Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Cầu Nguyện Tự Phát

Ga 16,5b-14a

Cách đây một tuần, tức là ngày rằm tháng giêng này, tôi đang ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong ngày đó, tôi có nhiều công việc phải di chuyển từ phố này sang phố khác, từ quận này sang quận khác, từ nội thành ra ngoại ô rồi từ ngoại ô trở về nội thành. Trên các đường tôi đi, tôi nhận thấy một sự kiện lạ lùng, đó là rất đông người đi chùa cầu nguyện. Những đám đông chen chúc nối đuôi nhau, như một dòng thác người đổ về những nơi thờ tự.

Cảnh đó làm cho tôi nhớ lại hiện tượng cầu nguyện trong những ngày đầu năm. Tôi nhận thấy những người đi cầu nguyện, không phải chỉ là những người lớn tuổi, nghèo túng, mà đa số là giới trẻ có học, có văn minh. Tôi nhận ra, đây là một hiện tượng tâm lý xã hội có ý nghĩa. Và nhất là tôi nhìn hiện tượng cầu nguyện đó, như là một dấu chỉ thời đại, nói lên sự thức tỉnh của lương tâm quần chúng hôm nay. Sự thức tỉnh ấy là tự phát, do yêu cầu nội tâm, do sự khát vọng sâu xa của đáy lòng. Sự thức tỉnh này, có hồn nhiên nhưng đẹp đẽ, nó âm thầm nhưng mạnh mẽ. Sự thức tỉnh của quần chúng Việt Nam hôm nay, về lương tâm Công Giáo, về lương tâm tôn giáo, có thể nói là một hiện tượng sâu sắc, mạng mẽ, một sự bùng nổ mà không ai cản được, bởi vì nó được thúc đẩy bởi một sức mạnh thiêng liêng vô hình.

Ðứng trước một cảnh tượng tôi cho là bùng nổ về lương tâm cầu nguyện, tôi sực nhớ tới lời Chúa Giêsu phán trong bài Phúc Âm hôm nay: “Thầy nói thật với các con, nếu Thầy ở lại với các con, thì các con không có lợi cho bằng Thầy đi khỏi các con. Bởi vì, khi Thầy đi rồi, Thầy sẽ sai Thánh Thần đến, và Thánh Thần của Thầy sẽ dạy các con nhiều sự thật”. Sự thật mà Chúa Thánh Thần dạy tôi, qua hiện tượng tự phát của người Việt Nam hôm nay, đó là: Sự cầu nguyện là một việc dễ dàng, đơn giản, sâu đậm, nhưng rất quan trọng, và rất cần thiết cho con người trong chương trình cứu độ.

Nếu tôn giáo được tổ chức đầy đủ, với trên dưới đàng hoàng, với những chương trình giờ giấc khít khao nhất định, với những công thức chặt chẽ nhất định, thì chưa chắc gì, chưa dễ gì đã mọc lên được phong trào quần chúng cầu nguyện tự phát như hôm nay. Mà biết đâu cơ chế ấy lại ngăn cản, dập tắt phong trào cầu nguyện tự phát lương tâm quần chúng. Cầu nguyện như tôi vừa nói là một việc dễ dàng, đơn giản, sâu đậm, nhưng lại là một bước quan trọng để chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ do Chúa Thánh Linh làm nên. Vì thế, cần phải để ý đến sự cầu nguyện.

Ðiếu đó, tôi đọc thấy rõ ràng trong Phúc Âm. Người kẻ trộm bên tả Chúa Kitô, và người kẻ trộm bên hữu Chúa Kitô, Cũng có những hoàn cảnh như nhau nhưng kẻ trộm bên hữu Chúa thì được cứu rỗi, bởi vì ông đã cầu nguyện. Mà chắc chắn, ông ta không phải là loại người thuộc giáo lý, hiểu biết lý thuyết về đạo, nhưng vì ông ta tin, và cầu nguyện với lòng tin tự phát, hồn nhiên, chân thành, khiêm tốn, tự đáy lòng mình, nên ông đã được ơn cứu độ.

