đàng. Còn trái lại, kẻ không bén nhạy trước cảnh đau khổ của người khác, vì không có tinh thần liên đới, không có tinh thần trách nhiệm bác ái, kẻ đó bị xếp bên tả phải xuống hỏa ngục. Tôi nghĩ rằng, một trong những lý do đã làm cho Ðức Mẹ đáng được Chúa cho hồn xác lên trời, cũng là ở tại Ðức Mẹ có tinh thần liên đới, trách nhiệm bác ái bén nhạy với hạnh phúc người khác, của Nước Trời.

Ðến đây, tôi muốn nhìn vào chính bản thân mình, muốn nhìn vào họ đạo chúng ta, muốn nhìn vào Hội Thánh Việt Nam chúng ta. Nếu hôm nay Chúa đi tìm những người có tinh thần giống như Pharisêu, cũng rất bén nhạy với một số vấn đề, nhưng cách hẹp hòi, tôi nghĩ Chúa sẽ tìm thấy một cách dễ dàng. Và nếu hôm nay Chúa muốn tìm người có tinh thần bén nhạy như Ðức Mẹ, cởi mở, nắm bắt được hạnh phúc của người khác, thao thức với hạnh phúc của dân tộc, của Nước Trời, tôi nghĩ Chúa sẽ tìm thấy một cách dẽ dàng. Có nghĩa là tình hình tôn giáo của chúng ta vừa có khả năng tốt, mà vừa có khả năng xấu. Ở đây, cái gì là xấu chúng ta cố gắng khắc phục và bớt dần đi. Cái gì là tốt chúng ta hãy phát triển thêm.

Có điều này tôi muốn nhấn mạnh ở đây, là trong thời đại bây giờ, trong đạo, ngoài đời, tiêu chuẩn mà người ta căn cứ vào để đánh giá trình độ đạo đức, chính là tinh thần liên đới, tinh thần trách nhiệm bác ái. Vì thế, tôi mong rằng,trong những lớp dạy giáo lý, trong cách giáo dục con em, chúng ta nhấn mạnh hơn đến tinh thần liên đới, đến tinh thần trách nhiệm bác ái. Bộ mặt họ đạo chúng ta, bộ mặt của gia đình chúng ta, và bộ mặt riêng của chúng ta sẽ đẹp hay xấu về mặt tôn giáo là tùy ở sự chúng ta có tinh thần liên đới hay không, có sống với tinh thần trách nhiệm bác ái hay không.

Hôm nay làm lễ Thêm Sức, tôi xin Chúa Thánh Thần đổi mới chúng ta, đổi mới bằng cách giúp cho chúng ta nhận định thật rõ cái gì là đạo đức thật trong tôn giáo, cái gì là cái Chúa sẽ căn cứ vào để đánh giá chúng ta, cái gì là cái sẽ giúp cho chúng ta bắt chước Ðức Mẹ để về trời.

Xin Chúa Thánh Thần thương ngự đến tâm hồn chúng ta bằng những ơn hiểu biết, bằng những ơn đổi mới. Amen.

Lễ Thêm Sức, Năng Gù ngày 18/8/1991