Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Hành trình phục sinh còn dài

 

Dịp lễ Phục sinh, rất nhiều tín hữu đã được ơn chỗi dậy từ cõi chết.

Cõi chết thường được hiểu là tội lỗi. Khi được tha tội, con người được ra khỏi cõi chết. Ðó là niềm vui Phục sinh, một niềm vui thiêng liêng lớn lao.

Ðược niềm vui lớn đó, chúng ta hết lòng tạ ơn Chúa. Tạ ơn cho mình và tạ ơn cho tất cả những ai cũng đã được chỗi dậy từ cõi chết tội lỗi.

Thiết tưởng, chúng ta không nên dừng lại ở đó, nhưng còn nên nhìn đến nhiều cõi chết khác có thể còn ở trong ta. Nếu được chỗi dậy từ những cõi chết đó, chúng ta mới thực sự đi sâu vào niềm vui Phục sinh.

Với mục đích đó, ở đây tôi xin nhắc qua một số cõi chết tiềm tàng trong mỗi người chúng ta, để tiếp tục hành trình Phục Sinh.

 1/ Những cõi chết tiềm năng

a) Trước hết là trong những cơ năng.

+ Trí khôn, khi gắn bó với những điều sai trái lầm lạc, sẽ có những bước đi hướng về cõi chết, vì thiếu chân lý.

+ Tình cảm, khi buông thả vào những đối tượng xấu, sẽ là những dòng chảy đi về cõi chết, vì thiếu thăng tiến.

+ Ý chí, khi mải mê theo đuổi những điều tha hoá, sẽ là một cuộc chạy đua tới cõi chết, vì thiếu sự thiện.

+ Tự do chọn những gì thoả mãn ý riêng mình, sẽ là một đầu tư cho cõi chết, vì thiếu vâng phục thánh ý Chúa.

Những tiềm năng cõi chết trong các cơ năng con người là một thực tế áp đảo. Ta muốn chối, cũng không được.

b) Bây giờ, nhìn sang những nếp sống, ta thấy các tiềm năng cõi chết cũng rất nhiều.

Phúc Âm ghi rõ:

- Những người Pharisêu quen sống giả hình, chuộng hình thức đạo đức bề ngoài, ưa kể ra những con số, như ăn chay bao nhiêu, bố thí bao nhiêu, đọc kinh bao nhiêu. Nếp sống phô trương và giả hình đó đã là những lối thênh thang dẫn xuống cõi chết, vì mất lòng Chúa.

- Những thầy luật sĩ chuyên cắt nghĩa luật theo nghĩa đen, thích áp dụng luật một cách khắt khe, cốt để lên án. Nếp sống đạo chỉ là chủ nghĩa luật đã là những cái khuôn dẫn tới cõi chết, vì nghịch với ý Chúa.

Nếp sống kiêu căng của một giai cấp đã sản sinh những người như thế.

c) Còn một yếu tố khác, tuy nhỏ nhưng cũng mang nhiều tiềm năng cõi chết, đó là cái nhìn.

Có nhiều cuộc đời mùa loà về đàng đạo đức, bởi vì cái nhìn của họ bị tối tăm của cõi chết che phủ dày đặc.

Ánh sáng chân lý luôn ở trong Lời Chúa. Nhưng họ không nhìn thấy.

Ánh sáng tình yêu cứu độ ở trong bao nhiêu gương sáng. Nhưng họ không nhận ra.

Ánh sáng phản ánh trái tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường vẫn sống động trong bao người xung quanh. Nhưng họ nhìn mà không thấy.

Ánh sáng đền tội luôn ở trong phép Mình Thánh. Nhưng họ đứng trước mà không chút chuyển lòng.

Họ mù loà, vì để tinh thần ích kỷ, kiêu căng thế tục che mắt linh hồn.

Họ mù loà, vì họ để ma quỷ khống chế con mắt tâm hồn.

Họ mù loà, vì họ để cho sự tự mãn làm hư con mắt tinh thần.

Giữa những cuộc đời ồn ào vẫn có những cõi chết sâu thẳm tối tăm.

Khi đã được chỗi dậy từ những cõi chết đó, chúng ta vẫn còn nhiều bước phải đi trong hành trình Phục sinh.

 2/ Hành trình Phục sinh kêu gọi nhiều bước đi mới

Ở đây, tôi đặc biệt chú ý đến lãnh vực tu đức.

Thứ nhất là hãy xác tín Chúa Phục sinh luôn rất gần ta.

Theo Phúc Âm kể lại, Chúa Phục sinh đã hiện ra với các môn đệ ở nhiều nơi khác nhau, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: Lúc nhóm đông đang cầu nguyện trong phòng khoá chặt, lúc vài ba ông đang đánh cá, lúc hai người đang đi trên đường Emmau.

Những chi tiết trên đây cho thấy: Chúa Phục sinh rất gần gũi các môn đệ.

Người cảm thương nỗi lòng của họ.

Người quan tâm đến cuộc sống làm ăn của họ.

Người đồng hành với những khát khao của họ.

Ðối với chúng ta bây giờ cũng vậy, Chúa Phục sinh luôn gần ta. Người ở bên ta. Người không hiện ra, nhưng còn hơn là hiện ra, vì Người cảm thương mọi đau khổ của ta.

Riêng tôi, tôi vẫn thường nói với Người: “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con”.

Thứ hai là hãy xin Chúa ban ơn cho ta được chỗi dậy từ cõi chết trong những việc rất thường, rất nhỏ, từng ngày.

Mỗi ngày có nhiều điều cần ơn Phục sinh. Nhỏ thôi, thường thôi, đơn giản thôi. Chính trong những lúc âm thầm đó, ta nhận ra được Chúa ở gần ta, Chúa rất thương ta.

Có những biến cố lớn của đời ta đợi chờ Chúa Phục sinh can thiệp. Nhưng nếu cứ đợi những biến cố lớn, mới tìm gặp Chúa Phục sinh, thì sẽ rất sai.

Thứ ba là hãy biết đón nhận những đổi mới, mà Chúa Phục sinh đem đến cho từng thực tế.

Chúa Phục sinh ban ơn cho ta được trung thành với truyền thống, đồng thời cũng ban ơn cho ta đón nhận những cái mới.

Phục sinh không phải chỉ là làm sống lại những truyền thống tốt, nhưng còn là biết đổi thay và sáng tạo. Bởi vì ơn Chúa Phục sinh không phải là một khung lý thuyết, nhưng là một thực tế sống động với những giá trị mới.

Tỉnh thức và cầu nguyện, để nhận ra những giá trị mới trong những hoàn cảnh mới, chính là những bước đi của hành trình Phục sinh.

Như vậy hành trình Phục sinh vẫn tiếp tục sau lễ Phục Sinh.

Long Xuyên, ngày 30 tháng 3 năm 2009