Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Sám hối

 

Mùa Chay là thời gian kêu gọi sám hối. Kêu gọi này được hưởng ứng nồng nhiệt tại Giáo Hội trên đất nước Việt Nam hôm nay.

Với kinh nghiệm của một người sám hối đã nhiều mùa chay, tôi xin phép chia sẻ vài điều xác tín trong ăn năn sám hối.

 1/ Phải khiêm tốn nhìn nhận điều xấu xuất phát từ bên trong mỗi người

Chúa Giêsu dạy: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra dơ bẩn” (Mc 7,20-23).

Với những lời trên đây, Chúa chỉ cho chúng ta thấy cội rễ sự ác là từ bên trong lòng người. Ma quỷ, thế gian đóng vai trò người cám dỗ. Nhưng những chấp nhận, những chọn lựa là do lòng ta. Vì thế mà ta phải chịu trách nhiệm về những gì lòng ta chọn lựa.

Rất nhiều khi, chúng ta chọn sự ác, là do lòng ta khao khát, chứ chẳng phải do ai xúi giục. Chưa thực hiện bằng hành động, mà chỉ khao khát và nuôi dưỡng đi tìm sự ác trong tư tưởng, cũng là sai rồi.

Vì thế, tội lỗi không phải chỉ là vấn đề của một xã hội, của một hệ thống văn hoá, chính trị hay kinh tế, mà trước hết là vấn đề của lòng người. Phải đổi mới lòng mình, trước khi đòi đổi mới xã hội.

Khiêm tốn nhìn nhận điều đó là yếu tố rất cần trong sám hối.

 2/ Phải khiêm tốn nhìn nhận tính cách phức tạp của từng sự xấu

Có những sự xấu trong ta coi như không lớn, nhưng ảnh hưởng lại rất lớn. Thí dụ: tính kiêu ngạo, tính ghen tương.

Không thiếu trường hợp, sự thành công của người này lại là sự xúc phạm đến người kia. Sự ghen tương kiêu ngạo có tài cắt nghĩa xấu một cách thông minh.

Cả khi Thiên Chúa nơi những người ngoài công giáo thực hiện những sự lạ lùng phục vụ tha nhân, cứu nhân độ thế, thì sự kiêu căng ghen tương có thể đóng cửa lòng một số người tin thờ Chúa. Họ tìm cách hạ giá những việc tốt đó. Như thế tính kiêu căng ghen tương dám chỉ trích đến cả lòng tốt lành của Thiên Chúa.

Lòng người ta thực phức tạp. Có những tính xấu thường xuyên chi phối sự phức tạp của nó trên cuộc sống. Chẳng may, nhiều khi chúng ta lại không để ý đến những phức tạp đó trong sám hối.

 3/ Phải khiêm tốn nhìn nhận tình hình xấu trong mình ta

Khi nhìn chính mình bị bao phủ bởi những lớp bóng tối; tôi không nên ngạc nhiên, càng không nên kêu trách. Trái lại, tôi dám nghĩ rằng: Những bóng tối đó không những vẫn còn, mà có thể còn phát triển mạnh, như một cánh đồng mênh mông những nỗi đau bất tận.

Nhưng tôi xác tín: Nước Trời là một hạt giống tốt đã được gieo vào thực tế thân tôi, và đã được mọc lên trong thực tế ấy. Thân tôi vốn là cánh đồng có lúa tốt lẫn cỏ xấu. Tôi là nạn nhân của bao sự yếu đuối, lỗi lầm. Nhưng chính trong đêm tối ấy đã đang và sẽ mọc lên ánh sáng vinh quang của Chúa. Chúa có thể rút sự lành ra từ những sự xấu.

 4/ Phải khiêm tốn nhìn nhận ơn cứu độ từ Chúa Giêsu trên thánh giá

Trong Phúc Âm thánh Gioan, Chúa Giêsu đã phán những lời rất an ủi về sự Người cứu đoàn chiên của Người.

Tôi chính là mục tử nhân lành, mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).

Tôi chính là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi... Và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,14-15).

Hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên là một việc làm tự do, phát xuất từ tình yêu cao cả “Không tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu” (Ga 15,13).

Thánh Gioan tông đồ sau này đã viết trong thư thứ nhất: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Ðấng Bảo trợ trước mặt Chúa Cha.

Ðó là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Công chính. Chính Ðức Giêsu Kitô là của lễ đền tội cho chúng ta. Không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2,1-2).

Phần tôi, tôi hết sức cố gắng không phạm tội. Nhưng tôi vẫn yếu đuối. Tôi luôn thú nhận rằng: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Ðiều quan trọng của tôi, không phải là vật vã giày vò mình, nhưng là nhìn lên Chúa Giêsu trên thánh giá. Chính Người là Ðấng yêu thương tôi. Chính Người là Ðấng cứu độ tôi. Chính Người là Ðấng tha tội và thánh hoá tôi.

Niềm tin đó khiến tôi ca ngợi Chúa. Ca ngợi với lòng biết ơn. Ca ngợi với quyết tâm yêu mến Chúa hơn và sống thuộc về Chúa hơn.

Niềm tin đó khiến tôi cầu nguyện phó thác.

ù

Như thế, trong sám hối phải có nhiều khiêm tốn, nhiều niềm tin, nhiều yêu mến, nhiều tạ ơn và nhiều cầu nguyện.

Khi sám hối, nên thực hiện trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá. Hãy nhìn Người. Hãy lắng nghe Người. Hãy nói với Người.

Hãy đặt vào trái tim Người gánh nặng đời ta.

Sám hối như vậy sẽ đổi mới lòng ta. Ðổi mới đó sẽ làm cho ta kết hợp chặt chẽ với Chúa Giêsu, như cành với cây. “Thầy là cây nho, các con là cành” (Ga 15,5).

Long Xuyên, ngày 21 tháng 02 năm 2009