Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Từ Bỏ Mình

Mt 16,24-27

Chúng ta đang chứng kiến hậu quả của nạn lụt: Nhiều đồng lúa bị tràn ngập, nhiều nhà cửa bị hư hại, nhiều quãng đường bị lở, lún, nhiều vườn cây ăn trái bị chết khô, chết trụi, chết thối. Cảnh lụt này, gợi cho tôi nhớ tới cảnh lụt khác, một cảnh lụt vô hình đang tràn vào xã hội, đi vào từng thôn xóm, từng gia đình, vào từng cá nhân. Cảnh lụt vô hình ấy là những phong trào xấu của nền văn minh vật chất.

Công bình mà nói, thì nền văn minh vật chất có những giá trị rất tốt, có những khả năng tích cực để giúp cho cuộc sống đi lên, để giúp cho nền kinh tế phát triển. Nhưng cũng công bình mà nói, thì nền văn minh vật chất cũng mang theo nhiều khả năng tiêu cực, với nhiều cám dỗ đầy hấp dẫn lôi cuốn con người đến tội lỗi, đến suy đồi.

Tại nhiều nước trên thế giới, người ta phát triển học thức trước cho thật cao, người ta phát triển nền đạo đức trước cho thật trưởng thành, rồi người ta mới phát triển nền văn minh vật chất. Hoặc là, người ta phát triển nền văn minh vật chất, đồng thời với việc phát triển nền học thức và nền đạo đức. Với cách phát triển như vậy, con người đủ sáng suốt, đủ trưởng thành, đủ mạnh, để điều khiển nền văn minh vật chất, và làm chủ nền văn minh vật chất, không để cho nền văn minh vật chất nô lệ hóa con người.

Còn tại nhiều nơi khác, người ta chỉ quan tâm phát triển nền văn minh vật chất, của cải mà không để ý phát triển nền học thức và nền đạo đức. Với cách phát triển như vậy, con người không đủ sáng suốt để phân biệt cái gì là phải, cái gì là hay, cái gì là trái, cái gì là giỏi. Và nhất là không đủ nền đạo đức mạnh, trưởng thành, để chối bỏ những cái xấu và đón nhận những cái tốt. Tôi lo sợ Việt Nam ta sẽ rơi vào tình trạng tôi vừa nói.

Tôi lo sợ vì nhiều lý do. Một trong những lý do ấy là hiện nay, tình hình học vấn đang xuống cấp, tình trạng đạo đức cũng đang xuống cấp. Ðang khi đó thì lại mở ra một cách không tổ chức những phong trào của nền văn minh vật chất. Tôi lo rằng, một ngày nào đó, những phong trào xấu của nền văn minh vật chất như một nạn lụt tràn tới, thấm nhập vào con người, thấm nhập vào nếp sống, sẽ làm cho tòa nhà thiêng liêng của chúng ta sẽ rạn nứt đến chỗ đổ vỡ.

Chúng ta thấy nhà thờ chúng ta, chúng ta thấy nhà xứ chúng ta, mặc dầu đã được xây một cách tương đối kiên cố, nhưng hôm nay đã có biết bao nhiêu rạn nứt. Những rạn nứt có thể không sửa chữa được. Hình ảnh những rạn nứt ấy loan báo cho tôi hình ảnh những tòa nhà Giáo Hội tương lai cũng sẽ bị rạn nứt, nếu hôm nay không được xây dựng trên nền tảng thật chắc thì trong một nạn lụt của nền văn minh vật chất tràn vào, ngấm lâu, chắc chắn sẽ bị rạn nứt.

Tôi thấy nhiều nơi đã ý thức được nguy cơ đó, nên đã chuẩn bị cho giáo đoàn của mình. Thí dụ ở đây, cha xứ cũng như cha phó và anh chị em, đã có nhiều sáng kiến tốt như sinh hoạt bí tích, sinh hoạt giáo lý, sinh hoạt xã hội, sinh hoạt trong toàn thể dân Chúa, sinh hoạt cho từng giới, từng đoàn thể.

Ðó là những sáng kiến tốt cần có, nên có, để lời Chúa thấm nhập vào tâm hồn con người, và lời Chúa thấm nhập vào mặt bằng xã hội địa phương.

