Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1991
 

Ðấng Cứu Ðộ Giàu Lòng Thương Xót

Lễ thánh Giuse thợ 1/5; Mt 13,54-58

Nghe xong bài Phúc Âm hôm nay, tôi đã nói với thánh sử Matthêu rằng: Bài này viết về Chúa Giêsu hôm nay, có vẻ hơi ảm đạm. Ảm đạm ở chổ Ngài thuật lại sự những người đồng hương của Chúa đã khinh dễ coi thường, chống đối Chúa. Những chuyện như vậy, tuy có thật, thiết tưởng cũng không nên viết ra, vì có khả năng làm giảm uy tín của Chúa.

Tôi nói với thánh sử như vậy. Tôi không thấy thánh sử trả lời tôi trực tiếp, nhưng gián tiếp. Bởi vì, sau ít phút suy gẫm tôi đã thấy rằng: Những dòng mà trước đó tôi cho là ảm đạm, có khả năng làm giảm uy tín Chúa Giêsu, thực ra đã làm cho tôi càng thương mến Chúa Giêsu nhiều hơn, và càng làm cho tôi tin rằng: Chúa Giêsu của tôi đúng là Ðấng chăn chiên lành, đúng là Ðấng cứu độ giàu lòng thương xót.

Thực vậy, Chúa Giêsu đã biết và biết rất rõ những kẻ không tin Ngài, những kẻ xa tránh Ngài, những kẻ ác cảm với Ngài. Họ là một số rất đông, nhưng Chúa Giêsu vẫn nhìn họ tất cả, đều thuộc về đoàn chiên của Người một cách nào đó. Chúa thương họ, và hơn nữa Chúa còn dành cho họ một tình thương đầy nhân ái đặc biệt. Tình xót thương này được Chúa nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Chẳng hạn Chúa nói: “Không phải những người khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà là những người đau bệnh”.

Anh chị em hãy suy gẫm ý nghĩa câu nói này: “Ta muốn lòng thương xót, chứ không phải lễ vật hy sinh”..."Ta đến không cho người công chính, mà đến cho người tội lỗi”.

Tình xót thương ấy quả là lớn lao, quả là lạ lùng. Và tình xót thương ấy không phải là một tình yêu tĩnh, mà là một tình yêu năng động. Cái năng động ấy, được diễn tả một cách cảm động trong dụ ngôn “Người chủ chiên nhân lành bỏ lại 99 con chiên ở nhà, để lặn lội đi tìm một con chiên lạc, và khi đã tìm được, Ngài ưu ái vác con chiên ấy trên vai mình”.

Xa hơn nữa, tình xót thương của Chúa Kitô Ðấng chăn chiên lành, được tỏ hiện rõ ràng trong sự Ngài tha thứ, quảng đại. Chúa phán: “Ta đến không phải chỉ xét xử thế gian, nhưng đến để cứu độ thế gian”. Cứu độ trước tiên là tha thứ, và Ngài đã tha thứ quảng đại. Như trong trường hợp tha thứ cho người đàn bà ngoại tình, cho người con phung phá, cho Phêrô phản bội, cho người trộm bên hữu Chúa. Và sự tha đẹp nhất là ở trên cây thánh giá, khi Chúa Giêsu nói lần cuối, hướng về những kẻ bắt hại Người: “Lạy Cha, xin tha tội cho họ, vì họ lầm không biết”.

Tôi không nghĩ rằng: Lòng quảng đại của Chúa Giêsu, Ðấng chăn chiên lành sẽ làm chúng ta coi thường Chúa, và làm suy giảm uy tín của Chúa. Trái lại là đàng khác, như lời Hội Thánh đã nói với Chúa trong kinh nguyện ngày Chủ Nhật 26: “Lạy Chúa, Chúa hãy tỏ uy quyền Chúa ra, nhất là trong sự tha thứ và thương xót”.

