Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 10 - 2009-
 NHỮNG ĐỐI THOẠI
(Thao Thức 10) -2009-

  -2010-
 

Năm Linh Mục

Tập trung vào Ðức Kitô

 

Trong Năm Linh Mục, đã có nhiều người đưa ra đấng thánh này, nhân vật nọ, để nêu gương.

Những gương đó, nếu để noi theo, thì cũng vì những gương đó quy chiếu về Chúa Giêsu. Bởi vì chính Chúa Giêsu đã phán: “Chính Thầy là đường, là chân lý và là sự sống” (Ga 14,6). Vì thế, năm Linh mục kêu mời mọi người, nhất là các linh mục, hãy trở về nguồn là chính Ðức Kitô.

Trên lý thuyết, ai trong chúng ta cũng tuyên xưng Ðức Kitô là nguồn mạch cuộc đời mình. Nhưng trên thực tế, nhiều khi chúng ta lại sống xa cách nguồn mạch đó, một phần do áp lực của các phong trào xung quanh.

Chúng ta nên khiêm tốn nhìn vào thực tế đáng buồn ấy.

 1/ Chúa Giêsu là đường

Chúng ta không hề chối điều đó trên lý thuyết. Chúng ta còn thuộc lòng những lời Chúa Giêsu nói về con đường môn đệ Chúa phải đi, như: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Hơn nữa. Chúng ta còn nhớ thêm lời khác Chúa dạy: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang đưa đến diệt vong” (Mt 7,13).

Nhưng hiện nay, cuộc cách mạng kỹ thuật và đời sống hưởng thụ muốn đi con đường khác. Hưởng thụ thì muốn đi đường thênh thang. Kỹ thuật thì không muốn chấp nhận những vất vả, đi chậm, từng bước lặn lội trên đường hy sinh, từ bỏ mình.

Vì thế, trên thực tế, Chúa Giêsu không còn là con đường cho một số người chúng ta nữa.

 2/ Chúa Giêsu là chân lý

Chúng ta vẫn tin những lời Chúa Giêsu dạy về tội phúc, về phán xét, về thiên đàng hoả ngục.

Nhưng hiện nay, cuộc cách mạng khoa học muốn cái gì cũng phải có lý. Ảnh hưởng của nó cũng đã tràn vào lãnh vực mạc khải. Nên không thiếu người đã lý-trí-hoá các chân lý mạc khải. Như chủ trương rằng: Nhiều điều mà mạc khải gọi là tội xét ra là không có lý. Phán đoán đó dẫn đưa tới não trạng không còn ý thức về tội theo mạc khải. Tình trạng này đang phát triển mạnh ở khá nhiều nước đã phát triển về khoa học. Tại đó, tội bị hiểu một cách sai lạc, đức tin cũng bị cắt nghĩa một cách tự do, theo những tiêu chuẩn thuần tuý lý luận khoa học.

Tại Việt Nam, đã thấy rồi một hướng đi đòi mọi sự phải hợp lý theo lý trí và khoa học.

 3/ Chúa Giêsu là sự sống

Ðối với phần đông, cái làm nên sự sống chính là hạnh phúc. Mà hạnh phúc chỉ có được, khi người ta đạt được điều mình muốn.

Cuộc cách mạng văn hoá thực dụng tại nhiều nơi đang coi điều mình muốn có sức làm nên hạnh phúc, chính là cái gì trước mắt, như tiền bạc, uy tín hơn người, khoái lạc hiện tại.

Trong một xã hội, mà văn hoá thực dụng trở thành lẽ sống, tìm hạnh phúc trước mắt, thì bất cứ sự sống truyền thống nào cũng sẽ bị đe doạ. Nhất là khi sự sống lại là chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là sự sống do Tám mối phúc giới thiệu, dẫn về hạnh phúc đời đời trong Thiên Chúa là tình yêu.

Trên đây, tôi gọi những chuyển biến kỹ thuật, hưởng thụ, khoa học và văn hoá thực dụng là những cuộc cách mạng, vì những chuyển biến đó có sức mạnh thay đổi. Có những thay đổi tốt. Có những thay đổi không tốt. Vì thế, trở về nguồn là việc không dễ dàng.

Vậy phải làm gì?

Xin phép chia sẻ một số kinh nghiệm.

Trước hết, chúng ta luôn tin Chúa Giêsu là Ðấng Cứu độ. Chúa phán: “Người khoẻ mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần... Thầy đến không để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,12-13).

Chúng ta là những người đau ốm, là người tội lỗi. Trong niềm xác tín khiêm nhường đó, chúng ta suy gẫm lời thánh Phaolô đã viết xưa về bản thân mình: “Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi cứ làm... Tôi thật là một người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,19-24).

Ðiều gì thánh Phaolô nói về bản thân ngài, thì ta cũng nói về bản thân ta. Nói với lòng khiêm tốn nhận mình yếu đuối. Ðể rồi nhờ Chúa Giêsu giải cứu cho.

Thêm vào đó, chúng ta lại xin Chúa Giêsu ban ơn cho ta biết phân định cái gì là tốt, cái gì là xấu trên đời này, nhất là ơn không rập theo thói đời, nhưng luôn biết đổi mới tâm hồn. Thánh Phaolô viết: “Anh em đừng có rập theo thói đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra điều gì là ý Chúa, cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo” (Rm 12,2).

ù

Trên đây là một thoáng nhìn về một chương trình trở về nguồn trong năm linh mục. Nguồn là Chúa Giêsu. Trở về với Chúa Giêsu là nhìn nhận mình yếu đuối, để hết lòng tin cậy nơi Chúa Giêsu là Ðấng Cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con.

Long Xuyên, ngày 13 tháng 7 năm 2009