Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Dự báo tôn giáo

 

Dịp đầu năm, người ta hay đưa ra các thứ dự báo. Dự báo về chính trị, về kinh tế, về giáo dục, về các thứ chủ nghĩa, về các loại phong trào, về các lựa chọn tôn giáo. Ở đây, tôi xin giới hạn trong nội bộ Giáo Hội Công giáo Việt Nam.

Nói chung, Giáo Hội Công giáo Việt Nam vẫn là một cộng đoàn những người Việt Nam tin theo Chúa, cùng nhau hành hương trên dòng lịch sử. Lịch sử di chuyển giữa những yếu tố phức tạp của con người, và của xã hội. Phức tạp gồm những cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới. Mỗi người có tự do chọn, và phải chịu trách nhiệm về tự do của mình. Phúc Âm mô tả cảnh phức tạp đó bằng hình ảnh dễ nhớ. Một người cha có hai người con. Một đứa phung phá, nhưng rồi trở về. Một đứa đàng hoàng, nhưng rồi ra đi có thể chỉ một thời gian (x. Lc 15,11-31).

Theo cái nhìn trên đây, tôi thử có những dự báo sau đây:

 1/ Trong lãnh vực tu đức sẽ có hai hướng nội ngoại cạnh tranh gay gắt

Hướng nội là để ý ưu tiên đến nội tâm. Sao cho đời sống nội tâm được biến đổi thực sự. Biến đổi trên nền tảng Lời Chúa. Luôn tìm vâng phục thánh ý Chúa. Càng ngày càng đón nhận ơn thánh hoá. Ðược Chúa chia sẻ sự sống của Người, nên luôn tiến triển trên đường làm con bé nhỏ của Chúa Tình yêu. Lý tưởng là chính Ðức Giêsu Kitô. Người con bé nhỏ đi về với Chúa Cha, trong tâm tình phượng thờ và phục vụ khiêm tốn dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần.

Còn hướng ngoại trong tu đức là chỉ để ý đến những hình thức bề ngoài. Giống như kiểu giữ đạo của lớp người đạo đức Pharisêu xưa. Theo ý riêng hơn ý Chúa. Tìm lợi riêng hơn lợi chung. Ðọc kinh nhiều, nhưng lòng trí thì xa Chúa.

 2/ Trong lãnh vực mục vụtruyền giáo hai hướng nội ngoại cũng sẽ đua nhau phát triển

Hướng ngoại là chỉ để ý đến tổ chức, ban bệ, tiền bạc, luật lệ, quyền bính. Chỉ chạy theo thành công bề ngoài, xây dựng uy tín cá nhân và phô trương quyền lực.

Bên cạnh hướng ngoại, vẫn có hướng nội. Hướng nội được ưu tiên thực hiện trong mục vụ và truyền giáo, là hoàn toàn tin cậy vào các ân sủng Chúa Giêsu ban cho: “Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ” (Ep 4,11).

Làm tông đồ,

Làm ngôn sứ,

Làm người rao giảng Tin Mừng,

Làm người coi sóc,

Làm người dạy dỗ.

Năm việc trên đây có nơi được nhấn mạnh như những sứ vụ, có nơi được đề cao như những đặc sủng, có nơi được coi như những công việc hành chánh thông thường. Cách nhìn đúng nhất là nhìn như các ơn đặc sủng. Mà đã là đặc sủng thì phải gắn bó mật thiết với Chúa Thánh Thần.

 3/ Trong lãnh vực hội nhập, hai hướng nội ngoại vẫn sẽ đồng hành, nên phải cảnh giác

Hướng nội là quan tâm nhiều đến những giá trị của dân tộc, của địa phương. Ðể đối thoại, hợp tác với tinh thần bác ái khiêm nhường. Hơn nữa, hướng nội còn là coi trọng những cố gắng của giáo hội địa phương trong việc giữ đạo và truyền đạo. Những cố gắng đó bao gồm mọi góp phần của các tầng lớp, dù là những tầng lớp hèn mọn.

Hướng ngoại là hướng quá đề cao các thứ giá trị từ ngoại quốc. Cái gì tốt cũng phải cậy nhờ vào ngoại quốc, đó là một hướng ngoại quá đáng.

 4/ Trong lãnh vực hy vọng, hai hướng nội ngoại cũng là một thách đố

Mọi sự sẽ không luôn trôi chảy. Nhưng sẽ có những thất bại bề ngoài, sẽ có sự thinh lặng của Thiên Chúa, sẽ có những bóng tối hiện ra phủ kín đường đi. Những trường hợp như vậy sẽ là những thử thách. Nhiều người trong thử thách sẽ trung thành đặt hy vọng vào ơn cứu độ của Chúa Giêsu, Ðấng sẽ ở với con cái Người cho đến tận thế. Nhưng cũng không thiếu người trong thử thách sẽ bỏ Chúa mà đi tìm nương tựa ở những gì ngoài Phúc Âm và phản Phúc Âm.

Sự đứt đoạn với truyền thống Phúc Âm có thể sẽ xảy ra đó đây. Nhưng chúng ta sẽ cùng với Ðức Mẹ Maria luôn đợi chờ Lời Chúa hứa. Với Ðức Mẹ, chúng ta sẽ âm thầm suy nghĩ trong lòng, đặt mình trong tình yêu thương xót của Chúa. Ở lại trong Chúa, đó là hướng đúng, phải dứt khoát chọn.

ù

Hướng nội chủ yếu là trở về. Hướng ngoại chủ yếu là ra đi. Trở về, rồi lại ra đi. Ra đi, rồi lại trở về. Sẽ không có ổn định hoàn toàn và bền vững. Cũng không có tốt xấu rõ ràng dứt khoát. Vì thế, không được hiểu một cách máy móc theo nghĩa đen. Bởi vì theo một nghĩa nào đó, có mức độ hướng ngoại phải được coi là cần, và có thứ hướng nội phải nên tránh. Lịch sử luôn có những bất ngờ.

Do đó, tương lai sẽ là nơi đào tạo sự tự do sáng suốt, để chọn lựa khôn ngoan. Hãy học sống tự do trong ánh sáng Phúc Âm. Thứ tự do đó sẽ đem lại cho chúng ta sự bình an của Chúa nhân lành.

Thiết tưởng đã đến lúc, nhân đức làm chứng cho Chúa mạnh mẽ nhất và có sức lôi cuốn người Việt Nam về với Chúa sẽ không là đức tin đơn thuần, mà sẽ là một đức tin được phiên dịch ra đức ái chan hoà đối với tha nhân.

Long Xuyên, ngày 26 tháng 12 năm 2009