Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Chúa Thánh Thần và Người Nghèo Khó

Luca 4, 16-22a

Ðọc xong bài phúc âm hôm nay, tôi đã nói với Chúa Thánh Thần rằng: Xưa Chúa đã ngự trên Ðức Kitô, đã xức dầu cho Ðức Kitô và đã sai Ðức Kitô, đem Tin Mừng đến cho người nghèo khó, nên xin Chúa Thánh Thần sai Ðức Kitô đem Tin Mừng đến cho chúng con. Xưa Chúa Thánh Thần đã sai Ðức Kitô đến chữa lành cho những người bệnh tật, đui què, mù điếc, thì hôm nay, chính chúng con, là những người bệnh tật thiêng liêng, nên xin Chúa Thánh Thần thương sai Ðấng Cứu Ðộ đến chữa lành cho chúng con.

Tôi nói như vậy, với đức tin. Và đức tin như vậy, không phải là một sự tuyên xưng như khi chúng ta đọc kinh Tin Kính, cũng không phải là một sự tuyên hứa như khi chúng ta chịu phép Thêm Sức, mà đức tin này là một sự gặp gỡ sống động, khiêm tốn và phó thác.

Sống động có nghĩa là: Khi tôi nói với Chúa như vậy, tôi tin Chúa ở trước mặt tôi, tôi tin Chúa đang nhìn tôi, nhất là tôi tin Chúa đang yêu thương tôi. Và sự gặp gỡ này phải rất khiêm nhường, có nghĩa là tôi nói với Chúa mà trong lòng mình tin nhận mình yếu đuối, tội lỗi, bất lực, tự sức mình không thể cứu được mình. Và sự gặp gỡ giữa tôi với Chúa cũng phải rất mực phó thác, có nghĩa là tôi tin Chúa quyền năng và yêu thương tôi vô cùng, nên tôi đặt mình trong bàn tay quyền năng thương xót của Chúa.

Nói đến lòng tin sống động, khiêm nhường và phó thác, tôi nghĩ tới một số gia đình nghèo, mà tôi đã đến thăm trong dịp tết vừa qua. Tôi nhớ tới một ông già ho lao, kiệt sức, nằm ở sàn nhà như một giống không ra người, như một mớ giẻ rách. Tôi nhớ tới một bà già mù như da bọc xương. Tất cả đều cùng cực nghèo khổ, không đủ cơm ăn, không có thuốc uống, không có áo mặc, không có giường nằm. Tôi chắc chắn là những người nghèo ấy biết chắc tự sức mình không thể thoát khỏi cảnh nghèo túng, khỏi cảnh bệnh tật như vậy. Và tôi cũng chắc chắn rằng, những người nghèo ấy, những người bệnh ấy không còn tin tưởng nào ở một người trên thế gian có thể cứu vớt được họ.

Nhưng họ có đức tin, họ đã cầu nguyện, cầu nguyện một cách đơn giản, cầu nguyện tự phát với tấm lòng trên môi, cầu nguyện với tất cả sự đau đớn của mình. Họ cầu nguyện không phải để xin phép lạ, cứu mình ra khỏi bệnh tật nghèo túng, mà chỉ cầu nguyện xin Chúa xót thương đến thân phận mình. Và tôi thấy kết quả là họ có một sự bình an trong tâm hồn, một sự bình an mà một người khỏe mạnh giàu sang, không cảm nếm được. Tôi đã thấy sự bình an trong tâm hồn của họ đúng là một phép lạ liên tục hiếm có.

Từ kinh nghiệm đó, tôi nhớ tới những bệnh tật ngay trong tâm hồn con người, những bệnh tật còn nguy hiểm và khó chữa hơn là những bệnh tật và cảnh nghèo túng vật chất. Một cảnh nghèo túng đã là khó cứu nỗi, một người mù, ho lao, còn khó chữa được, phương chi những bệnh tật trong tâm hồn. Tôi nghĩ là phải có một phép lạ nào đó mới có thể cứu vớt được.

Lúc nãy, khi bước vào trong nhà thờ này, tôi đọc thấy khẩu hiệu: “Xin Chúa Thánh Thần đổi mới tâm hồn các tín hữu”. Tôi thầm nói với Chúa Thánh Thần, xin Chúa đổi mới tâm hồn chúng con. Nhưng rồi, tôi nghe thấy tiếng Ngài nói với tôi: Không phải chỉ xin thôi, nhưng là phải xin với tâm hồn chay tịnh của Chúa Kitô trong sa mạc.

