Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Nhân Năm Linh Mục

Thánh hoá Linh Mục
trong những gặp gỡ

 

Trong Năm Linh Mục, Giáo Hội Việt Nam chú trọng nhiều đến việc thánh hoá Linh mục. Thánh hoá Linh mục là bổn phận của các linh mục, và cũng là bổn phận của mọi tín hữu.

Phải nói là: Bầu khí cầu cho các linh mục tại Việt Nam được nên thánh hiện nay rất sốt sắng, rất chân thành, rất thiết tha.

Từ bầu khi thiêng liêng ấy, tôi tự hỏi: Linh mục Việt Nam cần được thánh hoá một cách cụ thể ở lãnh vực nào hơn cả. Với kinh nghiệm, tôi tạm trả lời: Linh mục Việt Nam cần được thánh hoá hơn hết trong lãnh vực gặp gỡ.

Tôi xin được phép chia sẻ vắn tắt.

Con người nói chung thường được đánh giá ở những mối tương quan, ở những cuộc gặp gỡ. Càng ngày, những cuộc gặp gỡ càng giúp xây dựng phẩm giá, càng gây được ảnh hưởng gần xa, càng làm nên hình ảnh con người.

Riêng đối với linh mục, những gặp gỡ đang trở thành những phương tiện cho mục vụ, cho truyền giáo. Vì thế có thể nói gặp gỡ nào của linh mục cũng cần được thánh hoá. Tôi bắt đầu từ những gặp gỡ chớp nhoáng.

 1/ Những gặp gỡ chớp nhoáng

Gặp gỡ chớp nhoáng là những gặp gỡ rất vắn, thường là bất ngờ. Những gặp gỡ sau thánh lễ ở sân nhà thờ. Gặp bất ngờ ở ngoài đường, giữa phố. Chỉ bằng một lời chào, một bắt tay, một cái nhìn. Những gặp gỡ như thế thường rất hồn nhiên, nhưng nhiều khi gây một ấn tượng không bao giờ quên. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ một số gặp gỡ chớp nhoáng trên mọi chân trời. Những người ấy đã để lại trong tôi nhiều tình cảm nâng đỡ quý giá.

 2/ Những gặp gỡ xã giao

Linh mục không tránh được những cuộc gặp gỡ xã giao. Như với các chức sắc của chính quyền, của các tôn giáo bạn, của các đoàn thể xã hội. Cách đối xử, cách quan tâm đến những gì khách làm, khách sống, các trao đổi về các vấn đề đặt ra. Tất cả đều có thể gởi gắm cho họ lòng kính trọng và tình yêu thương. Họ không thấy linh mục làm gì nói gì trong nhà thờ. Họ chỉ gặp linh mục trong những khoảnh khắc xã giao. Nhưng khoảnh khắc đó nhiều khi đã nói được nhiều tâm sự, nếu linh mục có Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

 3/ Những gặp gỡ huấn luyện tu đức

Ðó là những gặp gỡ nhắm mục đích huấn đức, giảng dạy. Nhiều linh mục đã dành một số thời giờ đáng kể đời mình cho những gặp gỡ đó. Chuẩn bị là một công việc vất vả. Phải đọc sách, phải sưu tầm, phải chọn lựa, phải quan sát, phải cầu nguyện, phải viết ra. Ðến chính lúc gặp gỡ, thì phải kết hợp với Chúa để mình không phải chỉ nói lên tư tưởng, mà còn chuyển tải sự sống Chúa vào lòng người khác.

Nhiều khi được tham dự những cuộc gặp gỡ huấn luyện tu đức, tôi có cảm tưởng như mình được nâng tâm hồn lên với Chúa, được Chúa chia sẻ cho sự bình an từ trời.

Trái lại, sẽ rất nản khi những gặp gỡ gọi là huấn luyện tu đức lại trống vắng bầu khí nội tâm.

 4/ Những gặp gỡ làm việc

Có những hội họp, mà linh mục phải chủ trì hay tham dự. Sự hiện diện của linh mục tại các cuộc họp đó vốn được tôn trọng. Ðược tôn trọng không phải chỉ vì danh dự do người của cơ chế, mà còn vì trình độ của ngài. Trình độ đạo đức, trình độ trí thức, trình độ nghiên cứu, trình độ suy tư, trình độ khôn ngoan.

