Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Tin Mừng cứu độ

 

Từ ít lâu nay, chúng ta được biết những tai hoạ đủ thứ đang xảy ra khắp nơi. Thiên tai, bệnh tật, tai nạn, suy thoái, tội ác, xung đột, chết chóc, mất mát, tang thương.

Tình hình đó giống như một bầu khí đang nóng dần lên, đe doạ đến sự tồn tại của xã hội, Giáo Hội và của chính chúng ta.

Trước đe doạ đó, nhiều sức mạnh đang xuất hiện, mang theo hứa hẹn cứu độ. Là một thành phần của nhân loại và của Ðất Nước, chúng ta không dửng dưng với những sức mạnh hứa hẹn đó. Nhưng là người có đức tin, chúng ta còn biết sức mạnh cứu độ của chúng ta là Chúa Giêsu. Người là Tin Mừng cứu độ.

 1/ Ðức Kitô là Tin Mừng cứu độ

Kinh Thánh dạy chúng ta: Chúa Giêsu là Ðấng Cứu thế.

Người cứu thế gian bằng:

- Yêu thương

- Khiêm nhường

- Nghèo khó

- Vâng lời Chúa Cha.

Từ hang đá Bêlem đến núi Calvariô, Chúa Giêsu luôn sống như thế. Cả về hình thức, cả về tinh thần.

Thánh Phaolô tả cuộc đời cứu thế của Chúa Giêsu như sau:

Ðức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa,
mà không nghĩ phải nhất thiết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thánh giá
” (Pl 2,6-8).

Chúa Giêsu chọn con đường trên đây, chỉ vì mục đích cứu chuộc nhân loại.

Những năm đầu của Giáo Hội, con đường đó được thực hiện sâu sắc và đều khắp, từ trên xuống dưới. Ðâu đâu cũng yêu thương, khiêm nhường.

Nhưng, từ khi Giáo Hội được xã hội dành cho nhiều đặc ân, nhất là khi đi sâu vào cơ chế, ban bệ, tổ chức, tinh thần thế tục và quyền lực, thì con đường cứu độ yêu thương, khiêm nhường của Chúa Giêsu không còn được nhận rõ ở đời sống nhiều nơi trong Giáo Hội nữa. Ðó là điều đáng tiếc. Từ điều đáng tiếc đó, nhân loại hiện nay xem ra đa số không còn nhìn Ðức Kitô là Tin Mừng cứu độ. Lỗi một phần cũng tại phía công giáo, ở cá nhân, ở cộng đoàn và ở cơ chế.

Trước thực tế phức tạp đó, chúng ta phải làm gì? Thiết tưởng phải chấn chỉnh lại việc loan báo Tin Mừng.

 2/ Tin Mừng hôm nay

Tin Mừng hôm nay vẫn dựa trên Tin Mừng xưa. Nghĩa là các người tin Chúa sẽ loan báo Tin Mừng cứu độ của Ðức Kitô bằng con đường khiêm nhường xót thương cứu giúp mọi kẻ khốn khó, như Chúa Giêsu đã làm gương.

Gương Chúa Giêsu thế nào?

Xưa, Chúa Giêsu tỏ ra xót thương những kẻ mà Người nhìn thấy đang trong cảnh khốn cùng. Người là ông Samarita nhìn thấy một kẻ bị cướp trấn lột đánh trọng thương, nằm ở vệ đường. Ông liền xót thương cứu giúp, coi việc giúp đó như một bổn phận (x. Lc 10,29-37).

Xưa, Chúa Giêsu tỏ ra xót thương những kẻ trong cảnh cơ cực kêu gọi đến Người. Hai người mù ngồi ở vệ đường, vừa nghe Ðức Kitô đi ngang qua, liền kêu lên: “Xin dủ lòng thương chúng tôi”, Người đã chữa họ (x. Mt 20,29-34).

Xưa, Chúa Giêsu tỏ ra lòng xót thương với kẻ Người gặp gỡ trong nước mắt thất vọng. Gặp đám tang con trai một bà goá thành Naim, Chúa đã làm phép lạ cho người chết sống lại (x. Lc 7,11-17).

Xưa, Chúa Giêsu tỏ ra xót thương kẻ, mà Người cảm thấy đang có vấn đề trong thẳm sâu tâm hồn. “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7,36-50).

Chúa Giêsu có một tấm lòng nhạy bén gần gũi thân phận con người.

Người đã có những thái độ và việc làm xót thương đối với những kẻ khổ đau. Thái độ của Người và những việc làm của Người đã đào tạo các môn đệ. Ðể họ trở thành những người có tâm hồn bén nhạy trước những khổ đau của con người. Ðể trở thành những người có trách nhiệm trước những cơ cực của con người. Ðể họ trở thành những người có khả năng biết chọn lựa những việc phải làm trước những hoàn cảnh cụ thể.

Biết xót thương người khác, đó là một tin mừng dễ hiểu, gần gũi con người. Nhất là khi xót thương ấy được thực hiện với sự khiêm nhường, từ bỏ mình, hoàn toàn vị tha, phản ánh tình Chúa bao la.

Rất may là tại Việt Nam hôm nay, nhiều tín hữu vẫn loan báo Tin Mừng Chúa Cứu thế bằng con đường phục vụ xót thương con người. Nhưng cũng không thiếu người vẫn chỉ làm chứng cho Chúa Cứu thế bằng con đường đền thờ mà thôi. Thiết tưởng sẽ là đáng mừng, nếu hai con đường trên đây được bổ túc cho nhau.

Ðúng ra, con đường đền thờ nói chung, và thánh lễ chay tịnh nói riêng, cũng luôn phải kèm theo bác ái đối với những kẻ nghèo khổ. Nếu không, Chúa sẽ không chấp nhận. Ngôn sứ Isaia đã quả quyết: “Thôi, đừng đem dâng những lễ vật vô ích nữa. Ta ghê tởm khói hương. Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày Sabát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác, rồi lại cứ lễ lạt linh đình” (Is 1,13). Tội ác là thiếu công bình bác ái đối với kẻ khổ đau (x. Is 1,17).

Hôm nay, Chúa Hài đồng trong hang đá Bêlem cũng đang âm thầm nhắc lại lời ngôn sứ Isaia.

Nếu kẻ nghèo không được xót thương, thì biết đâu Chúa Giêsu trong hang đá hôm nay vẫn cảm thấy cô đơn trước những lễ nghi hoành tráng linh đình và giữa những dòng người đông đảo tấp nập.

Xin cầu chúc cho nhau một Noel, mà nhiều người khổ đau sẽ cảm nhận Chúa Giêsu là Tin Mừng cứu độ của họ.

Long Xuyên, ngày 16 tháng 11 năm 2009