Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Những đối thoại

 

Giữa tháng 02/2009 này, Phái đoàn Toà Thánh sẽ sang Việt Nam. Ðược biết đây là tổ hỗn hợp của Toà Thánh sẽ gặp tổ hỗn hợp của Việt Nam, để làm việc về vấn đề thiết lập bang giao.

Ðối với tôi, đây là sự kiện hứa hẹn mừng vui và hy vọng. Người ta có quyền coi đây là một dấu hiệu tích cực cho những bước đầu của một lộ trình dài.

Ðối với những người canh thức của Nước Trời, thì sự kiện này không xảy tới lẻ loi, nhưng xen kẽ vào nhiều vui mừng và hy vọng đang có tại Việt Nam hôm nay. Ðối thoại sắp tới chỉ là một sự kiện nổi. Còn có nhiều đối thoại khác đang hằng ngày diễn ra âm thầm, mà hiệu quả thì rất lớn.

Ở đây, tôi xin phép nhắc tới vài đối thoại âm thầm.

 1/ Ðối thoại bằng đời sống phục vụ

Tại Việt Nam hôm nay, Giáo Hội chú ý nhiều đến phục vụ yêu thương. Nhiều cá nhân và nhiều cộng đoàn đã và đang thực hiện tốt sứ vụ đó. Những việc phục vụ và đời sống yêu thương, tự nó sẽ là những tiếng nói. Tiếng nói tuy âm thầm, nhưng đầy thuyết phục.

Xưa, thánh Gioan Baotixita sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu xem Người có phải là Ðấng phải đến không. “Ðức Giêsu trả lời: Các anh cứ về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4-5).

Hôm nay, tại nhiều nơi, qua việc bác ái của nhiều người, Giáo Hội Việt Nam cũng có thể nói tương tự như thế. Cuộc đối thoại kiểu đó dựa vào những phục vụ bác ái yêu thương về nhiều mặt. Hiệu quả mang tính cách cứu người, cả về vật chất lẫn tinh thần, ở nhiều mức độ khác nhau.

Người công giáo sống bác ái, làm việc bác ái, đó là một cách đối thoại tuy âm thầm, nhưng đã mang lại niềm vui và hy vọng không nhỏ cho đồng bào Việt Nam.

 2/ Ðối thoại bằng sống đức tin dưới hình thức bé nhỏ, khiêm tốn, hiền hoà

Trong Phúc Âm Chúa dạy: “Các con hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Người hiền hậu và khiêm nhường là dấu chỉ của Chúa Cứu thế. Bao người đang sống như thế trong nếp sống bé nhỏ âm thầm. Trong một xã hội cạnh tranh, giữa những phong trào phô trương và loại trừ, họ là những người sẵn sàng đón nhận những người khổ đau cô đơn, để chia sẻ, để băng bó, để cùng đồng hành âm thầm với nhau.

Họ giống như những tia sáng nhỏ trong mênh mông bóng tối. Họ tìm đến nhau, làm nên một sức sống thiêng liêng, mang lại tươi mát cho cuộc đời lữ khách.

Cách sống của họ là một đối thoại không lời. Xưa Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong con người khiêm hạ của Ðức Kitô, thì nay, Chúa cũng đang tỏ mình ra trong những thân phận bé nhỏ, bị chôn vùi trong lớp người hèn yếu. Tuy nhiên, họ vẫn mang mừng vui và hy vọng. Bởi vì họ có Chúa trong họ.

 3/ Ðối thoại bằng đời sống cầu nguyện, bí tích và Lời Chúa

Tại Việt Nam hôm nay, phần đông người công giáo rất siêng cầu nguyện, lui tới các bí tích và học hỏi Lời Chúa. Những việc đó là những việc trở về với Chúa, gắn bó với Chúa. Qua những việc ấy, người công giáo cảm nghiệm được phần nào Thiên Chúa là tình yêu. Họ được Chúa biến đổi dần dần thành những con người mới.

Biết bao người đã nhận rằng: Nhờ cầu nguyện, Lời Chúa và các bí tích, họ đã được ủi an, được giải cứu, được chữa lành các bệnh tật linh hồn.

Ðời sống của họ là một cuộc đối thoại với Chúa, nhờ đó họ xây dựng liên hệ bác ái với mọi người, trở nên người biết phục vụ công ích.

Người cầu nguyện, sống Lời Chúa, lui tới các bí tích có nhiều khả năng mang nhiều mừng vui và hy vọng cho những ai họ gặp gỡ. Ðó là những đối thoại phong phú.

 4/ Ðối thoại bằng đời sống tham gia xây dựng lịch sử Ðất Nước

Cũng như mọi nơi, tại Việt Nam, đạo và đời xen lẫn vào nhau. Người có đạo không tách mình ra khỏi đời. Trái lại, họ hân hoan tham gia vào việc xây dựng lịch sử Ðất Nước. Tham gia bằng sự hiện diện tích cực và bằng những hoạt động tốt trong mọi lãnh vực, mà họ được làm và làm được. Trong tham gia, họ biết phân định thiện ác, phát triển điều thiện, đẩy lùi điều ác. Như vậy, nhờ đức tin, họ sẽ là những người khám phá những giá trị cao đẹp, cả ngay trong những chặng đường suy thoái và khó khăn nhất.

Ðối thoại của họ với xã hội là chân thành. Họ được chấp nhận và kính trọng. Một đối thoại tế nhị sẽ có sức đưa tâm hồn người ta về với chân lý của Chúa.

ù

Bốn cách đối thoại trên đây đang được thực hiện tại Việt Nam. Ðối thoại thường xuyên, đối thoại khắp nơi, đối thoại thiết thực, đối thoại gần gũi.

Những đối thoại này vì thế phải được coi là rất quan trọng. Ðây không phải là thời sự của vài ngày, nhưng là thời sự của suốt dòng lịch sử.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay cho phép tôi nhìn cuộc đối thoại sắp tới giữa Toà Thánh Vatican và Việt Nam là sự kiện quan trọng khác thường.

Chúng ta đợi chờ với tâm hồn cầu nguyện và lạc quan.

Mừng vui và hy vọng sẽ được truyền đi từ cuộc đối thoại lịch sử sắp tới.

Mừng vui và hy vọng cũng đã và đang được toả ra tại nhiều nơi từ những cuộc đối thoại chân thành thường xuyên giữa Ðạo và Ðời trên quê hương chúng ta.

Mọi đối thoại đều là dụng cụ của Chúa. Chúa mới là chính. Người dùng mọi sự để phát triển Nước Trời. Nước Trời gồm tất cả những ai yêu chuộng hoà bình, chân lý và yêu thương. Nước Trời phát triển một cách huyền nhiệm, không lệ thuộc vào thành tích, thống kê, dư luận và ý riêng của con người. Vì Chúa đối thoại với từng người trong thẳm sâu tâm hồn họ.

Long Xuyên, ngày 7 tháng 02 năm 2009