Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Ðức Giêsu Kitô
là Ðấng cứu độ

 

Tại Việt Nam hôm nay, Tuần Thánh là những ngày tập trung đặc biệt vào Ðức Giêsu. Tập trung ở chỗ rất đông người tuốn đến với Người, lắng nghe Lời Người, suy gẫm gương Người, cầu xin với Người, đón nhận Người. Làm những việc đó, vì tin Người là Ðấng Cứu độ.

Trong thâm tâm, mỗi người tín hữu đều tuyên xưng Chúa Giêsu là Ðấng Cứu độ trần gian. Trong trần gian ấy có cá nhân từng người. Từng người là bạn, là họ, là tôi. Chúa Giêsu là Ðấng Cứu độ của tôi. Cái nhìn đó là cái nhìn tập trung. Xin phép kể ra vài nét thuộc nội dung cái nhìn tập trung đó.

 1/ Chúa Giêsu cứu tôi khỏi tội lỗi

Chúa Giêsu đã khẳng định: “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15).

Thánh Phaolô thì dạy: “Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta” (M 1 Cr 15,2). Thánh Gioan nói rõ: “Chính Ðức Giêsu Kitô là của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 2,1). Thánh Phêrô khuyên nhủ: “Anh em đã được cứu chuộc nhờ Máu của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Ðức Kitô” (1 Pr 1,18).

Như vậy, Chúa Giêsu đã lập công đền tội cho tôi. Người đợi chờ tôi đón nhận ơn đó. Khi tôi sám hối, chịu phép giải tội, làm các việc lành, là lúc tôi đón nhận ơn ấy. Chúa Giêsu tha tội. Người cứu tôi khỏi tội.

Cùng với việc tha tội, nhiều khi Chúa cũng thay đổi hoàn cảnh của tội. Bởi vì tội lỗi không đứng một mình. Nó ở trong một chuỗi hoàn cảnh. Có hoàn cảnh khách quan. Có hoàn cảnh chủ quan. Hoàn cảnh được thay đổi nhiều nhất thường là về phía chủ quan. Ðôi khi cũng về phía khách quan.

Tội làm nên những vết nhơ, ơn tha tội tẩy xoá. Tội gây nên những vết thương, ơn tha tội chữa lành. Tội làm nên những mất mát, ơn tha tội bồi đắp. Chính vì, khi Chúa Giêsu tha tội, Người ban cho tôi một sự sống mới. Sự sống mới đó là chính sự sống của Người.

 2/ Chúa Giêsu ban cho tôi sự sống của Người

Thánh Phaolô nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Khi được cứu khỏi tội, mỗi người đều muốn nói lời trên đây của thánh Phaolô. Thực sự, Chúa Giêsu cũng đến ngự trong kẻ ấy, và chia sẻ sự sống của Người.

Chúng ta tin điều đó. Chúng ta cũng có thể nhận ra điều đó, nhờ những dấu chỉ.

Dấu chỉ đầu tiên là sự bình an đầy an ủi.

Người được tha tội thấy mình vẫn còn trong nhiều vòng vây thử thách, nhưng nhờ sự Chúa ở trong họ, họ cảm thấy được an ủi. Họ có thể nói về mình phần nào lời thánh Phaolô xưa: “Tâm hồn tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2 Cr 7,4).

An ủi sâu lắng, bình an dạt dào. Bởi vì tất cả những cảm nghiệm đó đều phát xuất từ “Chúa ở trong tôi”.

Dấu chỉ thứ hai là sự tự do tâm hồn.

Khi còn mang tội lỗi trong mình, chúng ta cảm thấy như bị giam cầm trói buộc. Nhưng khi được ơn tha tội và được Chúa Giêsu ngự trong chúng ta, chúng ta cảm thấy tự do. Sự tự do tâm hồn mà chúng ta cảm nghiệm được là do chính Ðức Kitô. Người giải thoát chúng ta. “Chính để chúng ta được tự do, mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1).

Sự tự do ấy được cắt nghĩa là kết quả tất nhiên của sự chúng ta hoàn toàn thuộc về Ðức Kitô.

Sự tự do ấy giúp chúng ta có những thái độ dè dặt trước mọi thứ dư luận. Nó cũng giúp chúng ta giữ được những khoảng cách cần thiết đối với những cơn cám dỗ.

Sự tự do ấy giúp chúng ta sống phục vụ yêu thương một cách khiêm nhường, như người đầy tớ.

Dấu chỉ thứ ba là bác ái không mệt mỏi.

Khi có Chúa ở trong người nào, người đó cảm thấy bác ái là sự sống của mình. Lúc đó, họ hiểu một cách sống động lời Kinh Thánh “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8).

Bác ái ấy sẽ rất kiên trì. Bởi vì “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng đức mến thì còn mãi” (1 Cr 13,13).

Bác ái ấy là do Thiên Chúa ban. Nó được sinh ra bởi tình yêu Thiên Chúa. Vì thế nó sẽ kiên trì bền vững, cho dù gặp thử thách muôn bề.

Bác ái ấy đề cao sự an ủi nhận được và cho đi. Như lời thánh Phaolô sau đây là một dẫn chứng: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn lòng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2 Cr 1,3-4).

Dấu chỉ sau cùng là khiêm nhường.

Ai được Chúa ở cùng sẽ sống rất khiêm nhường.

Khiêm nhường đối với chính mình là biết nhìn mình một cách đơn sơ, tự hạ, tự hối. “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.

Khiêm nhường đối với người khác là biết quan tâm phục vụ. Với nhân bản, với văn hoá, họ sống tế nhị, dễ mến, biết giúp đỡ người khác và kính trọng người khác.

Khiêm nhường đối với Chúa là biết sống sự thực trước mặt Chúa. Sự thực là mình chẳng là gì, chẳng đáng gì, chẳng có gì. Tôi có gì mà đã không nhận lãnh. Nếu đã nhận lãnh, thì tại sao lại vênh vang như không nhận lãnh (x. 1 Cr 4,7).

ù

Lạy Chúa Giêsu là Ðấng Cứu độ con, con được tha tội là do ơn Chúa. Con được Chúa chia sẻ sự sống của Chúa, cũng là do ơn Chúa. Con xin tạ ơn Chúa. Con sẽ làm chứng về lòng thương xót Chúa suốt đời con. Và điều đó cũng sẽ lại nhờ ơn Chúa xót thương con.

Long Xuyên, ngày 16 tháng 3 năm 2009