Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Nhân Năm Linh Mục

Linh Mục hiểu về quyền năng Chúa

 

Thánh lễ Chúa nhật 26 thường niên mở đầu bằng lời cầu nguyện thế này: “Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả”.

Lời nguyện cầu trên đây của Hội Thánh được linh mục đọc như lời tuyên xưng về một niềm tin, về một kinh nghiệm, về một đường hướng mục vụ và truyền giáo.

 1/ Một niềm tin

Kinh Thánh cho thấy: Lòng thương xót và tha thứ của Chúa được nhận ra ở sự khiêm nhường tột bậc của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã mô tả sự khiêm nhường nơi Chúa Giêsu như một chiếc thang có nhiều bậc bước xuống. “Ðức Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa. Trái lại, Người huỷ bỏ chính mình, mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự mình mà vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,6-8).

Sự khiêm nhường trên đây là một sức mạnh của quyền năng Chúa. Ðến nỗi, sau này, “Khi nghe danh thánh Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong hoả ngục phải quỳ gối xuống” (Pl 2,10).

Sự khiêm nhường chứa đựng tình yêu thương xót và tha thứ của Chúa đã làm cho nhiều người trở lại. Ðến nỗi, Chúa Giêsu đã có lần cả quyết một điều quá lạ lùng: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Bởi vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy. Còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin” (Mt 21,31-32).

Hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô đã trở lại nhờ sự Chúa Giêsu tỏ bày sự khiêm nhường của Người chứa đầy tình xót thương và tha thứ. Hai ngài đã trở lại, hơn nữa, đã trở thành hai cột trụ của Hội Thánh Chúa Giêsu, một Hội Thánh khiêm nhường, xót thương và hay tha thứ.

 2/ Một kinh nghiệm

Linh mục càng đi sâu vào đời linh mục, càng cảm thấy rõ hai điều này:

a) Gặp gỡ Chúa Giêsu thương xót và tha thứ sẽ khám phá thấy Chúa Giêsu khiêm nhường hơn hết mọi người.

Gặp gỡ đó đem lại cho linh mục sự bình an, một sự bình an sâu thẳm. Sự bình an ấy được cảm nghiệm như một sự dìm mình vào nguồn tình yêu Chúa, đầy khiêm nhường, xót thương và tha thứ. Chính tình yêu ấy chữa lành, vực dậy và đổi mới.

Lúc ấy, tâm hồn linh mục cảm thấy nhận được an ủi vô vàn. Nguồn an ủi đó làm cho tâm hồn lắng xuống. Càng lắng sâu, càng thấy mình bé nhỏ. Trong sự bé nhỏ ấy, tâm hồn linh mục nhận ra rằng:

Khiêm nhường là một sức mạnh cứu độ.

Thương xót là một sức mạnh thuyết phục.

Tha thứ là một sức mạnh chiến thắng chính mình.

b) Từ kinh nghiệm tình yêu Chúa khiêm nhường, xót thương và tha thứ đối với mình, linh mục cảm nhận thêm điều này là: Nếu muốn có sự bình an bền vững, thì chính linh mục cũng phải đối xử với người khác như Chúa đã đối xử với mình, nghĩa là hãy khiêm nhường, thương xót và tha thứ.

Ðến đây, tự nhiên tôi nghĩ tới Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận. Nhiều lần tâm sự với nhau, tôi nhắc tới những chống báng, kết án, dèm pha đã tấn công ngài từ nhiều phía đời đạo, ngài bình tĩnh trả lời: Khiêm tốn, xót thương và tha thứ là con đường dẫn tới bình an và hy vọng. Rồi, ngài khuyên tôi đừng quá nghĩ ngợi. Nghe lời bạn khuyên, tôi tập sống như thế. Và tôi được bình an.

 3/ Một đường hướng

Không những linh mục sẽ được bình an trong tâm hồn, mà còn sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt, khi coi khiêm nhường, thương xót và tha thứ như một định hướng cho mục vụ và truyền giáo.

Mục vụ và truyền giáo đôi nơi đôi lúc đã tự hào về sự phục vụ một tôn giáo quyền lực chủ trương loại trừ và theo đuổi đắc thắng. Nhưng tại nhiều nơi và ở nhiều thời, cả trong thời nay, đường hướng mục vụ và truyền giáo được xuất hiện như một thái độ mở ra và dựa trên Thần Khí. “Chính Thần Khí mới ban sự sống” (2 Cr 3,6).

Sự sống mà Chúa Thánh Thần ban cho là sự sống của Chúa Giêsu, Ðấng khiêm nhường, thương xót và tha thứ.

Linh mục được ơn Chúa Thánh Thần như thế, sẽ là một dấu chỉ của Chúa cứu độ, Ðấng đã cứu nhân loại nhờ thánh giá khiêm nhường, xót thương và tha thứ.

Linh mục được ơn Chúa Thánh Thần như thế, sẽ chứng tỏ mình là kẻ được sai đi bởi Thiên Chúa, chứ không bởi một động lực nào khác.

Linh mục được ơn Chúa Thánh Thần như thế, sẽ biết phân định thế nào là những giá trị Phúc Âm trong tình hình cụ thể, để rồi biết có những chọn lựa thích hợp. Lựa chọn của ngài tựu trung sẽ là chọn chính Chúa Giêsu, Ðấng khiêm nhường, xót thương và tha thứ.

Linh mục được ơn Chúa Thánh Thần như thế, sẽ không ngừng cầu nguyện để có khả năng đón nhận sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, cho dù “phải từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa” (Mt 16,24).

ù

Việt Nam hôm nay có nhiều linh mục như thế. Các ngài đáng được kính trọng, vì các ngài là hình ảnh của Chúa Giêsu khiêm nhường, xót thương và hay tha thứ. Quyền năng Chúa được biểu lộ ở hình ảnh dễ thương đó. Với các ngài, Hội Thánh Việt Nam có hy vọng đi về một tương lai tươi sáng.

Long Xuyên, ngày 28 tháng 9 năm 2009