Tuy nhiên, có một điều tôi thấy cần nhắc tới đây, trong sự chuẩn bị cho tình hình đối phó với nền văn minh vật chất, đó là sự biết quên mình.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh đề cao sự quên mình: “Ai không từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Ta, sẽ không xứng đáng làm môn đệ của Ta”. Chúa đòi sự quên mình, như là một điều kiện của người môn đệ Chúa, và Chúa đòi một cách quyết liệt: “Ai không từ bỏ mình, không xứng đáng là môn đệ của Ta”. Ðiều kiện Phúc Âm này, cần cho mọi hoàn cảnh, và càng cần cho hoàn cảnh sống trong nền văn minh vật chất.

Kinh nghiệm cho thấy rằng, trong nền văn minh vật chất, có những người giàu, có chức vị, có tiền của, có nhiều phương tiện, nhờ có tinh thần từ bỏ mình, quên mình, đã biết lợi dụng những cái đó, để làm ích cho kẻ khác, để xây dựng công ích, để mở nước Chúa. Trái lại cũng trong hoàn cảnh như vậy, kẻ không có tinh thần từ bỏ mình, quên mình, thì đã lợi dụng của cải tiền bạc, tự do, tiện nghi, để hưởng thụ cho chính bản thân mình, đã không làm lợi cho kẻ khác, cho Hội Thánh, cho đồng bào, cho Ðất Nước.

Quên mình là một điều khó. Không phải chỉ đọc kinh nhiều, đi lễ hằng ngày là ta sẽ có tinh thần từ bỏ mình, mà còn phải tập luyện bằng các việc làm cụ thể, nhất là những việc bác ái, những việc từ thiện, những việc thuộc bổn phận mình. Cộng vào đó, là hãy năng suy gẫm lời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu trên cây thánh giá đây, quên mình vì yêu thương. Chúa Giêsu trong nhà nguyện này quên mình vì yêu thương. Một khi chúng ta năng suy gẫm về Chúa như vậy, thì chúng ta mới có thể biết quên mình, trong những trường hợp đầy cám dỗ, đầy hấp dẫn lôi cuốn ta hưởng thụ.

Anh chị em thân mến, nhận thức trên đây cho ta thấy: Hiện nay cái đang làm suy yếu đức tin, và có thể làm cho mất đức tin, không phải là cảnh nghèo, cảnh hạn hẹp về tự do, cảnh bách hại đạo, mà là của cải, mà là sự có quá nhiều tự do, là sự được kính nể trong xã hội.

Tất cả những cạm bẫy gài trong nền văn minh vật chất, nó ngọt ngào lắm, nó hấp dẫn lắm, nó có sức lôi cuốn lắm, chứ nó không phải cay đắng gì, không phải khổ cực gì. Chính những cạm bẫy ấy sẽ làm suy yếu đức tin, sẽ làm hủy bỏ đức tin. Trong một tình hình như vậy, tôi xin anh chị em hãy sáng suốt nhìn vào tương lai bản thân mình, con cháu mình, mà lo luyện tập ngay từ bây giờ, cho đời sống mình có một nền tảng Phúc Âm thật vững.

Nền tảng đạo đức Phúc Âm là mến Chúa hết sức, hết linh hồn mình. Và nền tảng đạo đức Phúc Âm là yêu thương người khác như chính mình. Hãy tập quen điều đó.

Hãy đòi hỏi cho mình điều đó. Hãy tập cho con em mình điều đó. Tôi nhắc lại, nhất là vấn đề bác ái. Chúng ta sẽ bị thử thách rất nhiều về bác ái, trong hoàn cảnh mới của Ðất Nước mình. Nếu chúng ta chỉ đạo đức bên ngoài, đạo đức khuôn khổ, tôi sợ rằng thiếu đạo đức Phúc Âm, chúng ta sẽ bị suy yếu về đức tin, về nền đạo đức.

Xin Chúa Thánh Thần, hôm nay sẽ đến với chúng ta, từng người, đặc biệt là đến với con em chúng ta, ban cho chúng ta được khôn ngoan để nhìn thấy trước hình ảnh tương lai của Giáo Hội, với những cái hay, và với những nguy cơ, với những cách để đối phó với những nguy cơ đó, và phát triển những cơ may sẽ đến. Hãy cậy vào khôn ngoan của Chúa Thánh Linh, và Chúa Thánh Linh chỉ đến với chúng ta, khi chúng ta biết cởi mở, khiêm tốn, cậy trông. Có nhiều điều Chúa chỉ mặc khải cho những kẻ đơn sơ bé mọn, có đời sống nội tâm có đời sống vị tha quên mình.

Lạy Chúa Thánh Linh, xin đến cải thiện đổi mới đời sống tâm hồn chúng con. Amen.

Lễ Thêm Sức, Tân Thành (kinh 4b) ngày 22/11/1991