Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Tĩnh tâm trước Tết

Xuân mới càng lúc càng tới gần. Nhưng nhiều nơi đã bắt đầu chuẩn bị mừng Tân Xuân.

Trong Giáo Hội tại Việt Nam, nhiều nơi có thói quen thực hiện một chuẩn bị tốt, ít ra cho hàng giáo sĩ. Chuẩn bị tốt đó là tĩnh tâm vài ngày.

Hiệp thông với chuẩn bị tốt lành đó, tôi cũng tĩnh tâm riêng.

Ðang lúc mới bước vào tĩnh tâm, tôi nhận được tập nội san cuối năm của nhóm huynh đệ gởi từ Pháp.

Trong tập nội san lần này, có một bài chia sẻ độc đáo, đơn sơ, nhưng đầy gợi ý cho người tĩnh tâm.

Bài chia sẻ là một câu chuyện nhỏ. Tóm tắt thế này:

 Câu chuyện nhỏ

Một người da đen có người bạn da trắng. Hai người ở xa nhau. Một hôm, người da đen bỏ quê nghèo của mình đến thăm người bạn da trắng. Người da trắng sinh sống giữa phố phường sang trọng.

Một buổi chiều hai người đi dạo trò chuyện trên đường phố. Bỗng dưng, một lúc bất ngờ, người da đen tỏ vẻ ngạc nhiên, ngưng nói, chăm chú lắng nghe gì đó xa xôi. Rồi anh nói với người bạn da trắng: Tôi nghe như có tiếng chim sâu gần đây. Ông bạn da trắng trả lời: Anh nói lạ! Ðây là phố. Tôi chỉ nghe tiếng các xe lăn bánh.

Tiến xa hơn một quãng, ông bạn da đen chỉ cho ông bạn da trắng thấy: Kìa bên đường có một khu nhà cũ, có vườn cây, và thực sự có một con chim sâu đang hót. Ông bạn da trắng khen: Anh có thính giác tốt hơn tôi! Ông bạn da đen thưa: Không phải thế đâu. Thính giác của tôi cũng như thính giác của anh. Chỉ khác nhau ở chỗ tôi ở vùng quê, quen với tiếng chim kêu, thích tiếng chim hót. Nên dễ nhận ra.

Rồi, anh da đen mở túi tiền của anh, mở ra, lấy ba đồng cắc, ném mạnh xuống đường. Lập tức, mấy người đi trước, quay lại, tìm những đồng tiền tưởng ai mới đánh rơi.

Anh bạn da đen nói với ông bạn da trắng: Anh thấy chưa. Họ quen nghe tiếng tiền, nên tai họ nhạy bén với tiền.

Tất cả là do lòng mình thích nghe gì, quen nghe gì, chờ đợi nghe gì.

 Áp dụng câu chuyện

Vị linh mục, tác giả bài chia sẻ trên, không kết luận gì. Nhưng tôi hiểu ngài muốn gởi cho bạn bè một gợi ý.

Ý được gợi lên trong tôi là ý đạo đức. Xin tóm tắt ý đó như sau:

Chúng ta đang sống trong một nền văn minh vật chất cao. Tại nhiều nơi, nền văn minh đó đang hướng con người vào một mục đích mới. Ðó là sống để hưởng thụ. Hưởng thụ về các thứ sung sướng do khoa học, danh vọng, chức quyền đem lại.

Sống trong bầu khí văn minh đó, với mục đích cuộc đời như thế, con người sẽ chỉ nhạy bén với tiền và với những phương tiện đem lại hưởng thụ.

Một tình hình như vậy đang tiến lên rất mau. Nó có đem lại một số giá trị tích cực, nhưng đồng thời nó cũng gây nên nhiều tiêu cực. Nhất là khoảng cách giữa giàu với nghèo càng ngày càng sâu rộng hơn. Khoảng cách đó sẽ không tránh được những bất công. Bất công sẽ gây nên bất mãn. Hậu quả có thể sẽ rất tồi tệ cả về an toàn xã hội lẫn về phát triển đạo đức.

Khi một tình hình như thế trở thành nguy cơ lớn cho nhân loại, thì cần đến một sự cứu độ.

