Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Nhân Năm Linh Mục

Linh Mục
và những tự hào nguy hiểm

 

Thánh tông đồ Phaolô viết: “Ðể tôi khỏi tự cao tự đại về những mạc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2 Cr 12,7).

Tâm sự trên đây cho thấy: Chúa không chấp nhận những tự hào, tự cao, tự đại của các môn đệ Chúa, cho dù vì lý do đã lãnh nhận được đặc ân Chúa ban. Hơn nữa, để giúp môn đệ Chúa biết tự hạ, Chúa còn để cho những đau đớn và sỉ nhục xảy ra cho họ cách này cách nọ.

Tuy nhiên, trên thực tế, môn đệ Chúa khó tránh được những cám dỗ về tự hào. Có một sự ưa thích ngấm ngầm do tính tự nhiên. Lại có những bơm hơi tự hào do đoàn chiên và xã hội. Dần dà, sẽ kết thành thói quen tự hào, coi đó là bình thường, đến mức nguy hiểm cho phần rỗi.

Nhận thức đó thục giục linh mục cảnh giác với mọi tự hào. Ở đây, chỉ xin nêu lên một số tự hào nguy hiểm, mà Phúc Âm chỉ rõ.

 1/ Tự hào về các việc coi như đạo đức

Chúa Giêsu phán: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ rằng: Ta không hề biết các ngươi. Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,21-23).

Những việc nói tiên tri, trừ quỳ, làm phép lạ nhân danh Chúa coi như đáng tự hào. Thế mà Chúa lại nhìn khác.

Mạc khải đó làm linh mục phải suy nghĩ. Ngài cũng sẽ phải suy nghĩ hơn, khi đọc lại dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế. Người Pharisêu tự hào “ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng cho Chúa một phần mười thu nhập” (Lc 18,12). Chúa quả quyết rằng người tự hào đó không được Chúa chấp nhận (x. Lc 18,14).

 2/ Tự hào vì được trao quyền cai quản

Chúa trao quyền cai quản gia nhân cho ai, là để người đó “cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc” (Mt 24,45). Nếu kẻ được trao quyền lợi dụng quyền, không lo phục vụ đúng việc đúng thời, sẽ bị Chúa loại và sẽ bị trừng phạt như những tên đạo đức giả (x. Mt 24,48-51).

Ðoạn Phúc Âm trên đây cho linh mục thấy: Ðược Chúa trao quyền cai quản là một trách nhiệm lớn. Cho dù biết thi hành trách nhiệm đó như người đầy tớ “trung tín và khôn ngoan”, thì cũng chẳng dám tự hào. Phương chi nếu không trung tín và khôn ngoan.

 3/ Tự hào vì những của cải vật chất

Không thiếu nơi, vẫn có những người tự hào về linh mục của mình được giàu sang. Chính linh mục giàu sang thì không dám tự hào, nhưng có khi lại khôn khéo khẳng định sự giàu sang của mình là chính đáng. Nhưng sẽ đáng ngại hơn, khi linh mục không biết dùng của cải vật chất của mình, để chia sẻ cho những người bần cùng, thiếu thốn.

Dụ ngôn người phú hộ và ông ăn mày Ladarô (Lc 16,19-31) cảnh cáo những người phú hộ thiếu chia sẻ, luôn thúc bách linh mục phải chia sẻ trong khả năng của mình. Thiếu sự chia sẻ mà Chúa muốn là một điều không ổn cho linh mục đời này và đời dau.

 4/ Tự hào vì con đường thoải mái

Sống thoải mái trong tự do và hưởng thụ là một chủ trương của bao người đời. Chắc chắc không linh mục nào lại dại dột chủ ý tìm cho mình lối sống đó. Nhưng không thiếu linh mục bị cám dỗ đi vào lối sống ấy, vì lý do này hoặc lý do nọ.

Chúa Giêsu phán: “Hãy qua cửa hẹp mà vào (thiên đàng), vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa tới diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14).

Ít người tìm được lối ấy, đó là sự thực. Không biết trong số ít ấy, có đủ mọi người môn đệ Chúa không. Linh mục khiêm tốn sẽ tự vấn. Câu trả lời có thể sẽ là kêu gọi sám hối sửa mình.

 5/ Tự hào vì xum xê lá cành

Nhiều trường hợp, đời linh mục có vẻ như cây cành cao rộng, lá xanh tươi. Nhưng Phúc Âm cho biết: Chúa đến để tìm trái, chứ không tìm lá cành. Nếu không có trái, cây sẽ bị chặt đi (x. Mt 21,18-19). Nếu không có trái thiêng liêng, linh mục cũng vậy, sẽ tự gây nên tai hoạ. Linh mục biết điều đó, nên cố gắng chu toàn bổn phận. Ngài sẽ chú trọng nhiều đến những gì là căn bản, chứ không đổ sức vào những gì bề ngoài coi thì tốt tươi, nhưng chỉ là lá cành xum xuê. Trong tu đức, mục vụ và truyền giáo, tự hào về những vẻ bề ngoài là quá dại.

ù

Thế giới hôm nay rất ồn ào với đủ thứ tự hào. Linh mục cần biết phân định thứ tốt thứ xấu. Ngài sẽ không ngại nói như thánh Phaolô: “Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2 Cr 11,30). Nghĩa là:

Tôi tội lỗi, nhưng được Chúa tha thứ.

Tôi mỏng manh, nhưng được Chúa đỡ nâng.

Tôi hèn mọn, nhưng được Chúa đoái nhìn.

Không phải vì tôi, nhưng chỉ vì lòng thương xót Chúa.

Long Xuyên, ngày 9 tháng 10 năm 2009