Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Bài Học Khiêm Tốn

Thứ ba sau CN VIII QN; Mc 10,28-31

Hôm nay, khi dâng thánh lễ ở họ đạo Lộ Ðức, Kênh 8 này, tôi tự nhiên nhớ tới hang đá Lộ Ðức bên Pháp. Tôi đã tới đó nhiều lắm, và lần sau cùng là tháng 12/1989. Giờ đây, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một gợi ý mà tôi đã lãnh nhận khi hành hương hang đá Lộ Ðức bên Pháp. Nói cho trúng, thì những gợi ý tôi đã lãnh nhận ở Lộ Ðức bên Pháp không phải là ít. Nhưng trong những gợi ý đó, có một gợi ý đã trở thành hiệu lực thiêng liêng thúc đẩy thường xuyên trong tôi rất mạnh. Gợi ý đó là: Hãy trở về với Chúa.

Thật vậy, trong những thánh lễ tôi dâng trước hang đá Lộ Ðức tôi thấy những bài Kinh Thánh đều nhấn mạnh đến sự trở về của Chúa, và tôi thấy các kinh trong những thánh lễ ấy đều tập trung vào sự xin ơn trở về với Chúa. Ðể trở về với Chúa, thì cần phải bước vào một con đường khả năng dẫn ta lên với Chúa. Trong Phúc Âm, thì con đường ấy là sự ăn năn sám hối. Ở hang đá Lộ Ðức, tôi cũng thấy con đường trở về với Chúa là ăn năn sám hối, nhưng được nhấn mạnh đến khía cạnh khiêm tốn. Tôi nhận thấy sự khiêm tốn ở ba điều kiện sau đây tại hang đá Lộ Ðức.

 Sự kiện thứ nhất: Dạy tôi bài học khiêm tốn ở hang đá Lộ Ðức, là bầu khí cầu nguyện

Trước hang đá Lộ Ðức, người ta cầu nguyện rất nhiều, cầu nguyện từng người, cầu nguyện từng nhóm, cầu nguyện tập thể, và khi cầu nguyện, người ta thường quỳ xuống đất, trong thái độ một người tuyên xưng mình có tội, và thường, người ta giơ hai tay lên trời trong thái độ một người xin ơn tha thứ. Và nhiều khi, người ta sấp mình xuống đất, hôn đất, như thái độ của một người đền tội, cầu nguyện rất lâu, kính cẩn trong một bầu khí thinh lặng, như một thái độ của một người đợi chờ Chúa đến tha tội cho mình. Bầu khí cầu nguyện trước hang đá Lộ Ðức, đáng là một bầu khí nói lên sự khiêm tốn.

 Sự kiện thứ hai: Ở hang đá Lộ Ðức đã gợi ý cho tôi bài học khiêm tốn, đó chính là Ðức Mẹ

Nhìn lên tượng Ðức Mẹ, tôi thấy Ðức Mẹ rất khiêm tốn: Hai tay chấp lại, ngước mắt lên trời. Chỗ mà xưa Ðức Mẹ đã đứng để hiện ra với Bernadette, nay còn nguyên trạng là một hang đá nhỏ, có rêu cỏ xanh, có vài cây hoa dại đơn sơ khiêm tốn. Lịch sử kể lại rằng: Mỗi lần Ðức Mẹ hiện ra thì Bernadette đều hỏi tên bà là gì? Ðức Mẹ không trả lời. Chỉ lần sau chót, Ðức Mẹ mới trả lời: “Bà là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Theo như lời kể lại của Bernadette, thì khi nói lời ấy, Ðức Mẹ có một thái độ bẽn lẽn, rất khiêm tốn nhường như bắt buộc phải nói lên thôi, chứ tự ý không muốn nói về ơn đặc biệt của mình.

 Sự kiện thứ ba: Ở Lộ Ðức dạy tôi bài học khiêm nhường để trở về với Chúa, đó là chính Chúa

Sự Chúa ban ơn cho Ðức Mẹ được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ðó là một việc trọng đại, một việc hết sức lạ lùng, một việc cực kỳ đặt biệt. Với ơn lạ lùng ấy, Ðức Mẹ là một kỳ công của Thiên Chúa, thế nhưng Chúa đã không vội nói ra. Qua 100 năm, rồi qua gần 1000 năm, rồi qua gần 19 thế kỷ, sau khi tất cả Giáo Hội mọi tầng lớp, đã tỏ ý muốn thỉnh nguyện, thì ơn Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội mới được long trọng công bố như một tín điều. Chính Thiên Chúa cũng rất khiêm nhường trong những công trình mình đã làm ra.