Trong việc cứu độ, Chúa kêu gọi Hội Thánh nói chung, và các giáo sĩ nói riêng hãy là những cộng tác viên của Chúa.

Chúa kêu gọi nhỏ nhẹ. Chỉ những ai có cõi lòng thanh vắng hướng về Chúa mới nghe được.

 Hai lời kêu gọi

Tiếng Chúa gọi chúng ta trong tình hình hiện nay mang tính khẩn thiết. Nếu hỏi: Chúa kêu gọi khẩn thiết sự gì? Thì có thể trả lời: Chúa chỉ nhắc lại những gì Chúa đã kêu gọi xưa, mà Phúc Âm còn ghi. Những kêu gọi đó rất cần cho lúc này.

Tôi nghĩ tới hai lời kêu gọi sau đây:

Lời kêu gọi thứ nhất là: Môn đệ Chúa cần đổi mới bản thân.

Chúa phán rõ điều đó với ông Nicôđêmô: “Thật, tôi bảo thật ông. Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh lại bởi ơn trên” (Ga 3,5). Chúa Giêsu nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Linh trong sự tái sinh này (x. Ga 3,8).

Nhờ sự tái sinh này, môn đệ Chúa sẽ gắn bó chặt chẽ với Chúa Giêsu như cành với cây. Chúa phán: “Thầy là cây nho, các con là cành nho” (Ga 15,5). Cũng nhờ sự đổi mới này, người môn đệ Chúa sẽ phản ánh chân dung một Chúa Giêsu khó nghèo, hy sinh ở Belem, ở Nagiarét, ở núi Sọ, và được phục sinh trong sự sống mới.

Lời kêu gọi thứ hai là: Môn đệ Chúa hãy biết thương cảm, đồng cảm với những người khổ đau, và những người mang trách nhiệm nặng nề.

Chúa luôn kêu gọi các môn đệ Chúa hãy biết thương cảm, đồng cảm đối với người đau khổ. Lời kêu gọi rõ nhất là khi Chúa nêu gương người Samarita tốt lành, ông này thương cảm trong lòng, ngoài miệng và bằng hành động cụ thể. Rồi, gương ông Simon vác đỡ thánh giá cho Chúa Giêsu (x. Lc 23,26).

Tại Việt Nam hôm nay, trong đạo ngoài đời, số người nghèo chiếm đa số. Những người mang trách nhiệm nặng cũng khá đông. Nếu chẳng may có những người môn đệ Chúa lại được nhìn như thuộc giai cấp giàu, nhàn hạ, hoặc thiếu thương cảm, thiếu chia sẻ, thì sẽ khó tránh được những suy nghĩ không mấy thiện cảm của người dân đối với đạo ta.

 Hướng về tương lai

Tôi nghĩ rằng: Nhiều môn đệ Chúa tại Việt Nam đã nghe được hai tiếng gọi khẩn thiết trên đây. Các ngài đang cố gắng đáp lại lời Chúa gọi. Các ngài đúng là người của Chúa, mang Chúa trong lòng, và đưa Chúa là Tin Mừng đến cho nhiều người. Tình hình nhờ đó mà được cải thiện.

Nhưng, chẳng may, xem ra cũng còn một số môn đệ Chúa chưa tiếp thu được hai lời kêu gọi khẩn thiết trên. Hoặc có biết, nhưng không cố gắng đáp ứng. Do đó, tình hình nhiều nơi vẫn chuyển biến xấu.

Tương lai sẽ là bãi chiến trường rộng lớn giữa sự thiện và sự ác. Cuộc chiến đó sẽ rất cam go.

Nếu các môn đệ Chúa biết lắng nghe tiếng Chúa và thi hành ý Chúa, thì một mùa Xuân thiêng liêng sẽ đến với Quê Hương Việt Nam và Hội Thánh Việt Nam.

Câu hỏi để kết thúc là: Lòng ta có nghe được tiếng Chúa gọi không?

Hạnh phúc cho ta, nếu ta biết nghe thánh ý Chúa và để thánh ý Chúa dẫn đưa đời ta.

Ngày 10 tháng 01 năm 2005