Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Hình Ảnh Ðức Mẹ Trong Tôi

Lc 1,26-36

Trong các loại lịch treo tường được bày bán đó đây, năm nay có “Lịch Công Giáo năm 1992”. Lịch treo tường này có 6 tờ, khổ lớn, mang 6 bức ảnh Ðức Mẹ. Ðức Mẹ của 6 bức ảnh này được vẽ theo hình dáng người phụ nữ Việt Nam. Rất nhiều người ưa chuộng những bức ảnh đó. Nhất là những người hâm mộ nghệ thuật. Nhưng cũng không ít người không thích những ảnh tượng đó. Lý do họ đưa ra là những ảnh đó không giống Ðức Mẹ.

Khi tôi nghe lý do họ đưa ra như vậy, thì tôi hiểu rằng những bức ảnh Ðức Mẹ được vẽ trên giấy đó, nó không hợp với hình ảnh Ðức Mẹ trong tâm hồn họ, không hợp với hình ảnh Ðức Mẹ đã được giữ trong bộ nhớ của họ, do tập truyền, do thói quen.

Khi nói rằng ảnh Ðức Mẹ không giống Ðức Mẹ thì có nghĩa là Ðức Mẹ ấy không giống như mình nghĩ, chứ không có nghĩa là những bức ảnh đó không giống như Ðức Mẹ thật, bằng xương bằng thịt, đã sống ở trần gian xưa, và nay ở trên trời. Bởi vì những người ấy, cũng như tôi, cũng như anh chị em, chẳng ai thấy Ðức Mẹ bằng xương bằng thịt bao giờ. Tôi cũng vậy, tôi chưa bao giờ thấy Ðức Mẹ thiệt bằng xương bằng thịt, tôi chỉ có hình ảnh Ðức Mẹ trong tôi. Và tôi xin chia sẻ với anh chị em hình ảnh Ðức Mẹ đó.

Hình ảnh Ðức Mẹ trong tôi mà tôi hằng ngày nhìn tới, và nhiều lần trong ngày nhìn tới, đó là hình ảnh Ðức Mẹ đang “Cầu cho tôi là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử”. Hình ảnh Ðức Mẹ ấy đã đến với tôi rất sớm, thuở bình sinh đời tôi. Khi cha mẹ tôi, gia đình tôi đọc kinh Mân Côi, khi tới kinh Kính Mừng “Thánh Maria”, thì tôi nghĩ đến một hình ảnh một Ðức Mẹ đang cầu cho tôi là kẻ có tội. Tôi chỉ nghĩ trống vậy. Và hình ảnh đó là hình ảnh sâu đậm nhất, bởi vì mỗi lần, mỗi ngày đọc kinh Kính Mừng, thì là mỗi lần như tô lại bức ảnh đó trong tôi thêm đậm, như là ghi tạc bức ảnh đó trong tôi cho sâu hơn. Ðức Mẹ đang cầu cho tôi là kẻ có tội, đó là bức ảnh trong tôi mà tôi ưa chuộng nhất.

Lý do thứ nhất là vì tôi thấy bức ảnh đó là do chính Hội Thánh trình bày. Những bức ảnh người ta vẽ về Ðức Mẹ trên giấy, trên ảnh, trên lịch, thì do các nghệ sĩ vẽ ra, nhưng hình ảnh Ðức Mẹ đang “Cầu cho tôi là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử” thì là do chính Hội Thánh trình bày và phổ biến trên khắp năm châu, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Tôi đã đi các nơi trong nước Việt Nam, cũng như bên ngoại quốc, những người văn minh, cũng như những người còn đang mở mang, khắp nơi, đều nhìn vào hình ảnh Hội Thánh đã trình bày đó là hình ảnh Ðức Mẹ “Cầu cho chúng ta là kẻ có tội”.

Lý do thứ hai khiến tôi ưa chuộng hình ảnh Ðức Mẹ đang “Cầu cho tôi là kẻ có tội”, là chính Chúa Kitô đã gợi ý vẽ nên bức ảnh đó.

Khi Chúa Giêsu trên thánh giá nói với Ðức Mẹ: “Ðây là con Mẹ”, và nói với thánh Gioan: “Ðây là Mẹ con”, thì Chúa Giêsu đã muốn cho chúng ta nhìn Ðức Mẹ như là người mẹ đang cầu xin cho các con mình là kẻ có tội. Chúa Giêsu muốn chúng ta nhìn Ðức Mẹ như là Ðấng đang cộng tác với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, để cứu độ nhân loại, trong đó, có chúng ta là kẻ có tội.

Lý do thứ ba khiến tôi ưa chuộng hình ảnh Ðức Mẹ “Cầu cho tôi là kẻ có tội” là vì chính Ðức Mẹ đã thường đưa ra những hình ảnh đó.

Mỗi lần hiện ra, hoặc là ở La Salette, hoặc là ở Fatima, hoặc là ở Lộ Ðức, bao giờ Ðức Mẹ cũng nhắn nhủ: “Mẹ cầu nguyện cho kẻ có tội. Chúng con hãy cầu nguyện cho được ơn trở lại. Và chúng con hãy cầu nguyện cho thế giới trở lại”. Như vậy, là Ðức Mẹ rất tha thiết với hình ảnh: Ðức Mẹ cầu cho chúng ta là kẻ có tội.

