Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Tham dự nghi thức
đi đàng thánh giá tại Rôma

 

Năm nay, trong Tuần Thánh, tôi được diễm phúc tham dự nghi thức đi đàng thánh giá. Nghi thức đã diễn ra tại Rôma đêm thứ Sáu (10-4-2009). Giờ Việt Nam là 5 giờ sáng thứ Bảy (11-4-2009). Tất nhiên tôi tham dự qua truyền hình trực tiếp. Hình ảnh và âm thanh rất rõ.

Trong bầu khi thầm lặng, tôi hiệp thông với Ðức Thánh Cha và toàn thể dân Chúa quy tụ tại công trường Côliseô, để viếng đàng thánh giá.

Xin phép cho tôi được chia sẻ vài cảm nghĩ của tôi, sau khi tham dự.

 1/ Huyền nhiệm vô hình

Tôi được thấy đám đông vô kể, gồm nhiều dân tộc và quốc gia, thuộc đủ mọi lứa tuổi và mọi thành phần trong Hội Thánh.

Tôi được thấy một đoàn nhỏ di chuyển theo cây thánh giá lớn. Mỗi chặng đàng có một người cầm cây thánh giá lớn ấy giơ lên cao.

Họ thay nhau cầm. Người ta có cảm tưởng họ tượng trưng cho các dân tộc trên thế giới và các thành phần khác nhau trong gia đình của Giáo Hội.

Tôi được thấy Ðức Thánh Cha Bênêđíctô XVI. Với bộ tóc bạc phơ, Ngài quỳ tại chỗ suốt hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Nét mặt chiêm niệm sâu, hai bàn tay chắp lại cung kính.

Tôi được nghe ở mỗi chặng đàng: một bài suy niệm nhỏ, một lời cầu nhỏ, một kinh Lạy Cha đọc chung, một bài hát về Mẹ sầu bi do ca đoàn đảm nhận.

Quang cảnh những gì tôi thấy và nghe là rất trang nghiêm. Nhưng tôi được thu hút nhiều hơn bởi một sức thiêng đàng sau quang cảnh đó.

Ðức Thánh Cha quỳ lặng. Ngài ở giữa gia đình dân Chúa và trước mặt Chúa như một người phục vụ. Chính vì không như kẻ có quyền, nên uy của Ngài lại rất lớn. Uy của Ngài là do sự hiền lành, khiêm nhường, thánh thiện. Nhìn Ngài cầu nguyện, người ta không ngại quả quyết: Ngài đang gặp Chúa. Chúa ở với Ngài. Ðó là một huyền nhiệm ở trong Ngài.

Còn dân Chúa, tuy rất đông và rất khác nhau về quốc tịch, văn hoá và chức vị, tuổi tác, nhưng họ sát bên nhau, liên kết với nhau. Họ coi nhau là con cùng một Cha trên trời. Vì thế, sức mạnh của họ là vô hình, huyền nhiệm.

Ði đàng thánh giá như thế không nói lên một Hội Thánh cơ chế, nhưng nói lên một Hội Thánh huyền nhiệm. Yếu tố chính làm nên huyền nhiệm, là Thiên Chúa ở giữa Hội Thánh.

 2/ Thân phận con người

Những đề tài được gợi lên, để suy niệm trong 14 đàng thánh giá, đều liên quan đến thân phận con người.

Chúa Giêsu mang trên mình mọi thứ đau khổ của con người.

Chúa chịu chết đền tội cho loài người sa ngã.

Những gì là nhục nhã, là bất công, là phản bội, là vô ơn, mà người ta thường gặp trong chuyến đi cuộc đời, đều đã xảy ra cho Ðức Kitô.

Người mang trọn thân phận con người. Chính vì thế, mà Người cũng rất nhạy cảm với những nâng đỡ ủi an do người đời mang lại.

Ðêm đó, vị gợi ý suy niệm đã nêu lên ba chi tiết một cách chủ ý:

- Một là ông Simon vác đỡ thánh giá Chúa.

- Hai là các phụ nữ Giêrusalem khóc thương Chúa.

- Ba là Chúa Giêsu trối môn đệ Gioan cho Ðức Mẹ và trối Ðức Mẹ cho môn đệ Gioan.

Khi những chi tiết đó được nêu lên để suy niệm, tôi thấy tôi được gần gũi Chúa Giêsu. Bởi vì tôi cũng trong thân phận con người, rất lấy làm quý những đỡ nâng an ủi như vậy.

Nếu tôi không nhìn lầm, thì tôi đã thấy Ðức Thánh Cha tỏ ra rất cảm động. Ngài cũng mang một thân phận con người cần được đỡ nâng.

Có một chi tiết nên nhắc tới ở đây là: Ở một chặng gần cuối, thánh giá đã được trao cho một người bệnh tật. Người này vừa di chuyển bằng xe lăn, vừa giơ cao cây thánh giá. Nhìn cảnh đó, nhiều người đã xót xa, mủi lòng, lấy khăn lau nước mắt.

Tự nhiên, tôi nghĩ đến những thân phận khổ đau xa gần. Họ đến gần bên Chúa. Chúa ở bên họ. Chúa cùng đau khổ với họ. Tôi cũng được chia sẻ đôi chút đau khổ của họ. Ðau khổ là quê hương chung.

 3/ Thánh giá và ngọn lửa hồng

Buổi viếng đàng thánh giá kéo dài một tiếng rưỡi. Trong đó hình ảnh được đài truyền hình chiếu nhiều lần nhất chính là thánh giá và ngọn lửa hồng.

Thánh giá là biểu tượng tình yêu cứu độ của Chúa giàu lòng thương xót. Ngọn lửa hồng là hình ảnh tình yêu.

Một quy tụ rất đông. Không biểu ngữ, không khẩu hiệu, không đồng phục. Tất cả đều trong trật tự, trang nghiêm, thinh lặng sốt sắng. Ai nấy ra về, như ngọn lửa hồng. Họ ra đi với vinh dự của cây thánh giá. Bước nhỏ thôi, nhưng tất cả là tình yêu và cho tình yêu. Ðời họ mang ý nghĩa cao đẹp. Lời chứng của họ chính là đời sống của họ. Ðôi khi thinh lặng khiêm tốn cũng là một thứ lời nói truyền cảm.

Tôi tạ ơn Chúa đã dạy tôi nhiều điều trong buổi tham dự hiếm hoi này. Có những điều tôi chia sẻ được. Và có những điều tôi không chia sẻ được, do giới hạn của khả năng diễn tả.

Long Xuyên, tháng 4 năm 2009