Ba sự kiện trên đây gợi ý cho tôi thấy là con đường trở về với Chúa chính là con đường khiêm tốn. Sự khiêm tốn không phải là khúm núm, câu nệ, nhưng là đơn sơ, chân thật, hạ mình xuống, coi trọng kẻ khác và quyền lợi kẻ khác hơn chính bản thân và quyền lợi riêng tư.

Tôi nghĩ rằng, sự khiêm tốn là một vẻ đẹp tuyệt vời, tâm lý, tinh thần, thiêng liêng, tự nhiên và siêu nhiên. Khiêm tốn là một bài ca hay nhất để ca tụng Thiên Chúa. Khiêm tốn là một lễ tế đẹp nhất để đền tạ Chúa. Và khiêm tốn là một sợi dây bền nhất, để nối kết chúng ta lại với Chúa, và liên kết chúng ta lại với nhau.

Trong bài Phúc Âm hôm nay Chúa phán: “Có kẻ trước hết sẽ trở thành rốt hết, và có kẻ rốt hết sẽ trở thành trước hết”. Ðó cũng là lời nhắn nhủ, để chúng ta biết sống khiêm nhường. Phải biết bước xuống bậc thang khiêm nhường, rồi sẽ được Chúa dẫn lên với Chúa. Vẻ đẹp khiêm tốn ấy, tôi cũng thấy trước mặt tôi: Tôi thấy vẻ đẹp khiêm tốn ấy nơi các em nhỏ, khi thấy chúng đơn sơ hồn nhiên. Tôi thấy vẻ đẹp khiêm tốn nơi các người lớn, khi thấy các người lớn chân thành, chất phát. Và hôm nay, tôi thấy vẻ đẹp khiêm tốn trong lễ Ngân-Khánh của cha Ðaminh đã được tổ chức giản đơn, nhẹ nhàng, kín đáo, giấu trong thánh lễ Thêm Sức hôm nay. Tôi nghĩ rằng: Sự khiêm tốn của chúng ta, của cha Ðaminh, của tất cả anh chị em sẽ là một thánh lễ có giá trị nhất, trước mặt Chúa, lâu dài mãi mãi sau này.

Anh chị em thân mến,

Ðêm nay tôi thức dậy rất sớm, và khoảng 2 giờ khuya, tôi nghe thấy văng vẳng bên tai tôi những tiếng chuông chùa từ xa vọng lại. Những tiếng chuông chùa đêm khuya ấy gợi ý cho tôi về phương cách truyền giáo trong Ðất Nước Việt Nam hôm nay.

Bản thân chúng ta, hoạt động tôn giáo chúng ta, hãy khiêm tốn như những tiếng chuông thật trầm, đi vào thôn xóm, đi vào gia đình, đi vào từng người.

Bản thân chúng ta, hoạt động tôn giáo của chúng ta, hãy còn rất khiêm tốn như những tiếng chuông đêm khuya, thật trầm và thật chậm, không rộn rã, không hối thúc, nhưng khoan thai rót vào tâm hồn những tín hiệu, những lời khuyên, những niềm hy vọng, những bước đi về một cõi hạnh phúc xa vời.

Bản thân chúng ta, hoạt động tôn giáo của chúng ta, hãy rất khiêm tốn như những tiếng chuông đêm khuya, thật trầm và thật êm đềm, không ồn ào nhưng linh thiêng như những lời kinh nguyện cầu, như những khẩn khoản của tâm hồn, như những thở than của thân phận con người gởi lên tới Chúa.

Tôi nghĩ sự êm đềm, thâm trầm của sự khiêm tốn nơi chúng ta, nơi Hội Thánh chúng ta sẽ rất thích hợp với văn hóa Việt Nam truyền thống, và mới có thể thu hút được những người ngoài trở về với Chúa Giêsu đã đi trên con đường khiêm tốn của thánh giá, của nhà tạm để đến với chúng ta.

Xin Chúa Thánh Thần ban ơn thêm sức cho chúng ta, để chúng ta biết trở về với Chúa, qua những con đường mà Chúa dẫn dắt chúng ta: Khiêm nhường, chân thành, đơn sơ. Và đó là một con đường, nếu chúng ta không biết lựa chọn cho chính mình, thì ít ra cũng hãy biết can đảm đi trên con đường ấy khi Chúa bắt chúng ta vào và bó buộc chúng ta phải đi. Hãy can đảm, bởi vì Chúa Thánh Thần phù trợ chúng ta. Amen.

Lễ Thêm Sức, Lộ Ðức (Kênh 8) ngày 28/5/1991