Chúng ta biết Chúa Kitô, Người trong sạch, Người vô tội, thế mà khi Người lên đường đổi mới các tâm hồn, Người đã vào trong sa mạc, ăn chay 40 ngày, không nhà cửa, không cơm nước, không có một vật gì che thân. Ðó là một gương, để chúng ta biết: Muốn đổi mới tâm hồn của mình và đổi mới tâm hồn của những kẻ thuộc về mình, thì cần phải cầu nguyện như Chúa Kitô trong sa mạc.

Cầu nguyện là gặp gỡ, khiêm tốn, sống động phó thác, nhưng với lòng chay tịnh, với tinh thần chay tịnh, với một sự hãm mình nào đó. Bởi vì Chúa đòi của lễ, để Chúa ra tay cứu giúp chúng ta. Khi của lễ đã trọn, đã đầy, thì Chúa sẽ giúp chúng ta.

Ở đây, tôi nhớ tới chuyện thánh Hiêrônimô, mà có lẽ anh chị em, những người mang tên thánh Hiêrônimô, đã có lần nghe. Người ta kể lại rằng: Thánh Hiêrônimô cầu nguyện trong hang đá, ở rừng vắng. Ngài thấy Chúa Giêsu trên cây thánh giá, hiện ra trong một lùm cây. Chúa Giêsu hỏi: Hiêrônimô, con cầu nguyện, mà con dâng cho Cha sự gì? Hiêrônimô thưa lại: Lạy Chúa, con cầu nguyện và con dâng cho Chúa sự ăn chay của con bằng ấy ngày đêm con chưa ăn, chưa uống gì. Con xin dâng cho Chúa. Chúa Giêsu trả lời: Tốt lắm, nhưng còn gì để dâng cho Cha nữa không? Thánh Hiêrônimô trả lời: Thưa còn. Con dâng cho Chúa sự thinh lặng của con, con rút lui vào rừng vắng để không nói với ai, để không nghe ai, để không tiếp xúc với ai, chỉ nghe Chúa, chỉ nói với Chúa, chỉ sống với Chúa. Con xin dâng sự thinh lặng của con cho Chúa. Chúa Giêsu đáp: Tốt lắm. Nhưng con còn gì thêm để dâng cho Cha không? Thánh Hiêrônimô thưa: Còn. Bởi vì con mới dịch sách thánh, con xin dâng Chúa bản dịch sách thánh của con, với những mồ hôi vất vả của con cho Chúa. Chúa trả lời: Tốt lắm. Nhưng con còn cái gì nữa không để dâng cho Cha? Thánh Hiêrônimô lúng túng, và Chúa Giêsu trả lời: Con còn sự yếu đuối, tội lỗi của con, con hãy dâng sự yếu đuối, tội lỗi của con cho Cha.

Câu chuyện trên đây nhắc nhủ chúng ta rằng: Khi chúng ta cầu nguyện, không những chúng ta phải gặp Chúa với tâm hồn sống động, khiêm tốn, phó thác, chay tịnh, mà còn phải có tâm hồn sám hối. Sám hối về những tội lỗi của mình. Sám hối về những tội lỗi của những kẻ thuộc về mình. Sám hối về tất cả những tội lỗi trong nhân loại, trong Hội Thánh, trong cộng đoàn của mình. Nếu chúng ta biết cầu nguyện như vậy, thì Chúa Thánh Thần sẽ đến với chúng ta, sẽ đổi mới tâm hồn của chúng ta.

Tôi nhìn về tương lai gần và xa, tôi thấy sẽ có những bất ngờ xảy ra cho chúng ta, có những bất ngờ dễ chịu, và có những bất ngờ rất khó chịu. Hãy biết cầu nguyện ngay từ bây giờ, để khi chúng ta gặp những thử thách, những bất ngờ khó chịu xảy ra, chúng ta giữ vững đức tin cho mình và cho những kẻ thuộc về mình. Biết bao sự chúng ta đã thấy trong giây phút đã trở nên số không, trong giây phút đã đổ vỡ tan tành. Ðó là những kinh nghiệm về cuộc sống để chúng ta nhìn vào Chúa như một Ðấng Cứu Ðộ duy nhất mà chúng ta cần phải bám víu vào một cách tuyệt đối, một cách phó thác với tấm lòng sám hối, với tinh thần chay tịnh sống động và khiêm tốn.

Trong tinh thần đó, giờ đây, chúng ta cùng các em tuyên xưng đức tin, để xin Chúa Thánh thần đến với chúng ta.

Lễ Thêm Sức, Thánh Gia Thầy Ký ngày 25/02/1991