Ngài khôn ngoan, không phải vì chọn ý kiến của đa số, mà vì chọn ý Chúa một cách thuyết phục và tế nhị.

Ngài khôn ngoan, ở chỗ khéo biến những khác biệt thành những yếu tố bổ túc cho sự hợp nhất vì ích chung.

Ngài khôn ngoan, ở chỗ khéo để cho mọi người tham dự đều được đóng góp ý kiến của mình với tinh thần trách nhiệm.

Ngài khôn ngoan, ở chỗ đưa cuộc họp làm việc trở thành một dịp đào tạo, để có nhiều cộng tác viên trưởng thành.

 5/ Những gặp gỡ với tư cách đại diện đoàn chiên

Tôi muốn nói tới những gặp gỡ của linh mục trong các thánh lễ của ngài. Khi dâng thánh lễ, linh mục gặp gỡ dân, cùng dân đến với Chúa, ngài lại gặp gỡ Chúa, để cùng Chúa đến với dân. Khi hiểu như vậy, tôi coi những gặp gỡ đó như mang tư cách của người đứng đầu đoàn chiên. Linh mục lúc đó phải là người được thánh hoá. Sự thánh thiện đòi một mức độ sâu bên trong tâm hồn. Sự thánh thiện cũng chờ đợi được toả sáng ra bên ngoài. Ở dung mạo ngài, ở thái độ cử chỉ của ngài.

Tôi được hạnh phúc đứng bên cạnh Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong nhiều thánh lễ. Tôi cảm thấy rõ sự thánh thiện toả ra trong giọng nói của Ngài, trong cái nhìn của Ngài. Một sự thánh thiện của người chủ chiên nhân ái khiêm nhường, sẵn sàng đền tội cho đoàn chiên. Một sự thánh thiện của người đứng đầu đang ôm vào lòng những người nghèo khổ, tội lỗi, bệnh tật, cô đơn, bị áp bức, hèn mọn. Một sự thánh thiện phản chiếu Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót.

 6/ Những gặp gỡ gián tiếp

Khi linh mục đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, theo dõi báo cáo, là lúc ngài gặp gỡ những chuyển biến của tình hình địa phương, đất nước, thế giới và Hội Thánh. Gặp gỡ đó là gián tiếp, vì qua các phóng viên và bao người khác có liên quan.

Linh mục lúc đó có thể được phép giữ thái độ dè dặt. Kinh nghiệm cho thấy những hạn chế của các gặp gỡ gián tiếp. Thái độ dè dặt của ngài phát xuất từ một sự thánh thiện và trình độ nhân bản.

 7/ Những gặp gỡ đời thường

Ðó là những chào hỏi, trao đổi, ở đời thường, về đời thường, như một người thường, với những người thường. Nội dung gặp gỡ có lúc mới mẻ, có lúc quen thuộc, có lúc chỉ là máy móc.

Linh mục trong những lúc đó sẽ biết đón nhận và cho đi những gì giúp xây dựng sự hiệp thông, sự hiệp nhất. Tuyệt đối tránh bất cứ sự gì gây bất hoà, nghi kỵ. Do đó, gặp gỡ đời thường cũng không được coi thường. Nhiều khi những gặp gỡ đời thường lại giúp thánh hoá con người một cách kín đáo, tế nhị, nhưng có hiệu quả.

ù

Hình ảnh linh mục Việt Nam hôm nay là hình ảnh một con người gặp gỡ. Mọi tình hình đạo đời đều không đơn giản. Vì thế gặp gỡ nào cũng không nên giản đơn. Một trình độ nhân bản, trí thức, đạo đức và thánh thiện sẽ giúp linh mục gặp gỡ mọi người trong chân lý và tình yêu của Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

Viết để mừng kỷ niệm 35 năm Linh Mục
của Ðức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu
(10/8/1974-10/8/2009)
Long Xuyên, ngày 7 tháng 8 năm 2009