Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Nhân Năm Linh Mục

Linh Mục với những cái nhìn đổi mới

 

Dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới” (2 Cr 4,16). Thánh tông đồ Phaolô nói về con người bên ngoài và con người bên trong. Ðó là một kinh nghiệm mà các linh mục cần có.

Với kinh nghiệm của mình, linh mục có thể kể ra đôi chút về sự đổi mới con người bên trong của mình. Ở đây, xin nói về một dấu chỉ của sự tiến triển của con người bên trong, đó là cái nhìn.

 1/ Cái nhìn càng ngày càng bao quát, tổng hợp

Linh mục càng có kinh nghiệm mục vụ và truyền giáo, càng nhìn cộng đoàn giáo xứ, giáo phận và Hội Thánh của mình với một cái nhìn cởi mở, bao quát.

Ngài nhìn thấy những đốm sáng làm chứng cho Chúa ở nhiều loại người. Có những người âm thầm như Ðức Mẹ và thánh Giuse. Sống chôn vùi, nhưng lại sáng rực vinh quang Thiên Chúa.

Có những người bình dân phục vụ những việc nhỏ, như thánh Matta và thánh Maria Madalena. Nhưng lại toả sáng niềm tin yêu gây được nhiều ảnh hưởng tốt.

Có những người đơn sơ, thấp kém, như các mục đồng Belem. Nhưng lại được Chúa chọn để loan báo Tin Mừng Chúa Cứu thế giáng trần.

Có những người dân ngoại lại nêu gương sáng về sự biết ơn Chúa, đức tin và bác ái như nhiều trường hợp xưa được Chúa khen trong Phúc Âm.

Có những người đau bệnh, mang trong mình nhiều thứ khổ cực, chống chọi hằng ngày với các thử thách. Nhưng họ đã một mực sống tinh thần dâng hiến.

Và còn bao nhiêu người vẫn thường xuyên sống trong cảnh tăm tối của sự nghèo túng, vất vả. Nhưng từ những mảng đời đó lại loé sáng những gương lành về tình liên đới và niềm cậy trông.

Nhìn những đốm sáng trên đây, rồi quy chiếu vào những lời Chúa trong Phúc Âm, linh mục liên kết lại thành một toàn cảnh nói lên sức mạnh của ơn thánh Chúa. Cái nhìn đó khiến linh mục khiêm tốn. Ngài sẽ nói như thánh Phaolô: “Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì. Nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Chúa” (2 Cr 3,4). Sự khiêm tốn là một thứ ánh sáng nội tâm giúp cho linh mục nhìn rộng và nhìn đúng.

Nhìn đúng ở đây là nhìn thấy ơn cứu độ và vinh quang nơi thập giá. Như lời thánh Phaolô quả quyết: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14).

 2/ Cái nhìn càng ngày càng sát với lòng thương xót Chúa

Thời đại nào của nơi nào cũng chuyển biến. Ðọc những chuyển biến ấy, linh mục có thể nhìn được thánh ý Chúa về mục vụ và truyền giáo. Chuyển biến của thời đại là một dấu chỉ, một tiếng gọi. Theo nhiều người đạo đức, dấu chỉ thời đại hiện nay là: Hãy đi theo hướng tình yêu thương xót Chúa.

Trước hết, khi linh mục đọc lại đời mình, ngài dễ nhận ra những dấu ấn của lòng thương xót Chúa.

Lòng thương xót Chúa không phải là đã bịt mắt linh mục để không nhìn thấy những yếu đuối của ngài, nhưng đã giúp ngài nhìn nhận thực tế cái tôi của ngài một cách bình thản, với những khích lệ sám hối và tin cậy vào Chúa mà đứng lên.

Lòng thương xót Chúa không phải là đã cho linh mục cảm tưởng mình đạo đức, nhưng đã giúp ngài tin rằng mình được Chúa yêu thương, để yên tâm phấn đấu với những mặt yếu kém của mình trong sự vâng phục ý Chúa.

Lòng thương xót Chúa không phải là đưa ngài vào một cảnh sống đạo đức ồn ào, hiếu động, để quên đi chính mình, nhưng đã giúp ngài ở thinh lặng trong nội tâm và trong ngoại cảnh. Ngài sống trước mặt Chúa. Trong thinh lặng đó, lòng thương xót Chúa cho ngài khám phá ra những cái xấu ẩn khuất trong ngài. Khám phá ấy là kết quả của sự tỉnh thức thinh lặng.

Ngoài ra, khi linh mục đọc lại những liên đới của ngài, ngài cũng nhận ra sự hướng dẫn của lòng thương xót Chúa.

Lòng thương xót Chúa không phải chỉ yêu cầu linh mục chúc bình an cho những người đau khổ cô đơn, nhưng còn phải có những thái độ rất nhân từ đối với họ. Nghèo khổ cô đơn là những đợi chờ.

Lòng thương xót Chúa không phải chỉ thôi thúc linh mục nghiên cứu sâu rộng về việc hiệp thông với các tầng lớp Hội Thánh và xã hội, nhưng nhất là phải đặt nặng việc thực hiện đức ái một cách thiết thực.

Bác ái đầy xót thương, quên mình sẽ góp phần xây dựng một quê hương tự do, thịnh vượng và chân lý. Bác ái ấy phải kết hợp với tình yêu thương xót sống động trong trái tim Chúa Giêsu hiền từ và khiêm nhường.

ù

Với những cái nhìn không ngừng được đổi mới trên đây, linh mục cảm thấy mình được an ủi rất nhiều.

An ủi đến từ các Lời Chúa gởi cho ngài.

An ủi đến từ những việc Chúa làm cho ngài.

An ủi đến từ chính Chúa sống động trong ngài.

Linh mục có thể nói như thánh Phaolô: “Chúc tụng Thiên Chúa là thân phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn lòng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2 Cr 1,3-4).

Long Xuyên, ngày 21 tháng 9 năm 2009