Lý do thứ tư khiến tôi rất ưa chuộng hình ảnh đó, là hình ảnh đó hợp với thực tế.

Thực tế rõ ràng nhất, áp đảo nhất, trở thành một chân lý đúng nhất, đó là chúng ta là kẻ có tội. Không cách này thì cách khác, không nhiều thì ít, chúng ta hết thảy đều là kẻ có tội, như mỗi ngày chúng ta đọc kinh Cáo Mình trước thánh lễ.

Và một thực tế khác cũng rất rõ ràng: Ðó là chúng ta rất yếu đuối. Chúng ta biết mình tội lỗi, muốn cải thiện để trở nên thánh thiện, nhưng chúng ta không làm được tự sức mình. Chúng ta muốn có một trái tim mới trong trắng, đẹp đẽ, quảng đại, nhưng tự sức mình không đổi được trái tim vốn có của mình. Chúng ta muốn trở nên con người có tính tình khác, đẹp đẽ hơn, dễ chịu hơn, nhưng ta phải gánh chịu tính tình tự nhiên của mình như một thập giá, Chúa đặt trên vai, không đổi được tự sức mình. Cho nên phải cầu xin Ðức Mẹ là Ðấng đã cầu cho chúng ta là kẻ có tội, bởi vì Ðức Mẹ rất yêu thương chúng ta, và rất có quyền thế, uy tín trước mặt Thiên Chúa.

Vậy, nếu hình ảnh Ðức Mẹ đang cầu cho ta là kẻ có tội, là một hình ảnh có nền tảng Kinh Thánh, nền tảng Hội Thánh, nền tảng thực tế, thì mỗi khi chúng ta mừng lễ kính Ðức Mẹ, bất cứ dưới tước hiệu nào, chúng ta đừng quên đi vào một kết luận là: Hãy nhìn vào Ðức Mẹ “Ðang cầu cho ta là kẻ có tội”, để rồi xin Ðức Mẹ cầu nguyện cho ta đổi mới tâm hồn trở về với Chúa. Chẳng hạn hôm nay, lễ kính Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta có thể suy gẫm ơn vô nhiễm của Ðức Mẹ, chúng ta có thể tìm hiểu lý do tại sao Chúa ban ơn vô nhiễm cho Ðức Mẹ, nhưng điều cần thiết nhất, điều lợi ích nhất đó là: Hãy xin Ðức Mẹ Vô Nhiễm cầu cho ta là kẻ có tội.

Cách đây hai năm cũng trong ngày lễ kính Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, tôi làm lễ ở hang đá Lộ Ðức bên Pháp. Khi tôi đọc bài lễ dành cho bàn thờ trước hang Lộ Ðức, tôi thấy bài lễ đó có nội dung kêu gọi người ta trở về với Chúa, bài đọc cũng vậy, Phúc Âm cũng vậy, lời nguyện cũng vậy, thì tôi hiểu rằng, sự trở về với Chúa, sự xin Ðức Mẹ cầu bầu cho ta là kẻ có tội được bỏ đàng tội, chính là cách ngợi khen Thiên Chúa tốt nhất, đó là của lễ đẹp nhất chúng ta dâng lên Thiên Chúa, đó là lời tạ ơn tốt nhất chúng ta dâng lên Thiên Chúa, đó là cách truyền giáo có hiệu nghiệm nhất, chúng ta có thể làm trong thời điểm hôm nay.

Ðức Mẹ cầu cho chúng con là kẻ có tội”. Tôi nghĩ đây là lời nguyện của thế kỷ XX, thế kỷ của chúng ta. Bởi vì, chúng ta đang chứng kiến sự sa sút về đàng đạo đức, trong đạo, ngoài đời. Chúng ta đang chứng kiến những cảnh trong gia đình, ngoài xã hội xào xáo nhau, sống bất hòa với nhau. Chúng ta đang nghe tiếng gọi đau đớn của Ðức Giáo Hoàng, trước cảnh những nước có đạo bỏ Hội Thánh ra đi, chạy theo những cái hưởng thụ thế trần. Hãy xin Ðức Mẹ cầu cho chúng ta, cầu cho Hội Thánh, cầu cho nhân loại là kẻ có tội. Tôi nói là: Ðây là lời cầu của thế kỷ XX, đây là một lời cầu Chúa muốn chúng ta đọc hằng ngày. Và đây là một lời cầu dễ dàng nhất, ai cũng có thể cầu nguyện được.

Trong thánh lễ hôm nay, khi hướng về Ðức mẹ, tôi vẫn nhìn thấy hình ảnh Ðức Mẹ đang cầu nguyện cho tôi, cho anh chị em, cho Hội Thánh ta, cho Ðất Nước ta, được thoát những tội lỗi và những kết quả của tội lỗi.

Xin Chúa Thánh Thần đổi mới tâm hồn chúng ta và giúp cho chúng ta, từ nay có một quyết tâm trông cậy với Ðức Mẹ nhiều hơn, và với một quyết tâm trở về với Chúa một cách thành thực hơn, để tạ ơn Chúa, để làm việc truyền giáo một cách hữu hiệu hơn. Amen.

Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Thêm sức,
Tham Buôn, ngày 9/12/1991