Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Nhân Năm Linh Mục

Linh Mục và tứ chung

 

Tháng 11 hằng năm, tại Giáo Hội Việt Nam, thói quen cầu nguyện cho các người đã qua đời vốn được thực hiện sốt sắng. Nhân dịp này, nhiều linh mục hay giảng về Tứ Chung. Tứ chung là bốn đích điểm cuối cùng. Cũng gọi là bốn chân lý sau cùng.

Chết, Chúa phán xét, thiên đàng, hoả ngục là 4 chân lý sau cùng chờ đợi mỗi người ở cuộc đời này. Chuyến đi cuộc đời sẽ kết thúc ở những chân lý sau cùng ấy. Ðó là một kết thúc quyết định, một kết thúc không thay đổi, một kết thúc dẫn vào hạnh phúc đời đời, hoặc khổ cực muôn kiếp.

Vì thế, sớm hay muộn, người ta sẽ phải rất cám ơn các linh mục giúp họ dọn mình đi vào tứ chung dưới ánh sáng đức tin.

Chia sẻ này là một cách dọn mình.

Chúng ta sẽ dọn mình bằng một số việc sau đây:

 1/ Cần nhận thức một số vấn đề là quan trọng thực sự

Dưới ánh sáng Phúc Âm về 4 chân lý sau cùng, người tín hữu sẽ nhận ra một số vấn đề trong cuộc sống là hết sức quan trọng, như:

Vấn đề đạo đức. Ðạo đức là giá trị cao nhất, cần có trong mọi giá trị trần thế. Phát triển kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội là tốt. Nhưng trong mọi phát triển đó cần phải có phát triển đạo đức.

Vấn đề gốc rễ đạo đức. Theo ánh sáng đức tin, gốc rễ đạo đức là Ðức Giêsu Kitô. Vì thế, giá trị đạo đức thật không lệ thuộc vào hình thức, mà tuỳ thuộc vào căn bản là con người được biến đổi nên hình ảnh sống động của Ðức Kitô. Nói cho đúng, người đạo đức là người được tham dự vào sự sống Ðức Kitô. Họ cùng với Ðức Kitô, kết hợp với Chúa Thánh Thần, sống theo thánh ý Chúa Cha là tình yêu thương xót.

Vấn đề những đòi hỏi của đạo đức Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô. Người đạo đức nhờ Ðức Kitô, cùng với Ðức Kitô và trong Ðức Kitô sẽ phấn đấu đẩy lùi sự ác, phát triển sự thiện. Ðể những phấn đấu đó được trong sáng, người tín hữu sẽ cố gắng sống Lời Chúa, trong đó có Tám mối phúc thật. Lời Chúa, Tám mối phúc sẽ soi sáng cho việc xây dựng các liên đới với con người, với quê hương, với xã hội.

Với những nhận thức trên đây, người tín hữu sẽ hiểu hơn mục đích đời mình, thế nào là sống lành để được chết lành.

 2/ Cần phải biết sợ thực sự

Trong Phúc Âm, Chúa đưa ra nhiều điều phải sợ. Thí dụ:

Sự bất ngờ về giờ Chúa đến. Người ta sẽ chết cách nào, nơi nào, giờ nào, trong tình trạng nào, tất cả đều có thể xảy ra một cách bất ngờ.

Sự bất ngờ về cách đánh giá của Chúa. Nhiều việc người ta tưởng là đạo đức. Nhưng Chúa lại không nhận là đạo đức.

Nhiều tính toán người ta cho là sáng danh Chúa. Nhưng Chúa lại cho là không hợp ý Chúa.

Nhiều nhân vật người ta cho là sẽ được Chúa khen thưởng. Nhưng Chúa lại cho biết là họ đã được khen thưởng ở đời này rồi, khỏi được khen thưởng đời sau.

Nhiều người mà dư luận cho là cao trọng, hoặc hèn hạ. Nhưng trước toà Chúa, Chúa lại đảo ngược lại. Kẻ đứng nhất sẽ xuống chót. Kẻ nghèo hèn sẽ trở thành giàu sang.

Bất ngờ lớn nhất là thiên đàng và hoả ngục. Thiên đàng có những hạnh phúc mà ở đời này, không ai tưởng tượng được. Hoả ngục có những khổ cực, mà hiện nay, người thế không ai có thể nghĩ tới được.

Vào cõi sau, người ta sẽ rất bất ngờ về bậc thang giá trị. Có những việc đời này tưởng là lợi, nhưng sẽ là hại. Có những chương trình kế hoạch đời này tưởng là sẽ trở thành hành trang tốt cho chuyến vào cõi sau, nhưng sẽ là ảo.

 3/ Biết cậy trông phó thác thực sự

Cuộc giao tranh giữa thiện và ác hiện nay là rất phức tạp.

Ma quỷ có thể giúp con người thành công về nhiều mặt, kể cả về mặt tiền bạc, sức khoẻ, cơ sở, cơ chế. Chỉ trừ ơn thánh, thánh thiện là ma quỷ không giúp chúng ta được. Vì thế, người tín hữu phải rất tỉnh táo phân định. Kẻo sai lầm. Ðể được thế, chúng ta cần cậy trông phó thác.

Cậy trông phó thác thực sự đòi một thái độ khiêm nhường. Ðức Mẹ Maria khiêm nhường nhận mình là nữ tỳ hè mọn của Chúa, rồi xin vâng phó thác.

Cậy trông phó thác thực sự đòi phải nhận biết mình nhỏ bé yếu hèn. Những trẻ thơ được Chúa Giêsu đưa ra như gương mẫu để vào Nước Trời, là vì chúng nhỏ bé yếu đuối.

Cậy trông phó thác vốn đi liền với nhận thức mình đang trong nguy kịch. Trên thánh giá, Chúa Giêsu than thở: “con xin dâng linh hồn con trong tay Cha” (Lc 25,46). Chúa Giêsu nói lời đó khi Người chìm trong vực thẳm cô đơn, đau đớn, sỉ nhục.

Cậy trông phó thác thực sự sẽ là một sự bỏ mình, sự tha thứ trong khiêm hạ, sự tập trung triệt để vào lòng Chúa thương xót.

ù

Nhân loại hôm nay rất ngại nhìn thẳng vào 4 chân lý sau cùng. Hơn nữa, nhiều người còn trốn tránh. Hiện tình đó càng thôi thúc các linh mục nên giúp mọi người dọn mình đi vào 4 chân lý sau cùng với tinh thần cầu nguyện sâu xa.

Long Xuyên, ngày 12 tháng 10 năm 2009