Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Dự báo về tương lai giáo sĩ
tại Việt Nam

60 năm trước, năm Ất Dậu đối với tôi là năm kinh hoàng. Do nạn đói hãi hùng. Ảnh hưởng đáng sợ. Ấn tượng rất sâu.

Hôm nay, với quá khứ xa xôi đó, tôi tự nhiên nhìn Ất Dậu này trong một trực giác lo âu. Tương lai là của Chúa. Nhưng mỗi người cũng được quyền dự báo. Riêng về tương lai giáo sĩ tại Việt Nam, dự báo của tôi hiện lên khá rõ. Xin phép được chia sẻ.

 I. NHỮNG THÁCH ÐỐ LỚN SẼ ÐƯỢC ÐẶT RA

1/ Thách đố thứ nhất là sự phát triển công khai, mạnh và có hậu thuẫn lớn của một số tôn giáo bạn.

- Có những tôn giáo không là Công giáo, nhưng thuộc hệ Thiên Chúa giáo, đang phát triển mạnh về phổ biến Lời Chúa, học hỏi Lời Chúa, sống Lời Chúa, và về bác ái, nâng đỡ cuộc sống giữa những người cùng cộng đoàn.

Hậu thuẫn lớn của các tôn giáo bạn đáng kính đó là mấy siêu cường.

Có những tôn giáo thuộc hệ Phật giáo đang phát triển công khai, mạnh và đều khắp về việc từ thiện, chay tịnh, cầu nguyện, hiếu và hài hoà.

Hậu thuẫn lớn của các tôn giáo đáng kính đó là xã hội Việt Nam và các nước Ðông Nam Á.

Không thiếu dư luận cho rằng nhiều tín đồ của các tôn giáo bạn đang sống Phúc Âm khá hơn chúng ta.

2/ Thách đố thứ hai là sự phát triển âm thầm, nhưng khá mạnh của những phong trào nhắm vào việc thay đổi Hội Thánh và đi vào cuộc sống mới.

Thí dụ:

Phong trào đòi hợp lý.

Người ta phân biệt con người tu và tư tưởng việc làm con người tu. Có những con người tu có thể được coi là dễ thương, đáng kính. Nhưng tư tưởng và việc làm của các ngài bị coi là không hợp lý. Lý theo Phúc Âm. Lý theo lương tri. Lý theo từng nhóm, từng gốc gác, từng tục lệ.

Thời nay, điều phối những khác biệt là điều không dễ.

Phong trào tự hào dân tộc.

Người ta so sánh các tôn giáo tại Việt Nam, và xem: Công giáo tại Việt Nam có những đóng góp nào đáng kể trong việc dành độc lập, xây dựng bảo vệ Tổ Quốc, và chăm lo cho cuộc sống dân nghèo khổ?

Công giáo tại Việt Nam có thực sự là một yếu tố cần cho việc phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh và tăng cường đoàn kết trong Nước nói chung và tại địa phương nói riêng không?

Nhưng, cũng có những thiên kiến. Ðạt được một cái nhìn khách quan, đó là một thách đố không nhỏ.

Phong trào mong chờ một sự thay đổi tốt nơi giáo sĩ.

Nhiều người rất mong các giáo sĩ của họ sống đúng Tin Mừng của Chúa, chứ đừng sống Tin Mừng theo thói thế gian.

Nhiều người mong các giáo sĩ của họ làm chứng cho Chúa bằng đời sống các ngài hơn là bằng những lời rao giảng suông.

Ðời sống làm chứng cho Chúa là đời sống đã được Chúa Giêsu xác định: “Từ bỏ mình, vác thánh giá mình, mà theo Chúa” (Lc 9,23).

Biết những thách đố, để cố gắng giải quyết theo ơn Chúa Thánh Thần, đó là bổn phận người môn đệ Ðức Kitô.

 II. NHỮNG THỬ THÁCH LỚN XẢY RA

Có 4 cái giảm:

- Có khả năng giảm bớt lòng kính trọng và tin tưởng đối với một số giáo sĩ.