Thú thực, đối với tôi, sức mạnh lớn nhất đã lôi cuốn tôi về với Chúa thường xuyên chính là lòng xót thương vô bờ của Chúa. Và đối với tôi, hình ảnh Chúa hấp dẫn nhất, đó là hình ảnh Chúa gánh tội cho tôi, đền tội cho tôi, tha tội cho tôi, xóa tội cho tôi. Cho tôi, cho Hội Thánh của tôi, cho nhân loại của tôi.

Từ kinh nghiệm bản thân của tôi, và dựa trên Kinh Thánh, tôi tha thiết cầu mong cho mọi linh mục của Chúa, được trở thành những địa chỉ tình thương: Tình thương của Chúa chiên lành, tình thương của Chúa Kitô cứu độ, giàu lòng thương xót. Tạo được những địa chỉ tình thương này, người ta sẽ nghe được những lời ca tụng lòng thương xót Chúa: Chúa đã xót thương đoàn chiên, xót thương nhân loại, và xót thương chính bản thân các linh mục. Bởi vì, thật sự hằng ngày, chính Chúa vẫn xót thương, vẫn cứu độ các Ngài, hằng ngày vẫn bênh vực bảo trợ các Ngài.

Và tại những địa chỉ tình thương ấy, người ta sẽ cảm thấy được phần nào sự êm đềm của lòng thông cảm, lòng thông cảm của Ðấng chăn chiên lành, như lời thánh Phaolô đã nói về các linh mục: “Các vị thượng tế hãy có lòng thông cảm, với những người tội lỗi lầm lạc. Bởi vì, chính các Ngài cũng lâm vào cảnh yếu đuối tứ bề!”.

Tại những địa chỉ tình thương ấy, người ta sẽ cảm thấy có một sự thu hút nào đó, do lòng thương xót của Chúa Kitô, như lời thánh Phaolô đã viết về mình: “Tôi tự do, nhưng tôi đành làm nô lệ cho mọi người, để thu hút những người nô lệ về với Chúa. Tôi trở nên đau bệnh với những người đau bệnh, để thu hút những người đau bệnh về với Chúa. Tôi trở nên tất cả cho mọi người, tôi làm tất cả vì phần rỗi anh em, vì Phúc Âm”.

Tại những địa chỉ tình thương ấy, người ta sẽ cảm nghiệm được mối tình sâu sắc giữa linh mục và Chúa Kitô, Ðấng chăn chiên lành. Một mối tình thân mật, khắng khít, như Chúa Giêsu đã nói: “Chúng con hãy ở trong Thầy, không có Thầy, chúng con không làm gì được... Thầy là cây nho, chúng con là cành. Cành nào kết hiệp mật thiết với thân cây thì sẽ sinh nhiều hoa trái”.

Anh chị em thân mến,

Trước nhà xứ hôm nay, tôi thấy một tấm bảng xanh, mang hàng chữ đỏ: “Hoan hô Chúa chiên lành”. Tấm bảng xanh ấy, hàng chữ đỏ ấy gợi lên trong tôi mối lạc quan và niềm hy vọng. Tôi cho đó là một lý tưởng đẹp.

Chớ gì nhà xứ sẽ là một địa chỉ tình thương. Và Cha linh mục trong nhà xứ ấy, sẽ là địa chỉ tình thương của trái tim Ðấng chăn chiên lành. Tôi cầu chúc điều ấy cho Cha Giuse, người mừng Ngân Khánh hôm nay.

Tôi xin mọi người chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả chúng tôi nói chung, và cho linh mục mừng lễ Ngân Khánh hôm nay, được đạt tới lý tưởng đó, trở thành địa chỉ tình thương của trái tim Ðấng chăn chiên lành. Ðịa chỉ tình thương của Chúa Kitô cứu độ, giàu lòng thương xót. Amen.

Ngân Khánh linh mục cha Giuse Nguyễn Khắc Nghiêm,
Tân Chu ngày 10/5/1991