Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Tinh Thần Thực Dụng

Mt 20,25-28

Từ chiều qua đến nay nhiều anh chị em đã kể lại cho tôi những hậu quả của cơn lụt vừa qua. Hậu quả trên đồng lúa, hậu quả trên nhà cửa, hậu quả trên vườn tược, đường xá. Và chính mắt tôi cũng còn trong thấy những tai hại do lũ lụt gây ra. Hình ảnh trên đây gợi ý cho tôi nghĩ tới một cơn lụt khác, một cơn lụt vô hình đang tràn vào Việt Nam nói chung, và con người có đạo nói riêng. Cơn lụt đó là tinh thần thực dụng do nền văn minh vật chất đưa đến.

Công bình mà nói thì nền văn minh vật chất cũng có nhiều giá trị cao quý, cũng có nhiều khả năng tích cực, giúp cho đời sống con người, nhất là nền kinh tế đi lên. Nhưng cũng phải công bình mà nói, thì nền văn minh vật chất cũng mang theo rất nhiều cám dỗ, rất hấp dẫn, có khả năng phá hủy đức tin.

Một trong những nguy cơ đó là tinh thần thực dụng. Tinh thần thực dụng là gì?

Nói một cách bình dân là thói quen đánh giá các sự việc theo cái lợi vật chất trước mắt. Nếu tinh thần thực dụng như vậy tràn vào tâm hồn con người thấm vào lương tâm con người, thống trị não trạng con người thì không sớm thì muộn, các giá trị đức tin sẽ bị yếu đi, sẽ bị tàn phá, sẽ bị xuống cấp. Tôi thí dụ trường hợp Tám Mối Phúc Thật.

Sở dĩ tám cái khó sinh ra Tám Mối Phúc Thật, là vì ta tin vào lời Chúa, và nhờ đức tin mà thấy được hạnh phúc đời sau đàng xa. Nếu bây giờ theo tinh thần thực dụng, chỉ nhìn cái lợi vật chất trước mặt thì không còn gì là Tám Mối Phúc Thật nữa. Ðọc lên để mà đọc thôi, như thế là một mớ lý thuyết trên bầu trời lý tưởng xa vời. Còn thực tế, chẳng mấy ai coi cái nhịn nhục, cái nghèo khó, sự hòa thuận, sự bắt bớ vì lẽ ngay là hạnh phúc.

Cũng do tinh thần thực dụng đang tràn lan, tôi thấy nhiều nơi bỏ đi lễ, bỏ học giáo lý, bỏ học ở trường, bỏ tham gia xây dựng họ đạo, là bởi vì, càng mở ra, dễ làm giàu, càng có nhiều cơ hội hưởng thụ, thì vì tinh thần thực dụng tìm cái lợi trước mắt, người ta đã lơ là những bổn phận đức tin.

Trong mấy tuần qua, tôi gặp thấy mấy mẫu tin làm tôi lo buồn:

Mẫu tin thứ nhất là tin được loan đi trên đài truyền hình Việt Nam, cho biết theo thống kê thất học năm nay, thì số em bỏ học rất đông nhất là trong những vùng Thiên Chúa Giáo và vùng dân tộc ít người. Sở dĩ có như vậy, tôi nghĩ, cũng là vì tinh thần thực dụng bỏ học, chỉ vì tìm cái lợi trước mắt mà không nhìn cái lợi đàng xa.

Mẫu tin thứ hai đã được loan báo ở một nơi khác, báo Công Giáo, xuất bản tháng vừa rồi, cho biết tình trạng suy đồi của Giáo Hội Ba Lan, một Giáo Hội trước đây phồn thịnh nổi tiếng. Theo điều tra bây giờ, thì dưới thời Cộng Sản, số người Ba Lan đi lễ Chúa nhật có tới 98%. Bây giờ số người đi lễ Chúa nhật chỉ còn có 50%. Cách đây 2 năm, số người Công Giáo ủng hộ, tán thành, hoan nghênh những hoạt động các Ðức Giám Mục, các linh mục tại Ba Lan và vấn đề xã hội, cao tới 98%. Bây giờ số người Công Giáo ủng hộ hàng Giám Mục, linh mục xuống còn 28%. Nguyên do, cũng vì cái tinh thần thực dụng, chỉ chạy theo cái lợi của trước mắt, mà không nhìn theo cái nhìn của đức tin.

Mẫu tin thứ ba cũng được loan đi trên một tạp chí khác, Công Giáo và Giáo Hội Brasil (Nam Mỹ) cho biết chỉ trong mấy năm vừa qua, số người Công Giáo bỏ Hội Thánh lên tới gần một triệu, và một số giáo phái lên tới gần 250.

Dịp Ðức Thánh Cha thăm Brasil vừa qua, chính quyền cho các trường, các công sở được nghỉ, để đón và tham dự lễ Ðức Giáo Hoàng, nhưng người ta lợi dụng phép rộng ấy, để đi tắm biển hơn là đi dự lễ Ðức Thánh Cha.

Sự suy đồi ấy chứng tỏ, sức mạnh của tinh thần thực dụng. Người ta chỉ đi tìm cái lợi vật chất trước mắt.

