Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Từ thực tế cuộc đời

 

Ðời tôi là một chuyến đi. Tới nay, chuyến đi đó có thể gọi được là khá dài. Suốt dọc chuyến đi khá dài ấy, tôi đã nhận được nhiều thứ tin mừng. Trong đó có một tin mừng, đối với tôi, là thực sự căn bản, là thực sự lớn lao. Ðó là Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Chính Người là Tin Mừng cứu độ tôi.

Tôi đọc trong đời tôi dưới ánh sáng Tin Mừng Ðức Kitô.

 1/ Ðức Kitô trước cảnh nước mắt và nấm mồ

Phúc Âm thánh Gioan ghi lại sự kiện ông Ladarô chết. Ðược tin ấy, Chúa Giêsu đến với hai chị ông. Chị Macta ra đón. Ðược gặp Chúa rồi, chị về gọi cô em là Maria và nói: “Thầy đến rồi. Thầy đang gọi em”. Nghe vậy, cô Maria vội đứng lên và chạy đến với Chúa Giêsu. Hai chị em dẫn Chúa Giêsu đến mồ Ladarô. Ở đây, chỉ còn là xác chết, đã được chôn cất bốn ngày. Bây giờ chỉ còn là nước mắt và khóc than. Giữa cảnh đó, Chúa Giêsu đã làm phép lạ, cho Ladarô sống lại (x. Ga 11,1-44).

Ðời tôi cũng có những trường hợp tương tự. Nước mắt trên nấm mồ. Nhưng chính trong cảnh tang thương ấy, đã có những người tốt như Macta. Họ cho tôi biết là: Chúa Giêsu đến và Người gọi tôi. Nhờ đó, tôi đã gặp được Chúa Giêsu. Người làm cho những gì đã chết trong tôi được sống lại. Người là Ðấng cứu độ tôi.

Từ những sự kiện như thế, Chúa dạy tôi một bài học. Bài học về phục vụ con người. Phục vụ có nhiều cách. Nhưng tốt nhất là hãy phục vụ như cô Macta và những người như cô. Họ đến với những người đang khóc và nói với họ: “Chúa đang đến”. Họ tìm gặp những ai đang vật vã trên những nấm mồ cuộc đời, để nói với họ: “Chúa đang gọi”.

Cách loan báo Tin Mừng của họ xuất phát từ những tang thương của thân phận thực tế cuộc đời. Từ đó họ đến gặp Chúa Giêsu một cách trực tiếp. Họ đang là thế nào, thì đến với Chúa Giêsu đúng là như vậy. Nghĩa là đến với thân phận con người cần được cứu độ. Nước mắt là lễ vật. Nấm mồ là lời nguyện. Chỉ thế thôi. Sau cùng Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho họ thấy Người là Ðấng cứu độ giàu lòng thương xót.

Hãy là những người như cô Macta. Ði từ những cảnh khổ đau của cuộc đời. Xuất phát từ những kinh nghiệm bản thân về nước mắt và nấm mồ.

Một số người, không theo lộ trình đó. Họ xuất phát từ những lý thuyết cao siêu. Bay bổng trên bầu trời cao thẳm. Kinh nghiệm cho thấy cách đó không gần gũi con người.

Tôi nghĩ những người giới thiệu Chúa Giêsu nên theo mô hình Macta. Họ khóc với người khóc. Họ đau cùng với nỗi đau của người đang đau. Rồi, Chúa Giêsu mà họ giới thiệu, cũng đến như vậy. Người cùng khóc. Người cũng đau. Trên đời, chia sẻ nỗi đau của người khác một cách thiết thực bằng sự chính mình cũng chịu phần nào nỗi khổ của họ, đó là phục vụ quý và đáng tin cậy.

 2/ Chúa Giêsu trước cảnh làm ăn vất vả

Phúc Âm thánh Gioan thuật lại cảnh các tông đồ đi đánh cá ở biển hồ Tibêria. Suốt đêm vất vả chài lưới, mà không bắt được con cá nào. “Khi trời đã sáng, Ðức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Ðức Giêsu. Người nói với các ông: Này, các chú, không có gì ăn ư? Các ông trả lời: Thưa không. Người bảo các ông: Hãy thả lưới xuống bên phải mạn thuyền, thì sẽ bắt được cá. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên được. Vì lưới đầy cá. Người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: 'Chúa đó'. Vừa nghe 'Chúa đó', ông Simon Phêrô vội khoác áo vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển, mà bơi đến với Chúa. Các môn đệ khác thì chèo thuyền vào bờ gặp Chúa” (Ga 21,4-8).

Ðời tôi cũng không thiếu những trường hợp giống như thế. Mục vụ như đi thả lưới. Bao lần lầm lũi vất vả mà không thấy kết quả nào. Ðến một lúc nào đó, tôi được nghe một tiếng nhiệm mầu, bảo tôi phải đổi hướng. Tôi vâng theo. Trong nỗi vui mừng, tôi gặp được những người như môn đệ Gioan. Họ chỉ cho tôi thấy chính Chúa Giêsu đã giúp tôi. “Chúa đó”. Người đứng trên bãi biển mục vụ của tôi. Thế mà trước đó tôi không nhận ra.

Những trường hợp như trên dạy tôi một điều cần thiết, là: Hãy sống như Gioan, loan báo rằng: Ðức Kitô ở giữa những cuộc đời đêm ngày làm ăn vất vả. Hãy nhận ra Người. Người ở giữa cuộc đời. Người gặp những con người làm ăn kiếm sống. Người là Ðấng cứu độ của họ.

Lại một lần nữa, thánh Gioan đã đưa con người đến với Chúa Giêsu từ thực tế cuộc đời. Cuộc đời như chênh vênh giữa thành công và thất bại. Hãy nhận ra Chúa Giêsu ở giữa những chao đảo ấy. Chúa đó. Hãy vâng lời Người. Hãy tin cậy ở Người.

Khi bám sát cuộc đời thực tế, người loan báo Tin Mừng sẽ biết bỏ đi những gì không cần thiết, chỉ làm cho cuộc đời thêm nặng nề một cách vô bổ.

Thiết tưởng mục vụ hôm nay nên quan tâm hơn đến: Con người và đời người. Hãy đưa con người và đời người đến trực tiếp với Chúa Giêsu. Chúa đó. Chúa Giêsu sẽ trở nên Tin Mừng cứu độ cho mọi người và từng người.

Long Xuyên, ngày 30 tháng 5 năm 2009