Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Nhân năm Linh Mục

Linh Mục và tỉnh thức

 

Tỉnh thức là điều kiện cần cho bất cứ ai muốn đi về phía trước.

Tỉnh thức là điều kiện bắt buộc cho những người giao chiến.

Tỉnh thức là điều kiện không thể thiếu cho mọi người muốn thành công trong cuộc sống.

Chúa Giêsu đã khuyên các môn đệ Người phải tỉnh thức, vì lý do phần rỗi đời đời.

Ở đây, chỉ xin phép chia sẻ một vài thứ tỉnh thức, mà các linh mục nhiều kinh nghiệm đã trải qua trong đời.

 1/ Tỉnh thức trước những cơn cám dỗ

Gọi là những cơn cám dỗ tất cả những gì xấu xúi ta phạm tội. Nhân tố xúi giục là xác thịt, thế gian, ma quỷ. Sự xấu đến với ta dưới nhiều hình thức, kể cả hình thức khoác áo đạo đức. Qua tư tưởng, ước muốn, tình cảm, trí vẽ. Cũng có thể nhờ trung gian quen thuộc gần gũi, như các người thân, bạn bè.

Nếu thiếu tỉnh thức, sự dữ sẽ vào tâm hồn ta mà không bị cản trở, nhất là trong những bất ngờ.

Nếu thiếu tỉnh thức, sự dữ sẽ ở lại trong tâm hồn ta, tác động vào mọi cơ năng nội tâm ta.

Nếu thiếu tỉnh thức, sự dữ sẽ được nuôi dưỡng, càng lúc càng mạnh.

Nếu thiếu tỉnh thức, sự dữ sẽ dần dần chiếm đoạt nội tâm ta, đến mức điều khiển, sai khiến và áp đảo nội tâm ta. Lúc đó, ta sẽ trở thành nô lệ sự ác. Ðể tránh lộ diện, ta và sự ác sẽ chung sống dưới một bề ngoài chững chạc.

Nếu không thức tỉnh và cương quyết dứt lìa sự ác, ta sẽ bị biến thể dần dần. Cơn cám dỗ ác liệt sẽ đến, đó là an phận trong sự ác mà lại tưởng mình ngon lành, hơn nữa, đôi khi còn dám khẳng định mình đạo đức hơn người khác. Sau cùng là đức tin bị đe doạ. Chúa Giêsu đã cho thánh Phêrô biết trước sẽ có trường hợp bi đát xảy ra cho ngài. Ngài chỉ được cứu khỏi cơn cám dỗ sau cùng, nhờ lời cầu nguyện của chính Chúa Giêsu. “Simon ơi. Kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu cho anh để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22,31).

 2/ Tỉnh thức trên con đường phục vụ

Con đường, mà linh mục chọn để sống, là Ðức Giêsu Kitô. Con đường ấy được cụ thể hoá ở yêu thương phục vụ. Yêu thương phục vụ trong Ðức Kitô, nhờ Ðức Kitô, cùng với Ðức Kitô, đòi hỏi sự từ bỏ mình, đi vào đường hẹp, và chấp nhận sự đối nghịch của Tám mối phúc.

Lý thuyết là như vậy. Linh mục biết rõ lý thuyết đó. Nhưng trong thực tế, có những chủ quan và ác thần xúi linh mục không bước theo đúng hướng mình phải chọn.

Ðường ngoài phố có đèn đỏ đèn xanh rõ ràng, nhắc hướng cần đi vào và cấm vượt ranh giới. Còn trong lương tâm, linh mục không thấy rõ hệ thống đèn đỏ đèn xanh. Mình phải tự phán đoán, chọn lựa. Những cố vấn tối tăm đợi ở những hoạt động đó. Kết quả là nhiều khi mình tự cho phép mình vượt đèn đỏ vô hình, và cũng không đi theo hướng đèn xanh chỉ dẫn. Vài lần thấy quen. Rồi thấy xung quanh vô số người cũng làm như vậy. Thế là thành thói quen phạm lỗi trên đường phục vụ. Ðến nỗi, linh mục xa rời con đường yêu thương phục vụ Chúa và các linh hồn, để trở thành những người phục vụ thành thạo trong lãnh vực tiền bạc, quyền lực, mà không biết sợ. Không sợ cả việc đẩy người ta xuống hoả ngục. Chúa phán với các kinh sư và Pharisêu: “Khốn cho các ngươi. Các ngươi rảo khắp biến cả đất liền, để rủ cho được một người theo đạo. Nhưng khi họ theo rồi, các ngươi lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các ngươi” (Mt 23,15).

 3/ Tỉnh thức trước lối sống nguy hiểm

Sự tội thì ta dễ cảnh giác. Còn nguy hiểm thì nhiều khi ta không tỉnh thức.

Ðối với linh mục, nguy hiểm đáng sợ nhất là lối sống không trưởng thành về đàng thiêng liêng. Thí dụ:

Ðặt nặng hình thức bề ngoài, còn coi thường đời sống bên trong.

Ưu tiên cho các phương tiện vật chất, còn ơn thánh thì lại hững hờ.

Lao mình vào hướng hiếu động ồn ào, còn nội tâm thì lạnh lẽo.

Dễ dãi với những hưởng thụ, còn bổn phận khắc kỷ thì cho như lỗi thời.

Bám vào những công việc của Chúa, còn chính Chúa thì chỉ lướt qua.

Hoà mình vào chủ nghĩa tục hoá, còn những giá trị thiêng liêng căn bản thì tránh né.

Những lối sống trên đây thực rất nguy hiểm. Nhưng hiểm nguy lớn nhất là không nhận ra mình đang trong tình trạng nguy hiểm. Chỉ một chút quá đà là sẽ rơi vào cảnh trống vắng nội tâm, dễ bị quỷ dữ thống trị. Chúa nói về cảnh nội tâm bị bỏ trống thế này: “Quỷ thấy nhà bỏ trống, lại được quét tước trang hoàng hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy còn tệ hơn trước” (Mt 12,44-45).

ù

Tại Việt Nam hôm nay có nhiều dấu chỉ cho thấy Chúa đang đến. Chúa đến với từng người và với mọi người. Dấu chỉ là những thuận lợi và cả những khó khăn thử thách. Ai tỉnh thức sẽ nhận ra Chúa. Hơn mọi người, các linh mục sẽ nêu gương sáng về sự tỉnh thức đón Chúa và vâng phục thánh ý Chúa.

Long Xuyên, ngày 26 tháng 10 năm 2009