Mẫu tin thứ tư được loan đi ở tạp chí Ðại Ðoàn Kết tuần vừa rồi cho biết, một địa phương Công Giáo gần thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng là lừa đảo, gian dối, trong vấn đề khai báo lập hồ sơ con lai. Cũng vì tinh thần thực dụng, chỉ ham cái lợi trước mắt, mà không để ý đến cái lợi của đức tin.

Trước tình hình này, tôi nghĩ rằng, những gì đã xảy ra ở các nơi khác, cũng có thể xảy ra ở địa phương ta, ở họ đạo ta.

Ðể đối phó với nguy cơ làm suy yếu đức tin, tôi xin nhắc nhở anh chị em hai điều này:

Ðiều thứ nhất tôi xin nhắc nhở là chúng ta hãy sống ơn tiên tri của dân Chúa. Ơn tiên tri của dân Chúa là dùng ơn đức tin, mà nhìn nhận những nguy cơ làm suy yếu đức tin, và nói lên những nguy cơ đó, để những người chung quanh biết mà đề phòng. Trong Cựu Ước, đã có nhiều tiên tri lên tiếng cảnh cáo báo động về nguy cơ sụp đổ lòng đạo. mặc dầu có một số người không tin, và mặc dầu giáo quyền bấy giờ phản đối vì tự ái, nhưng vẫn có một số người đã tin lời tiên tri để ăn năn sám hối, để cầu nguyện ăn chay, nhờ đó mà dân Chúa được cứu độ. Hôm nay, trước một viễn tượng có nguy cơ không phải là tưởng tượng, mà có thực, chúng ta cần phải sống ơn tiên tri của dân Chúa, để nhận rõ những nguy cơ cho đức tin, làm hại cho đức tin, và biết báo động cho người chung quanh, nhất là cho con em của mình.

Chúng ta đừng để cho con em chúng ta, cho những người chung quanh, và cho chính mình trở thành những con thiêu thân, hễ thấy ánh đèn là bay tới, để tự vận đức tin. Hãy có một sự sáng suốt trong đức tin.

Ðiều thứ hai tôi muốn nhắc nhở anh chị em trong lúc này, là hãy tích cực xây dựng Hội Thánh nói chung và cho giáo xứ của chúng ta nói riêng, bằng cách làm cho cộng đoàn ta, cá nhân ta trở thành những người có thiện chí phục vụ. Phục vụ Hội Thánh và phục vụ Ðất Nước.

Như chúng ta đang thấy, lịch sử bây giờ đánh giá Hội Thánh, đánh giá một cộng đoàn, đánh giá một cá nhân, theo tiêu chuẩn phục vụ. Người tốt là người có thiện chí phục vụ, có khả năng phục vụ.

Muốn có khả năng thiện chí phục vụ, chúng ta cần tập quên mình và biết nhạy bén. Muốn có khả năng phục vụ, chúng ta cần phải mở rộng học thức, đào sâu kiến thức. Muốn có khả năng phục vụ chúng ta cũng cần xây dựng đạo đức.

Và trong việc xây dựng đạo đức, tôi xin nhắc điều này: Là xây dựng một nền đạo đức dựa trên lời Chúa, hơn là dựa trên tập truyền. Một nền đạo đức có cái nhìn đức tin trong sáng, chứ không phải nhìn theo cái cảm tính tự nhiên của mình. Một nền đạo đức, thao thức đón nhận Chúa Kitô, chứ không phải thao thức chấp nhận những giáo lý, hay là những tục lệ xưa, những hình thức rầm rộ bên ngoài.

Khi bước chân vào nhà thờ này lúc nãy, tôi nghe các em hát: “Chúa là hạnh phúc của con, Chúa là hoan lạc đời con”. Khi nghe lời đó, tôi cầu nguyện với Chúa rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa đến với chúng con, trong những điều kiện bắt chúng con phải vác thánh giá theo Chúa, với những điều kiện đòi chúng con phải đóng đinh mình vào bổn phận, với những điều kiện đòi chúng con phải sống đơn sơ bé nhỏ như tấm bánh trong nhà chầu, thì những lúc ấy xin Chúa ban cho chúng con một đức tin rất mạnh, để chúng con vẫn nhìn Chúa là hạnh phúc của con, Chúa là hoan lạc đời con. Vì những lúc ấy, chỉ có một đức tin thật mạnh mới có thể thấy Chúa là hạnh phúc, mới nhìn thấy Chúa là hoan lạc, chứ còn bình thường, theo tinh thần thực dụng bây giờ, người ta chỉ nhìn thấy Chúa trong những hào nhoáng, trong những thành công, trong những đẹp đẽ bề ngoài, chứ không theo đức tin trong sáng, đích thực.

Trong lễ hôm nay, chúng ta xin Chúa Thánh Thần thêm ơn cho chúng ta có một đức tin trong sáng, vững mạnh. Nhờ đức tin ấy mà chúng ta mới có thể nhìn thấy Chúa là hạnh phúc, là hoan lạc, mặc dù cuộc đời có đầy gian truân, có đầy thử thách. Và nhất là cái thử thách ngọt ngào của nền văn minh vật chất, của cái não trạng thực dụng, sẽ là cái thử thách rất nặng, rất cam go, khó mà cưỡng được, nếu không có một đức tin mạnh.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Chúa thương đến trong lòng chúng con. Amen.

Lễ Thêm Sức, Châu Long Kênh F1 ngày 27/11/1991