- Có khả năng giảm bớt sự nhiệt tình muốn đi tu để thành giáo sĩ.

- Có khả năng giảm bớt uy tín hàng giáo sĩ.

- Có khả năng giảm bớt tình nghĩa sâu xa rộng rãi trong nội bộ giáo sĩ, do nhiều khác biệt càng ngày càng tăng.

Có 5 cái tăng:

- Tăng nhiều phân tâm thế tục làm cho nhiều giáo sĩ có thể bớt dần sức sống nội tâm và tu thân.

- Tăng bệnh tật, cô đơn, căng thẳng.

- Tăng những cám dỗ, áp lực và cạm bẫy đón chờ giáo sĩ.

- Tăng nhiều thứ phê phán nhắm vào giáo sĩ.

- Tăng nhiều cơ hội trắc nghiệm trình độ trưởng thành thiêng liêng của giáo sĩ, nhất là về đức khiêm nhường, khó nghèo bác ái và vâng phục thánh ý Chúa trên đường thánh giá.

Về thử thách: Tôi chỉ xin trích lời thánh tông đồ Giacôbê sau đây: “Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người” (Ga 1,12).

 III. THÁI ÐỘ DỰ KIẾN
 TRƯỚC MỘT TÌNH HÌNH DỰ BÁO NHƯ TRÊ
N

1/ Nên cương quyết giữ vững và tha thiết với cơ chế bên trong của tôn giáo ta. Cơ chế đó chính là Lời Chúa, các Bí tích, nhất là phép Thánh Thể. Ðừng quên Thánh Thể vốn đi liền với thánh giá và thánh ý.

Coi Chúa Giêsu là trung tâm đời ta.

Coi Chúa Thánh Thần là Ðấng dạy dỗ ta.

Coi đời ta là chuyến đi phục vụ, khiêm nhường bác ái, để về với Chúa Cha.

2/ Nêu gương tinh thần bác ái, khó nghèo, đơn sơ, tiết độ, trong mọi chi tiết cơ cấu bên ngoài của đạo. Cơ chế bên ngoài là các việc xây cất, các tổ chức ban bệ, các hoạt động lễ lạy, các lo toan tìm kiếm những phương tiện tiền bạc, các chọn lựa nhân sự, các luật lệ tự đặt ra, các liên hệ xã hội.

3/ Nên chấp nhận khiêm nhường cách sống đạo của một tôn giáo thiểu số. Bắt chước gương Ðức Mẹ và thánh Giuse, Mẹ Têrêsa Calcutta.

4/ Nên tỉnh thức lắng nghe những cảnh báo xa gần, liên quan đến tình hình Công giáo đó đây.

Tiện đây, tôi xin dựa một tin mới nhất có tính cách cảnh báo:

- Cuối năm vừa qua, một linh mục học trò thân thiết của tôi đang coi xứ ở Ðức, đã cho hay:

Ðịa phận của Ngài, trước đây có 810 nhà thờ xứ. Bây giờ thu gọn lại chỉ còn 270 xứ thôi. Người công giáo ở đây ít lui tới nhà thờ, nhưng rất có lòng bác ái quảng đại”.

ù

Bất an, bất hoà, bất cần, bất ổn, bất chấp: Tất cả đều có thể xảy ra cho tương lai Hội Thánh Việt Nam chúng ta.

Cũng sẽ có những bất ngờ lớn.

Trên đây chỉ là dự báo, theo một cái nhìn riêng tư.

Hy vọng dự báo bé nhỏ này cũng góp được phần nào trong việc suy nghĩ về trách nhiệm liên đới của ta với hàng giáo sĩ của ta.

Không có gì dễ cả, nhất là trong lãnh vực đạo đức. Nhưng “Ðối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Riêng đối với tôi, tôi vốn đặt niềm tin tưởng vào thánh Giuse. Ngài là đấng che chở Chúa Giêsu, Ðức Mẹ, Hội Thánh nói chung và các giáo sĩ có lòng bác ái, khiêm tốn, khó nghèo nói riêng.

Ngày 17 tháng 01 năm 2005