Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Chân Lý Cứu Ðộ

Ga 18,33-37

Khi nói về Chúa Giêsu Vua, nhiều người đã hỏi Chúa Giêsu là vua nước nào? Câu hỏi đó đã được Chúa Giêsu trả lời trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa nói với Philatô rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian. Tôi đến trong thế gian để làm chứng cho công lý. Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng tôi”.

Câu trả lời ấy cho thấy: Ðâu không phải là Nước Chúa, và đâu là Nước Chúa? Nước Chúa không thuộc về thế gian, có nghĩa là bất cứ nước nào, bất cứ chế độ nào, với nền văn minh nào, cũng không thể đồng hoá với Nước Chúa. Vậy, Nước Chúa ở đâu?

Thưa, Nước Chúa ở trong các tâm hồn, những tâm hồn khao khát chân lý, tôn trọng chân lý, và nhất là đón nhận chân lý. Như vậy, Nước Chúa gồm tất cả các tâm hồn yêu chuộng chân lý. Do đó, Nước Chúa rộng hơn Hội Thánh, bởi vì ngoài Hội Thánh, vẫn có biết bao nhiêu người yêu chuộng chân lý. Ðang khi đó, trong Hội Thánh cũng có thể có nhiều người không thuộc về Nước Chúa, bởi vì họ không yêu chuộng chân lý, không đón nhận chân lý.

Nhưng chân lý là gì? Quan Philatô đã hỏi điều đó với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không đáp lại bằng lời nói, mà bằng chính việc Người đang thực hiện trước quan Philatô. Việc đó là: Thực hiện việc của tình yêu cứu độ. Người vô tội, nhưng vì yêu thương nhân loại, đã cam lòng chịu chết để đền tội cho nhân loại. Chân lý là như thế đó. Ðó là chân lý cứu độ. Ðó là cái chân lý mà Chúa Giêsu muốn làm chứng, muốn nói tới.

Ðọc Phúc Âm, chúng ta nghe lời Chúa, thì thấy căn bản của chân lý cứu độ là như vậy. Và nếu giờ này đây, nhìn chung quanh, trong nhà thờ này, các ảnh tượng Chúa, chúng ta cũng thấy chân lý cứu độ là như vậy. Chúa Giêsu trên cây thánh giá, Chúa Giêsu trong phép Mình Thánh. Chúa Giêsu trong chặng đường thánh giá. Chúa Giêsu trái tim. Tất cả đều nói lên tình yêu cứu độ.

Tình yêu ấy ban cho nhân loại, chỉ cần con người đón nhận tình yêu ấy.

Ðón nhận bằng cách nào? Thưa không phải bằng hai tay thu tích các công nghiệp cho riêng mình, mà bằng một tâm hồn khiêm tốn, khao khát tình yêu cứu độ, và bằng tâm hồn mở rộng ra, yêu thương bác ái đối với những người chung quanh. Chân lý cứu độ như vậy, nói lên thì đơn sơ dễ dàng, nhưng thực hiện chân lý cứu độ ấy, thực là phức tạp và khó khăn, nhất là trong thời buổi này.

Khó khăn thứ nhất là cuộc sống hôm nay, một cuộc sống chật vật, đầu tắt mặt tối, đầy lo toan khốn khổ, dễ đẩy con người rơi xuống ích kỷ, khó khăn, thấp hèn.

Khó khăn thứ hai là những tương quan trong xã hội hôm nay.

Ngày xưa con người sống với nhau thì lấy sự nhường nhịn nhau, hòa thuận với nhau làm phương châm. Nhưng bây giờ, ở nhiều nơi, nhiều người, phương châm lại là đấu tranh, lại là lấn lướt, lại là trở tráo, lại là lừa lọc, lại là loại đi, nhiều khi bằng cả những thủ đoạn độc địa thô bỉ.

Khó khăn thứ ba là chính bản thân con người hôm nay, ý chí bị suy yếu, không còn đủ sức sống chân thật những giá trị thiêng liêng mình theo đuổi. Ðồng thời, sự khôn ngoan Phúc Âm lại không được coi trọng bằng sự khôn ngoan thế gian. Người ta sùng bái vật chất, và theo đuổi những lợi ích trước mặt.

Ba cái khó khăn ấy làm cho tâm hồn con người trở nên chật chội, trở nên ích kỷ và trở nên khép kín, mệt mỏi, không dễ mở ra về phía tình yêu cứu độ, càng không dễ mở ra về phía con người với những đòi hỏi bác ái Phúc Âm. Tôi có cảm tưởng rằng, trong nhiều tâm hồn chúng ta, vì những khó khăn đó nên đã không tìm được một không gian nội tâm, đủ rộng để thở hít không khí Phúc Âm, nắm bắt tình yêu cứu độ là chân lý và là hương thơm Nước Chúa.

Anh chị em thân mến,

Không biết tâm hồn chúng ta có thuộc loại những tâm hồn đó không? Tôi nghĩ là chúng ta hết thảy là những con người yếu đuối, chịu ảnh hưởng của thời cuộc không ít thì nhiều, cũng thấy tâm hồn mình không đủ khả năng để mở ra đón nhận tình yêu cứu độ như Chúa đã muốn cho chúng ta mở ra.

Trong lễ hôm nay, với nhận thức như vậy, tôi cầu xin cho tôi, cho anh chị em và nhất là các trẻ Rước Lễ Bao Ðồng hôm nay, biết đón nhận tình yêu cứu độ của Phúc Âm. Ðón nhận bằng tâm hồn khiêm tốn, cảm tạ, khao khát Chúa. Và đón nhận bằng sự quảng đại mở ra về phía những người chung quanh. Ðón nhận tình yêu ấy, tức là đón nhận chân lý cứu độ. Và đón nhận chân lý cứu độ như vậy là đón nhận Nước Cha trị đến trong lòng mình.

Lạy Chúa Giêsu là Vua, xin hãy là Vua trong tâm hồn chúng con.

Lễ Bao Ðồng, Long Xuyên ngày 24/11/1991