Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Nhân Năm Linh Mục

Linh Mục
với những người đau khổ

 

Ðau khổ là một thực tế huyền nhiệm. Không gian và thời gian của nó là bao la. Mọi thời mọi nơi, nó là một kêu gọi thảm thiết.

Thế mà, linh mục lại được sai đi đem Tin Mừng cho những người đau khổ. Sứ mạng đó rất cao cả và khó khăn. Ngài sẽ bắt đầu từ đâu? Sẽ phải làm gì? Với kinh nghiệm của những người đi trước, của những anh em xung quanh và của riêng mình, ngài có thể chia sẻ đôi chút.

 1/ Chính mình cảm được nỗi đau của người khác

Những thảm hoạ gây chết chóc tang thương mất mát ném nhiều người vào cảnh khốn khổ. Nhìn cảnh đó, linh mục không khỏi xót xa bàng hoàng.

Những tội ác vùng dậy thi nhau tàn phá các giá trị luân lý, đẩy bao người xuống vực sa đoạ. Nhìn cảnh đó, linh mục cảm thấy lòng mình tan nát.

Sự dại khờ không những xô đẩy các đam mê xấu vào lối sống mù quáng, mà nhiều khi cũng làm hư hỏng cả những việc thiện chí một cách thê thảm. Nhìn cảnh đó, linh mục không khỏi lo âu.

Sự sụp đổ của nhiều niềm tin tôn giáo, đưa bao người vào con đường tự do đầy những nguy hiểm hãi hùng. Nhìn cảnh đó, linh mục cảm thấy lòng mình như bị thương tích.

Sự vật vã của bao cuộc đời bế tắc, khiến họ như bị hành hình thường xuyên trong một thứ hoả ngục vô hình. Nhìn cảnh đó, linh mục như nghe được chính lòng mình tan vỡ.

Sự thiếu vắng những gì thân thiết nơi bao người, đã xô họ vào cõi vắng cô đơn không sao an ủi được. Nhìn cảnh đó, linh mục cảm thấy đắng cay nặng nề.

Ðau nỗi đau của người khác, linh mục như mở lòng mình ra. Ngài gặp được những người cùng hoàn cảnh như ngài. Bởi vì chính ngài cũng đã từng đau khổ bởi những thảm hoạ, những tội ác, những dại khờ, những sụp đổ, những vật vã, những thiếu vắng.

Ðau khổ cho phép ngài gần gũi hơn với mọi người. Nhờ vậy, ngài cảm thấy như mình và mọi người đều cùng chung một người mẹ. Mẹ chung ấy là Ðau Khổ.

Ðồng cảm là một khởi đầu tốt. Về mặt nhân bản, đó là một thức tỉnh những liên đới cao đẹp thuộc đạo làm người. Vì thế, đối với linh mục, khả năng đồng cảm nhạy bén trước những đau khổ của người khác phải được coi là một điều kiện cần thiết cho ơn gọi. Nhìn những người đau khổ, linh mục nhiều khi cảm thấy mình thua xa họ về mặt can đảm, cao thượng và trách nhiệm.

 2/ Phải cầu nguyện và dâng hy sinh

Tiếp đó là việc cầu nguyện cho họ, và giúp họ cầu nguyện. Cầu nguyện lúc đó sẽ hết sức vắn gọn. Sẽ chỉ là lời kêu cầu khiêm tốn. Như người con kêu tên cha mẹ một cách hồn nhiên tha thiết lúc gặp gian nan.

Kinh nghiệm cho thấy: Những cầu nguyện hồn nhiên, khiêm nhường, tha thiết cho những người đau khổ và với những người đau khổ luôn mang lại những hiệu quả lạ lùng. Ðó là người đau khổ sớm nhận thấy Chúa đến với họ, Chúa hiện diện bên họ. Họ được bình tĩnh hơn, hy vọng hơn.

Chính linh mục sẽ được sai đi xa hơn trên đường phục vụ. Ngài nhớ lại lời thánh tông đồ Gioan: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: Ðó là Ðức Kitô đã thí mạng sống vì anh em. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng sống vì anh em” (1 Ga 3,16). Lời trên đây thúc giục linh mục sẵn sàng hy sinh thí mạng sống mình vì con chiên, đồng bào. Như vậy, cầu nguyện của ngài cũng sẽ đi kèm việc dâng hy sinh cho Chúa. Hy sinh rõ nhất là thực hiện điều Chúa Giêsu đã làm xưa. Ðó là “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8).

Như vậy, với trình độ yêu thương cao thuộc nhân bản, kèm theo trình độ yêu thương cao thuộc đạo đức Phúc Âm, linh mục sẽ được nhận ra là người Chúa sai đến với họ. Người đau khổ thường dùng trực giác và cảm nhận hơn là lý luận. Với cách tiếp cận đó, họ sẽ nhận ra dễ dàng tình thương của linh mục, khi linh mục có tình thương phong phú dành cho họ. Nhờ đó, họ sẽ hiểu được phần nào ý nghĩa của đau khổ.

Linh mục sẽ không dừng lại ở đó, nhưng ngài vẫn tìm mọi cách để cứu con người khỏi khổ, ít là được bớt khổ.

 3/ Phải cứu khổ bằng việc cụ thể

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói rõ nhiệm vụ cứu khổ khi sai các tông đồ đi: “Ðức Giêsu tập họp nhóm 12, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật” (Lc 9,1).

Chính Chúa Giêsu cũng được nhận ra là Ðấng Cứu thế, ở những việc Người cứu người ta khỏi khổ đau. “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4-5).

Chúa đòi hỏi bác ái phải được thực hiện bằng việc cụ thể, kịp thời. Người nói rõ điều đó trong dụ ngôn người Samari tốt lành (x. Lc 10,29-37). Người cũng rất rõ ràng về điều đó, khi nói về “Cuộc phán xét chung” (Mt 25,21-46).

Trong khi thực hiện bác ái, linh mục không quên việc làm phải thích hợp và cách làm phải tế nhị, khôn ngoan. Nhất là không phân biệt lương giáo.

ù

Tại Việt Nam hôm nay, cứu khổ đang là một thách đố lớn. Các tôn giáo bạn đang trả lời bằng nhiều việc cụ thể. Công giáo sẽ được đánh giá từ những biến cố khổ đau của đồng bào. Linh mục nắm bắt tình hình, hẳn sẽ cố gắng đổi mới chính bản thân mình, để trở nên bạn của những người đau khổ, trong họ có Chúa Kitô.

Long Xuyên, ngày 3 tháng 10 năm 2009