Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Nhân Năm Linh Mục

Linh Mục
và các tiêu cực trong cộng đoàn

 

Nhiều cộng đoàn đức tin tại Việt Nam đang phát triển. Có phát triển tốt và có phát triển xấu. Trong phát triển xấu nên nói tới vài điều sau đây.

 1/ Những tệ nạn

Tệ nạn trong cộng đoàn là chuyện xưa và nay.

Thời các thánh tông đồ, sử sách ghi lại một chuỗi dài những tệ nạn. Trong thư gởi môn đệ Timôthê, thánh Phaolô viết: “Anh hãy biết điều này: Vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Quả thế, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tán nhảm, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa, hình thức đạo thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ. Anh hãy xa lánh những người ấy” (2 Tm 3,1-5).

Thuở xưa là như vậy. Thời nay cũng vẫn thế thôi, mặc dù có đôi chút tân trang. Thêm vào đó là những tệ nạn hoàn toàn mới, rải rác đó đây như: đua đòi, buôn thần bán thánh, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa cục bộ, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa tục hoá, phong trào phô trương thành tích, phong trào sống theo khẩu hiệu.

Có những tệ nạn rõ mặt. Có những tệ nạn giấu mặt. Chúng như những thứ cỏ dại mọc chen vào lúa trong cánh đồng tôn giáo.

Bên cạnh những tệ nạn là những thói đòi.

 2/ Những thói đòi

Thánh Phaolô khuyên giáo đoàn Rôma: “Anh em đừng rập theo thói đời này” (Rm 12,2).

Tôi hiểu thói đời này là một cách nói hơi tiêu cực về một số thói quen xã hội. Thí dụ một số cách ăn mặc, một số cách nói năng, một số cách đãi đằng, một số cách biểu lộ niềm vui, một số cách giải trí, một số cách đối xử.

Ðáng lẽ, những thói đời đó phải dừng lại ở ngưỡng cửa đời tu. Nhưng nhiều nơi chúng đã vượt qua và được đón nhận.

Ðáng lẽ, những thói đời đó phải dừng lại ở cửa nhà thờ. Nhưng nhiều nơi chúng đã vượt qua, đi vào trong nhà thờ, thậm chí đi lên cả tới cung thánh.

Những cảnh như vậy đã làm mất vẻ đẹp thiêng liêng của đời tu, của nhà thờ và của cung thánh. Giữa thói đời và thói đạo hình như không còn ranh giới. Từ thực tế đó, lương tâm con người dễ đi dần vào thói quen tự cho phép mình làm bất cứ sự gì mình thích, không thấy cần phân biệt cái gì tốt nên chọn, cái gì xấu nên tránh.

Tệ nạn và thói đời có lúc như những bùng nổ. Nghĩa là chúng có sức mạnh khác thường. Nhìn cảnh đó, linh mục rất xót xa, nhưng không vội kết án ai, kẻo kết án người lại là kết án chính mình.

 3/ Phải làm gì?

Thường linh mục biết ba điều này:

Một là ảnh hưởng của tiêu cực trên đời sống con người có đạo rất sâu xa. Nó sẽ thay đổi con người, từ phong hoá, tính tình đến đức tin.

Hai là tẩy rửa mình khỏi ảnh hưởng những tiêu cực là chuyện không dễ.

Ba là nếu tiêu cực vẫn tồn tại trong con người, thì không có nghĩa là linh mục sẽ không làm gì. Ngài vẫn chống tiêu cực với kinh nghiệm tu đức.

Kinh nghiệm cho thấy: Ðẩy lùi các tiêu cực sẽ phải thực hiện liên tục một cách khôn ngoan và kiên trì. Ðang khi đó phải vun trồng và phát triển những gì là tích cực. Bởi vì, một đàng, nếu đối phó với các tiêu cực một cách không khéo, thì tiêu cực có thể sẽ mạnh thêm, có khi lại làm nảy sinh ra những tiêu cực mới. Ðàng khác, nếu con người chỉ lo tránh các tiêu cực mà không phát triển những giá trị tích cực, thì sẽ không thể gọi được là tiến triển. Rất nhiều trường hợp những giá trị tích cực, khi mạnh lên, sẽ làm yếu đi những cái tiêu cực.

ù

Tại Hội Thánh Việt Nam hôm nay, việc phát triển những giá trị tích cực vẫn tiếp tục mạnh, tuy dù đó đây những tiêu cực vẫn như muốn kiến trúc nhiều cơ sở vững bền.

Vì thế, đối với phần đông linh mục, các tiêu cực trong đạo, như các tệ đoan và những thói đời, vẫn mãi là những thách đố lớn.

Với lòng khiêm nhường và tinh thần khó nghèo, linh mục sẽ cộng tác với Chúa, để giải quyết những thách đố ấy. Không đợi chờ ở sức riêng mình, linh mục chỉ trông đợi mọi sự nơi tình yêu thương xót Chúa. Người sẽ không nỡ bỏ rơi những tâm hồn sám hối trở về.

Trong cậy trông và sám hối, linh mục sẽ không quên thực hiện lời khuyên của thánh Phêrô: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8).

Linh mục cũng luôn nhớ lời dặn dò của thánh Gioan: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, hãy tránh xa các tà thần” (1 Ga 5,21).

Như thế, trong tiêu cực có hoạt động của ma quỷ, tà thần.

Long Xuyên, ngày 7 tháng 9 năm 2009