Rồi người thu thuế cầu nguyện cuối nhà thờ, mà trong Phúc Âm nói là ông đã được ơn cứu rỗi, thì cũng vậy ông được ơn cứu độ nhờ cầu nguyện. Mà chắc chắn, ông ta không phải là loại người biết đạo nhiều lắm, là những người thuộc giáo lý, là những người hiểu sâu về lý thuyết tôn giáo, nhưng ông là người tin, tin vào lòng thương xót Chúa, và ông ta cầu nguyện, dựa theo niềm tin của mình, tự đáy lòng khiêm tốn, chỉ một lời: Xin Chúa thương xót đến con. Và ông ta đã được cứu rỗi.

Những sự kiện trên đây giúp chúng ta thấy rằng, dù ở trong hoàn cảnh nào, có nhà thờ, hay không có nhà thờ, có cha thầy hay không có cha thầy, có lễ lạc hay không có lễ lạc, việc cầu nguyện là việc đơn giản nhất, sơ đẳng nhất, dễ dàng nhất, ta cần phải làm, dù không thuộc kinh, dù không biết gì giáo lý, nhưng hãy cầu nguyện theo lòng của mình.

Tôi thấy Chúa Kitô trong Phúc Âm đã làm gương cho tôi về sự cầu nguyện hồn nhiên: Ngay khi Ngài cảm thấy đau khổ, Ngài cũng chỉ nói rằng: “Lạy Cha sao Cha bỏ con”. Ðơn sơ chỉ có vậy thôi, nhưng đó là lời cầu nguyện tự phát hồn nhiên, khiêm tốn phó thác. Một lời cầu nguyện như vậy, đúng là một sự gặp gỡ Chúa và chính là ơn cứu độ.

Ðứng trước phong trào đang bùng nổ về cầu nguyện tràn lan khắp những người ngoài Hội Thánh Công Giáo, chúng ta, những người biết Chúa càng cần phải để ý hơn đến sự cầu nguyện hôm nay. Hãy cầu nguyện với kinh mà chúng ta thuộc, với lễ nghi mà chúng ta dự, với cộng đoàn mà chúng ta thuộc về. Thế nhưng đừng chỉ căn cứ quá vào những thói quen đó, nhưng hãy tập quen cầu nguyện một mình, tự phát với Chúa. Tôi đi đường, không có nhà thờ, không có lễ lạc, tôi vẫn cầu nguyện âm thầm với Chúa. Ði qua cánh đồng tôi nhìn cánh đồng, tôi cầu nguyện cho những người nông dân đang làm ruộng. Tôi đi qua chợ thấy bà con buôn bán, tôi cầu nguyện với Chúa cho họ. Biết bao cảnh gợi ý cho chúng ta cầu nguyện.

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa, và cầu nguyện là mở tâm hồn mình ra về phía kẻ khác. Cầu nguyện tự phát, đây cũng là điều tôi muốn nhắn nhủ họ đạo anh chị em, trong khi không có cha thầy thường xuyên ở với. Các bậc làm cha mẹ, những người lớn phải tập cho con em mình biết cầu nguyện. Sự cầu nguyện như tôi vừa nói, tôi đoan chắc với anh chị em, là anh chị em sẽ được cứu độ. Nếu anh chị em không được bằng những nơi khác về vấn đề học giáo lý, lui tới bí tích, đi nhà thờ, nhưng nếu anh chị em trung thành với sự cầu nguyện như tôi vừa nói, tôi đoan chắc với anh chị em là anh chị em sẽ được cứu độ. Chúa rất công bằng, Chúa rất thương xót, Ngài chỉ đòi tấm lòng của anh chị em. Anh chị em có thế nào, hãy nói với Chúa như vậy. Khi được may mắn hãy chúc tụng tạ ơn Chúa. Khi đau khổ hãy nói lên cái đau khổ của mình với Chúa. Khi tội lỗi, rối rắm hãy nói lên hoàn cảnh yếu đuối của mình với Chúa. Mình là con, Chúa là Cha, Cha thương con. Hãy tin tưởng như vậy trong sự cầu nguyện, rồi chúng ta sẽ thấy, Chúa là Ðấng Cứu Ðộ, sẽ đem lại bình an cho chúng ta. Sau cùng Chúa là Ðấng Cứu Ðộ sẽ đón chúng ta trong thế giới bên kia, để đem lại hạnh phúc muôn đời cho chúng ta.

Trong niềm hy vọng đó, ngay hôm nay, bây giờ, chúng ta cùng các em tuyên xưng đức tin.

Lễ Thêm Sức, kinh Tràm ngày 16/3/1991